Đan Mạch vươn lên thành quốc gia hạnh phúc nhất, Việt Nam xếp thứ 96
Trong bản báo cáo hạnh phúc thế giới được công bố hôm 16/3, năm nay Đan Mạch đã vươn lên 2 bậc và “soán ngôi” quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Thụy Sĩ, trong khi Việt Nam xếp thứ 96.
Năm 2015, Đan Mạch chỉ xếp thứ ba trên bảng xếp hạng, sau Thụy Sĩ và Iceland.
Là một quốc gia thuộc vùng Scandinavia, Đan Mạch có 5,6 triệu dân, được xếp hạng nhất thế giới về bình đẳng thu nhập. Nước này cũng được cho là có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.
Theo Al Jazeera, tại Đan Mạch, 43% vị trí công việc hàng đầu trong lĩnh vực công hiện do phụ nữ nắm giữ.
Một vài người phàn nàn thuế cao, nhưng bù lại họ được hưởng nhiều lợi ích từ hệ thống y tế – nơi tất cả mọi người đều được miễn phí khi đến khám tại các bác sĩ đa khoa và các bệnh viện.
Tiền thuế cũng được chi mạnh cho các trường tiểu học, trung học và đại học, và sinh viên được trợ cấp hàng tháng lên đến 7 năm. Nhiều người tin chắc rằng nếu họ mất việc hoặc bị ốm, nhà nước sẽ hỗ trợ họ…
Báo cáo hạnh phúc thế giới do tổ chức Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia thực hiện dựa trên các tiêu chí như: sức khỏe và khả năng tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế của người dân, quan hệ gia đình, các yếu tố xã hội và an toàn công việc…
Đây là lần thứ 4 SDSN tiến hành nghiên cứu và đánh giá chỉ số hạnh phúc đối với 157 quốc gia.
Trong bảng xếp hạng này, 9 quốc gia xếp sau Đan Mạch gồm Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Canada, Hà Lan, New Zealand, Australia và Thụy Điển. Còn Việt Nam được 5.091 điểm, đứng thứ 96 thế giới.
Trong khi đó, Syria, Afghanistan và 8 quốc gia thuộc khu vực cận sa mạc Sahara, gồm Madagascar, Tanzania, Liberia, Guinea, Rwanda, Benin,Togo và Burundi là 10 nước xếp cuối bảng.
Báo cáo cho hay, chỉ số hạnh phúc của các nền kinh tế số một thế giới Mỹ chỉ xếp thứ 13, Liên hiệp Vương quốc Anh ở vị trí thứ 23, Pháp xếp thứ 32, trong khi Italy ở vị trí khiêm tốn 50.
Qua báo cáo lần này, SDSN cũng hối thúc các quốc gia cần phải tích cực giải quyết vấn đề bất bình đẳng và tăng cường bảo vệ môi trường khi theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo Tuổi Trẻ, Vietnam+