Đáng sợ gạo nhựa, thịt bò giả vào bữa ăn
Bản thân thịt bò giả có thể chứa mầm bệnh, nguy hiểm nhất là ấu trùng giun quặn, khi ăn, ấu trùng này sẽ vào trong máu, đi khắp cơ thể, chui vào não, cơ tim có thể gây tử vong.
Liên tiếp những thông tin về việc lương thực, thực phẩm bị làm giả, bị nhiễm độc khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng về chất lượng bữa ăn.
Lợn sề chích điện, tạo mùi thành thịt bò Úc
Sau nhiều ngày điều tra, PV Dân trí đã phát hiện mánh lới tinh vi đánh tráo thịt lợn sề thải loại thành thịt bò của một bộ phận tiểu thương buôn thịt bò ở Hà Nội. Họ thu mua thịt lợn sề thải loại ở các lò mổ với giá rất rẻ và yêu cầu giết mổ bằng cách chích điện chứ không chọc tiết như bình thường để thịt còn giữ được màu đỏ giống thịt bò. Tiếp đến, cánh tiểu thương sẽ “pha thịt” bằng cách chọn những tảng lớn, lọc hết mỡ, bỏ hết những thớ gân trắng.
Để người tiêu dùng khó phát hiện ra thịt bò giả, họ dùng thêm mỡ bò, huyết bò để tạo mùi hoặc dùng một loại hoá chất tạo mùi “hương bò”. Khi có khách mua lẻ, tiểu thương sẽ khẳng định phản thịt toàn lợn sề của mình là “thịt bò Úc, bò lai”. Và rất nhiều các quán phở ở Hà Nội và các hàng cơm bình dân hiện nay sử dụng thịt lợn sề để giả làm thịt bò.
Rộ tin gạo nhựa Trung Quốc tràn lan
Thông tin gạo giả sản xuất tại Trung Quốc tràn khắp châu Á khiến người tiêu dùng hoang mang, nhất là trước đó có hàng loạt thông tin về thực phẩm nghi làm từ nhựa của Trung Quốc đã xâm nhập thị trường.
Theo tờ Straits Times (Singapore), gạo nhựa được làm từ khoai tây, khoai lang nghiền nát và nhựa tổng hợp, sau đó trộn lẫn vào nhau rồi ép khuôn thành hình như hạt gạo thật. Nhưng chúng rất cứng sau khi nấu và ăn vào có cảm giác khó tiêu, nếu nấu cháo thì xuất hiện màng nhựa. Khi đốt trên lửa, hạt gạo bay ra mùi nhựa cháy khét.
Gạo nhựa Trung Quốc được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore. Tuy nhiên, mới đây, giới chức ngành nông nghiệp và y tế Malaysia lên tiếng khẳng định chuyện gạo nhựa giả lan tràn ở nước này chỉ là tin đồn thất thiệt.
Hoang tin trà đen Việt Nam nhiễm Dioxin
Trước vụ việc cơ quan thẩm quyền Đài Loan cảnh báo 22 lô hàng trà đen của Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép và 7 lô trà đen của Việt Nam nhiễm Dioxin, Bộ tưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã giao Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cùng với Cục Bảo vệ thực vật thành tập Tổ công tác đặc biệt điều tra.
Phía cơ quan quản lý Đài Loan cũng cho biết, Đài Loan sẽ mở rộng phạm vi kiểm tra, không chỉ với trà đen Việt Nam mà sẽ mở rộng kiểm tra đối với trà nhập khẩu từ tất cả các nước với mức độ kiểm tra 100% đối với các lô hàng nhập khẩu.
Trứng nhiễm độc, mang về bán trong nước
Singapore cấm sử dụng sudan (chất giúp tạo màu lòng đỏ trứng) trong chăn nuôi. Từ năm 2008, Singapore đã phát hiện những lô trứng từ Việt Nam nhiễm sudan và từ chối thông quan.
Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, những lô trứng này lại được bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm. Mới đây, đại diện DN tư nhân Vĩnh Nghiệp thừa nhận, trứng vịt muối của Vĩnh Nghiệp từng bị phát hiện tồn dư chất sudan IV. DN này đã đưa những lô trứng này về Việt Nam, sau đó bóc vỏ, loại bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ bán cho các cơ sở chế biến nhân bánh.
Đổ ‘chất lạ’ vào mít trước khi đem bán
Mới đây, một video ghi lại cảnh đổ ‘chất lạ’ vào mít trước khi đem bán khiến nhiều người hãi hùng. Trong video này, người đàn ông cầm dao cắt cuống mít và đổ thứ gì đó từ một chai nhựa vào quả mít xanh. Xung quanh đó là hàng trăm quả được chất thành đống cao. Hình ảnh này được quay lại vào ngày 3/5 tại một vựa trái cây ở chợ Long Khánh (Đồng Nai).
Cách đây không lâu, báo SGGP Online cũng có điều tra về việc ép mít chín “siêu tốc” bằng hóa chất. Theo đó, để có hàng cung ứng đều đặn cho các đại lý, nhiều lò làm mít múi tại Đắk Lắk đã sử dụng các loại hóa chất, phân bón lá để tiêm, đổ trực tiếp vào trái làm mít chín siêu tốc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ổi miền Tây rớt giá thảm hại
3 địa phương có diện tích trồng ổi khá lớn ở miền Tây là Đồng Tháp, Tiền Giang và Sóc Trăng đang đối mặt với tình cảnh quả đến ngày thu hoạch mà không bán được vì giá quá rẻ, người mua hiếm.
Giá ổi ở miền Tây từ 9.000-10.000 đồng/kg còn 500-600 đồng/kg. Thương lái không mua, người trồng bỏ ổi chín đầy vườn.
Cẩn thận với áo tắm trẻ em siêu rẻ
Tại một số chợ trung tâm trên địa bàn Hà Nội, mặt hàng áo tắm trẻ em được bày bán ở hầu khắp các quầy hàng với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú, màu sắc bắt mắt, giá thì siêu rẻ.
Tuy nhiên, những loại áo tắm trẻ em giá rẻ này đều là hàng Trung Quốc kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi trẻ sử dụng, chúng rất dễ gây ra các bệnh ngoài da…
Cá ươn, cá thối hút khách vì giá rẻ
Tại các chợ đầu mối, nhiều loại cá mặc dù đã ươn, thậm chí là đã bốc mùi những vẫn rất hút khách, vì các tiểu thương bán “đại hạ giá”.
Theo tìm hiểu, đa số khách đến mua loại cá này là những người có thu nhập thấp như: sinh viên, công nhân, quán cơm bình dân. Dù biết là cá ươn, cá thối nhưng họ vẫn nhắm mắt làm ngơ vì ham rẻ.
Theo vietnamnet