Bỗng dưng mang nợ hàng chục triệu đồng khi đổi lên Sim 4G
Sau khi làm theo hướng dẫn nâng cấp Sim từ 3G lên 4G của kẻ lừa đảo, nhiều khách hàng sử dụng mạng di động Vinaphone và Mobifone tá hỏa khi bị chiếm mất Sim và mang nợ hàng chục triệu đồng.
Vnexpress chiều 3/4 dẫn lời một nữ khách hàng của FE Credit (ngụ tại Hải Dương) cho biết, chị đã bị mất Sim sau khi được thông báo “hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G” của một người tự nhận là nhân viên Vinaphone.
Sau khi Sim bị vô hiệu, khách hàng liền được báo đang dư nợ 37 triệu đồng
Cụ thể, vào 15h05 chiều 22/2, chị được kẻ gian hướng dẫn soạn cú pháp *091*…#. Tuy nhiên ngay sau đó chị phát hiện bị mất sim điện thoại và khẩn cấp yêu cầu nhà mạng khóa sim.
Chỉ trong nửa tiếng chiếm đoạt được SIM, kẻ gian đã dùng ứng dụng FE Credit để yêu cầu giải ngân số tiền hơn 37 triệu và có mã hợp đồng trên hệ thống gửi về SIM.
Biết được sự việc, chị đã tố cáo hành vi giả mạo và yêu cầu công ty tài chính huỷ giải ngân khoản vay 37 triệu, đồng thời khoá thẻ tín dụng vào lúc 16h45 phút cùng ngày (22/2).
Nhân viên của công ty tài chính sau đó thông báo đã gửi cho bộ phận liên quan để huỷ xử lý gấp. Tuy nhiên, một ngày sau đó, kẻ gian đã tới bưu cục Hòa Bình, sử dụng CMND giả mạo và rút thành công 37 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 18/1, chị N.T.H.M cũng nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên Vinaphone, thông báo chị đang dùng gói 3G, nên chuyển sang 4G. Sau khi chị M đồng ý nâng cấp Sim, người này hướng dẫn chị nhập dãy ký tự “*938*…#” trên điện thoại và dặn chị tắt máy 30 phút rồi hãy khởi động lại.
Tuy nhiên, sau khi khởi động lại máy, chị M thấy Sim bị vô hiệu hóa, không có sóng. Hai ngày sau Sim được khôi phục thì chị nhận được tin nhắn từ FE Credit thông báo mình có dư nợ vay hơn 49,2 triệu đồng.
Chị M khẳng định chưa từng kích hoạt tài khoản tín dụng của FE Credit, nhưng trùng với thời điểm SIM bị vô hiệu hóa, thẻ tín dụng FE Credit của chị đã được kích hoạt, lấy mã OTP gửi đến số điện thoại mà kẻ gian đã lấy cắp. Đối tượng này đã sử dụng thẻ để thanh toán cho các giao dịch tại một cửa hàng ở quận 10, TP.HCM.
Tương tự như chị M, chị P.T.P.T (ngụ tại TP.HCM) cũng đã bị chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng từ chiêu thức giả mạo này. Chị T. cho biết, vào chiều 20/2, chị nhận được cuộc gọi từ số 024.66704573, người này xưng là nhân viên Mobifone, giới thiệu đổi Sim miễn phí và giải thích do viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) nên không thể gặp trực tiếp.
Sau khi làm theo hướng dẫn (nhập cú pháp), Sim của chị T cũng bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa. Cùng lúc đó, chị cũng nhận được thông báo gửi đến Gmail về việc thay đổi mật khẩu thành công với ứng dụng FE Credit.
Sau khi ra cửa hàng yêu cầu khôi phục Sim, chị T truy cập ngay ứng dụng FE Credit để kiểm tra, hạn mức sử dụng thẻ tín dụng FE Credit chỉ còn 70.000 đồng, phát sinh các giao dịch gần 32 triệu chỉ trong 30 phút từ khi Sim điện thoại cũ bị vô hiệu hóa.
Cách kẻ gian thường dùng để chiếm đoạt Sim, tiền của nạn nhân
Xác nhận thông tin trên, công ty tài chính FE Credit cho biết, thời gian qua có phát hiện nhiều trường hợp tương tự, kẻ gian lợi dụng việc nhà mạng triển khai nâng cấp Sim từ 3G lên 4G để hack Sim, từ đó, thực hiện các giao dịch vay tiền qua thẻ tín dụng. FE Credit đang tích cực phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chứng năng để điều tra làm rõ vấn đề.
Trong các trường hợp này, kẻ gian thực hiện 2 bước là chiếm quyền kiểm soát Sim của khách hàng (thông qua việc gạ nâng cấp Sim lên 4G) và dùng chính Sim này mở ứng dụng thẻ tín dụng của FE Credit, chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Để chiếm quyền kiểm soát Sim, kẻ lừa đảo thường lấy lý do thuyết phục như không thể gặp trực tiếp khách để giao Sim do phải hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch Covid-19; hối thúc nạn nhân không nâng cấp lên 4G sẽ không thể sử dụng Sim hay đổi Sim nhận nhiều ưu đãi, khuyến mại… Sau đó, hướng dẫn soạn cú pháp theo đề nghị nâng cấp Sim.
Nhiều khả năng các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng kẽ hở từ chính sách của một số nhà mạng cho phép khách hàng tự nâng cấp lên Sim 4G tại nhà.
Cụ thể, nhà mạng cho phép khách tự mua Sim trắng ở điểm giao dịch mà không cần cung cấp CMND với giá chỉ 25.000 đồng. Sau đó, khách hàng sẽ nhập số seri của Sim trắng trong cú pháp yêu cầu nâng cấp Sim để hoàn thành quá trình nâng cấp.
Kẻ gian đã lợi dụng khâu này để chiếm quyền kiểm soát Sim. Sau đó, dùng Sim này nhận các loại tin nhắn OTP của chủ thuê bao bị lừa để đăng nhập tài khoản, thanh toán online.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện phôi Sim trắng của các nhà mạng cũng được rao bán nhiều trên các trang thương mại điện tử với giá chỉ dưới 50.000 đồng.
Khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Để đảm bảo an toàn, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dùng khi nhận được tin nhắn hay thư điện tử có chứa đường dẫn lạ, không nên vội vàng truy cập hoặc nhấp vào đường dẫn đó.
Đồng thời, người dùng cũng cần tăng cường bảo mật cho SIM (nhất là với những số điện thoại được sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử…) bằng cách cài đặt mã PIN cho SIM theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông.
Ngoài ra, Mobifone cũng khuyến cáo toàn bộ khách hàng cần cẩn trọng trước những tin nhắn, cuộc gọi bất thường yêu cầu thay Sim hoặc nhận ưu đãi bất ngờ.
Khi gặp trường hợp này, chủ thuê bao cần liên hệ trực tiếp với hotline 9090 để xác minh thông tin đối tượng đang liên lạc có phải là nhân viên của Mobifone hay không. Đồng thời, khách hàng tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân, thực hiện các thao tác soạn tin theo cú pháp lạ.
Nếu không may đã thực hiện theo yêu cầu của kẻ xấu, chủ thuê bao phải liên hệ ngay với Mobifone, ngân hàng và cơ quan công an để tìm phương án xử lý kịp thời.
Vũ Tuấn (t/h)