Tiền ảo có tiềm năng thay thế cổ phiếu trong các phiên lên sàn của startup công nghệ
Song song với việc đồng bitcoin tăng giá kỷ lục thời gian gần đây, hình thức huy động vốn đầu tư bằng tiền ảo cũng đang gây bão trong giới đầu tư công nghệ: Initial Coin Offering (ICO).
ICO là gì?
Cũng tương tự như IPO (Initial Public Offering – phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), ICO là một hình thức hợp pháp cho phép các công ty huy động vốn qua việc chào bán một thứ gì đó ra công chúng. Tuy nhiên, thay vì chào bán cổ phiếu như IPO, các công ty này (cũng thường là các startup liên quan đến công nghệ blockchain) tự phát triển và tung ra một loại tiền ảo (phổ biến nhất hiện nay là bitcoin) có thể mua bán online.
Khá giống các dự án gọi vốn cộng đồng, các công ty muốn tiến hành ICO, hay còn gọi là crowdsale, sẽ thảo bản kế hoạch ra sách trắng (whitepaper), trình bày chi tiết về dự án, những điều sẽ thực hiện khi hoàn thành gọi vốn, số tiền cần huy động để thực hiện, loại tiền nào sẽ chấp nhận hay dự án ICO sẽ kéo dài bao lâu,…
Trong suốt chiến dịch, những người muốn ủng hộ công ty (supporter) có thể mua số coin được phát hành bằng tiền mặt hoặc các loại tiền ảo khác. Số coin chào bán được gọi là “token”, tương tự như cổ phiếu sở hữu mà các công ty phát hành trong IPO. Nếu số vốn huy động được không đạt mục tiêu đặt ra, công ty chào bán sẽ hoàn lại tiền cho các supporter; phiên ICO đó cũng sẽ được coi là không thành công. Ngược lại, nếu số vốn huy động đạt đủ mục tiêu trong kỳ hạn đặt ra, startup sẽ dùng tiền đó để phát triển sản phẩm.
Mức giá của đồng tiền ảo phát hành, tính theo giá trị thị trường của công ty, sẽ được quyết định dựa trên nguồn cung hữu hạn của nó và nhu cầu từ thị trường. Chẳng hạn như việc nền tảng smart contract Ethereum tự phát triển đồng tiền ảo ether từ năm 2014. Ethereum đã thực hiện một đợt presale (trước bán hàng) “tiền trạm” để đo lường nhu cầu mua ether của thị trường và huy động được 18 triệu USD (dưới dạng bitcoin, tương đương 0,4 USD/ether thời điểm 2014). Dự án chính thức ra mắt vào năm 2015 và đến nay, giá ether đã lên đến trên 90 USD/ether.
Động cơ của các supporter là hy vọng thu lời lớn từ việc startup thành công và đồng tiền lên giá. Tuy nhiên, không như IPO với sự tham gia của các nhà đầu tư, những người dự phần ICO là các supporter như trong các dự án gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter. Và tất nhiên tương tự như Kickstarter, các supporter cũng sẽ có nguy cơ trao “nhầm” tiền cho những dự án lừa đảo, dù lỗi hoàn toàn không phải do ICO.
Việc mua bán tiền ảo trên thị trường sẽ diễn ra tương tự như các giao dịch trên sàn chứng khoán. Hiện tại, thế giới đang có 40 sàn giao dịch tiền ảo; tổng giá trị thị trường tiền ảo toàn cầu đang rơi vào khoảng hơn 38 tỷ USD với bitcoin chiếm phần đa trong số này.
Tại sao các công ty lại muốn thay thế IPO bằng ICO?
ICO còn là một khái niệm mới và thế giới thì vẫn chưa có quy định rõ ràng nào cho nó. Cùng với việc thị trường tiền ảo luôn biến động rất nhanh và mạnh, việc thiếu quy định này có thể tiềm tàng nhiều rủi ro cho các startup. Vậy thì điều gì khiến họ sẵn sàng chạy theo ICO?
Từ góc nhìn của các nhà sáng lập startup, bạn sẽ thấy việc có thể đặt ra “luật chơi” riêng thú vị hơn rất nhiều so với việc tiến hành IPO và phải tuân theo các quy định của Ủy ban Chứng khoán. Tại sao bạn lại phải giao cổ phần cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư chạy theo danh tiếng (của các công ty IPO) trong khi hoàn toàn có thể cho một lượng lớn “early supporter”, những người thực sự tin tưởng công ty ngay từ đầu, được sở hữu một phần trong đó? Chưa hết, để IPO, các công ty thường phải phát triển đến một quy mô và thành công nhất định, trong khi ICO thì có thể thực hiện ngay cả khi startup còn đang trong giai đoạn trứng nước. Như vậy, tất cả các bên tham gia đều có lợi ích rõ ràng, đặc biệt là với những người mua coin từ sớm.
