Đàn voi giải cứu hơn 600 du khách mắc kẹt trong lũ ở Nepal
Hơn 600 du khách bị mắc kẹt tại một công viên rừng nhiệt đới ở Nepal vừa được những chú voi tại chính nơi này cứu giúp trong cơn lũ dữ đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng.
Sau những trận mưa kéo dài suốt 4 ngày liền, nước sông Rapti tại làng Sauraha, cách thủ đô Kathmandu 80 km về phía Nam, dâng cao tràn vào thị trấn, khiến tất cả khách sạn và nhà hàng bị ngập và 600 du khách mắc kẹt.
Trước tình thế này, người ta đã huy động đàn voi để đưa những người bị mắc kẹt đến nơi an toàn hơn.
“Khoảng 300 khách đã được đàn voi chở tới thị trấn Bharattpur gần đây hôm qua (13/8). Những người còn lại sẽ được đưa tới chỗ an toàn hôm nay“, Suman Ghimire, người đứng đầu nhóm các khách sạn ở Sauraha cho biết.
Sauraha nằm ở rìa vườn quốc gia Chitwan. Đây là điểm tham quan thu hút nhiều khách nước ngoài, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, chủ yếu tới xem 605 con tê giác ở đây và cưỡi voi.
Voi chở người mắc kẹt tới nơi an toàn. (Ảnh: Ary News)
Mùa mưa ở Nepal bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài tới tháng 9, đem lại nguồn nước cho các vùng nông nghiệp của nước này nhưng cũng thường gây thiệt hại nặng về nhân mạng và tài sản.
26 trong số 75 huyện ở Nepal bị ngập hoặc sạt lở đất sau khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày trước. Ít nhất 70 người đã thiệt mạng, con số này có thể tăng lên khi còn tới 50 người mất tích. Hội Chữ Thập Đỏ cho biết 100.000 người bị ảnh hưởng, mạng lưới liên lạc và điện ở nhiều khu vực bị cắt.
Các trận mưa lớn cũng ảnh hưởng đến nước láng giềng Ấn Độ. Theo Theo Bộ trưởng Lâm nghiệp Ấn Độ Pramilla Rani Brahma, gần 90% công viên quốc gia Kaziranga của bang Assam – nơi có đàn tê giác một sừng lớn nhất thế giới, đã chìm trong nước. Mặc dù vậy, vị này cho rằng nhiều loài động vật trong đó có tê giác, đã kịp di chuyển lên vùng đất cao hơn.
Voi được cho là loài động vật có linh tính và sống rất nghĩa tình. Một đoạn video clip gần đây ghi lại cảnh một chú voi con liều mình nhảy xuống sông cứu người đã từng giúp mình. Mặc dù người đàn ông chỉ cố tình “thử lòng”, hành động của chú voi đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng mạng.
Hiện có nhiều nhóm đang đấu tranh vì sự tồn tại của loài voi nói chung và voi châu Á nói riêng. Hồi năm 2016, một con voi bị lạc đàn rồi bị nước lũ cuốn trôi từ Ấn Độ tới Bangladesh đã được người dân cứu sống.
TinhHoa tổng hợp