Đắk Lắk lên tiếng việc cán bộ “khó khăn về nhà ở” có ô tô tiền tỷ
Nhiều cán bộ có tiêu chí “người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở”, nằm trong diện được xem xét mua nhà ở xã hội lại đang sở hữu xe ô tô riêng, có những chiếc lên đến tiền tỷ, theo Tiền Phong.
Thông tin trên báo Tiền Phong, ngày 7/4, liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý và phát triển tại Dự án Phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức tại Khu dân cư Km 4-5, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) mà các báo đã đưa tin trước đó, trong buổi họp báo định kỳ tháng 3/2021 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đại diện Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh và Sở Xây dựng đã có phản hồi về vụ việc này.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến nay, số nhà đã bán và cho thuê tại dự án nhà ở xã hội Km 4-5 là 163 căn, ngoài ra còn 6 căn ở tầng 1 đang được bán đấu giá theo điều 9, Nghị định 100, đảm bảo đúng quy định.
Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, ông Thắng cho hay có một số trường hợp người sinh sống ở nhà không đúng tên với người đăng ký mua. Để xác định được việc có bán hay không sẽ do Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc điều tra làm rõ vấn đề này.
PV Tiền Phong có câu hỏi, tại khu nhà ở xã hội Km 4-5 có những cán bộ thuộc tiêu chí khó khăn về nhà ở, nhưng đang sở hữu ô tô tiền tỷ có phải đang có hành vi trục lợi chính sách của Nhà nước không? Ông Thắng trả lời, trong luật không quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội không được sở hữu ô tô. “Người không có ô tô, hay đang sở hữu được xem như nhau”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cũng lý giải thêm, tiêu chí có ô tô thường phát sinh ngoài chính sách. “Có ai nghĩ rằng, người thu nhập thấp lại đang sở hữu ô tô. Nhưng trong thực tiễn không phải không có chuyện đó. Vì hiện ngân hàng đang giải ngân rất mạnh… Người tiêu dùng chỉ cần thế chấp xe là có ô tô rồi”, ông Hà nói.
Nhưng ngay sau đó, cũng chính ông Hà là người thừa nhận, người không có nhà nhưng lại sở hữu ô tô tiền tỷ là không hợp lý. Ông Hà đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, xem xét điều kiện này khi mua nhà ở xã hội.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo giao Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại đối tượng, tham mưu điều chỉnh chính sách pháp lý để tránh xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, gây ra những hệ lụy không đáng có.
Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, vào cuối năm 2020, Đắk Lắk khánh thành dự án phát triển nhà ở xã hội tại khu dân cư Km 4-5 ở phường Tân An. Đây là dự án với tổng mức đầu tư hơn 105 tỷ đồng, có 2 khối nhà 6 tầng/180 căn hộ nhằm giải quyết vấn đề khó khăn về nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nhiều cán bộ tại Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Thuế thành phố Buôn Ma Thuột, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII,… đang sở hữu những căn hộ này.
Tuy nhiên, khu nhà trên lại được phát hiện đang được các “cò đất” rao bán tràn lan trên mạng xã hội hay các hội nhóm với giá chênh lệch và được giới thiệu rằng mọi đối tượng đều có thể mua nhà này.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cán bộ có tiêu chí “người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở” được nằm trong diện xem xét mua nhà ở xã hội lại đang sở hữu xe ô tô, có những chiếc có giá trị lên đến tiền tỷ.
Yên Yên (t/h)