Còn vấn đề biến động thị trường, trong khi một số người coi là nguy cơ thì nhiều người khác lại coi là lợi thế. Thị trường tiền ảo hiện nay có tính thanh khoản rất cao. Bạn không cần phải đợi chờ qua các đợt IPO hay thoái vốn để có thể thu lại tiền. Những người tham gia hoàn toàn có thể rút tiền ra bất cứ khi nào họ muốn (trừ khi họ chấp thuận một số điều khoản “cứng” nào đó của công ty về kỳ hạn rao bán coin). Chính vì vậy mà nếu là một công ty hay một nhà đầu tư, bạn có thể rút bitcoin hay ether của mình ra để lấy tiền mặt vào bất cứ thời điểm nào.
Sân chơi của các startup non trẻ
Một trong những dự án đầu tiên gọi vốn qua ICO là Mastercoins (nay là OMNI), thực hiện vào năm 2013. Ngoài Ethereum, trường hợp thành công nổi bật khác phải kể đến DAO, một công ty đầu tư mạo hiểm phi tập trung được xây dựng từ chính nền tảng Ethereum đã trở nên nổi tiếng sau khi gọi được 160 triệu USD vào mùa hè năm 2016.
Tháng 4, quỹ đầu tư mạo hiểm Blockchain Capital (chuyên đầu tư vào công nghệ blockchain) cũng vừa huy động được 10 triệu USD dưới dạng đồng tiền ảo có tên “BCAP” chỉ sau 6 tiếng chào bán. Sự tham gia của nhiều nhân vật uy tín trong ngành đã đẩy sức hút của BCAP lên rất cao. BCAP được chính thức tung ra giao dịch trên TokenHub.com từ ngày 10/5 vừa qua. Blockchain Capital đã nhanh chóng thông báo thương vụ rót vốn đầu tiên vào startup Parity Technologies Ltd – đơn vị phát triển phần mềm Parity Ethereum.
Một số startup mới nổi như Gnosis – sàn cá cược cả các sự kiện như bầu cử Tổng thống, ZrCoin – dự án khai thác Zirconium dioxide từ rác thải công nghiệp để chế tạo hợp kim cách nhiệt hay “Back to Earth” – trải nghiệm VR có thể thay đổi hoàn toàn các phương thức truyền thông xã hội hiện nay,… cũng đã tiến hành ICO. Đặc biệt, Gnosis đã gọi được 12 triệu USD chỉ sau chưa đầy 15 phút mở bán coin, đạt mức giá trị thị trường lên đến 300 triệu USD.
Ước tính tổng vốn đầu tư rót vào các phiên ICO đến nay đã rơi vào khoảng 250 triệu USD; riêng 5 tháng đầu năm 2017 đã thu hút tới 107 triệu USD.
Liệu ICO có tạo nên một bong bóng dễ vỡ?
Một trong những yếu tố khiến các chuyên gia tin rằng ICO đang hình thành một bong bóng dễ vỡ là sự thiếu quy định ràng buộc nó. Bởi ICO còn quá mới và khó kiểm soát, các nhà lập pháp thường phản ứng lại một cách khá chậm chạp. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra kẽ hở cho các vấn nạn như gian lận, lừa đảo, hack,… như những thảm họa chúng ta từng được chứng kiến với sàn Mt. Gox tại Tokyo hay Bitfinex của Hong Kong.
Sự thiếu quy định cũng dẫn đến việc thị trường này sẽ trở nên đặc biệt bất ổn định, như những gì chúng ta được chứng kiến từ đợt tăng giá bitcoin kỷ lục trong năm nay.
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng các quy định ràng buộc thị trường trong tương lai sẽ đẩy giá tiền ảo xuống mức thấp. Điều đáng nói là ngay cả Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cũng chưa có động thái nào về ICO, điều khiến nhiều người tin là SEC nhiều khả năng sẽ ra các quy định “trừng phạt” nặng nề ICO.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tỏ ra không quá lo ngại về tương lai loại hình gọi vốn này. Lý do là bởi thị trường ICO đang cho thấy những dấu hiệu trưởng thành. Nhiều thương vụ ICO hiện nay đã sử dụng tài khoản bảo chứng (escrow account), yếu tố khiến cho việc nhận coin rồi bỏ trốn trở nên khó khăn hơn.
Mội bài viết trên tờ Economist gần đây đã so sánh bong bóng ICO với bong bóng South Sea thế kỷ 18 từng gây chấn động trong lịch sử ngành tài chính: giá cổ phiếu có thể giảm kịch sàn trong ngắn hạn, nhưng sẽ là tiền đề đầu tiên dẫn đến đổi mới sáng tạo – những công ty cổ phần hoàn toàn mới sẽ xuất hiện. Các chuyên gia này cũng cho rằng những kẻ đi tiên phong vẫn sẽ thành công cho dù bong bóng ICO có vỡ hay không, và những người đang muốn đầu tư vào ICO nên có quyết định thật sáng suốt về những thương vụ thực sự đáng đặt cược.