Đại biểu Quốc Hội: Danh hiệu “Gia đình văn hóa quá hình thức, quá lãng phí”
Đó là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ, các bộ, ngành,.. về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em diễn ra vào chiều 15/1 và sáng 16/1.
Tại buổi làm việc, liên quan đến trách nhiệm quản lý của ngành đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, tới thời điểm hiện tại chưa phát hiện xâm hại tình dục trẻ em trong lĩnh vực du lịch.
Bà Thủy cho biết: “Theo báo cáo gần đây nhất của Chính phủ, về xâm hại tình dục trẻ em thì đối tượng là người thân trong gia đình chiếm hơn 21%, và bạo lực trong gia đình đối với trẻ em chiếm gần 66%. Đáng ra, môi trường ở nhà trường và gia đình là an toàn nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, gần đây nhiều trẻ em bị chính những người ruột thịt, người thân trong gia đình xâm hại”.
Bên cạnh đó, “các đối tượng là những thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục,.. xâm hại tình dục trẻ em, để lại nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho các em. Điều này đặt ra cho Chính phủ, các bộ, ngành,..liên quan phải có những giải pháp phòng tránh phù hợp với tình hình phức tạp như hiện nay”, bà Thủy cho biết thêm.
Bà Trần Thị Quốc Khánh Đại biểu Quốc hội (Hà Nội) cũng cho rằng: “Báo cáo mới liệt kê các đối tượng người nhà, người quen, hàng xóm, giáo viên, các cơ sở giáo dục,.. Thực tế có cả các đối tượng là cán bộ, công chức nhà nước,.. Những đối tượng này chúng ta vẫn phải đưa vào báo cáo, để từ đó thấy được sự tha hóa, xuống cấp đạo đức rất kinh khủng trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức,.. đây là sự thật, đã có nhiều vụ việc xảy ra rồi nên phải đưa vào báo cáo để xã hội nhìn nhận chính xác về vấn đề này, không nên vì sợ xấu hổ mà phải giấu giếm”.
Trước vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: “Vấn đề này không đơn giản, từ trước đến nay, tại rất nhiều cuộc làm việc, tôi vẫn nói, con số thể hiện ở báo cáo chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm”.
Ông Lưu nêu, trên thực tế, rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại rất nhiều lần mà không ai phát hiện, đến khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng như các cháu mang thai thì mới biết, có thể nói rằng, các biện pháp phòng ngừa chưa có hiệu quả.
“Hôm qua tôi có xem thời sự, hiện nay, ở đất nước chúng ta còn có đường dây đưa học sinh chỉ mới 13-14 tuổi đi làm những việc như vậy. Vậy các cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý học sinh như thế nào?”, ông Lưu cho biết và đặt câu hỏi “Nguyên nhân nào là chính dẫn đến tình trạng hiện nay?”
Để trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ đã tiến hành rất nhiều công việc như đề xuất sửa Luật Phòng chống bạo lực gia đình, bên cạnh đó, Bộ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là vai trò gia đình trong giáo dục đạo đức lối sống.
Nói về bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, bà Thuỷ cho biết: “Bộ tiêu chí này rất ngắn gọn, dễ nhớ: quan hệ vợ chồng thì chung thuỷ nghĩa tình, ông bà cha mẹ với con cháu thì gương mẫu yêu thương, con cháu với ông bà cha mẹ thì hiếu thảo lễ phép.
Về bộ tiêu chí này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhận định, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch chỉ mới chạy theo việc ban hành văn bản, ngay cả bộ tiêu chí ứng xử nói trên cũng cần phải xem lại, trên thực tế, gần như 100% trường hợp xâm hại trẻ em trong gia đình là dính tới rượu bia, rất phản cảm.
Về việc trao danh hiệu “Gia đình văn hóa”, ông Bộ cho rằng: “Việc này quá hình thức, quá tốn kém, không những gây lãng phí mà còn phản cảm, thực tế cho thấy, trong các khu dân cư có tệ nạn xã hội, thậm chí tệ nạn ma tuý tràn lan nhưng vẫn gắn biển khu dân cư văn hoá”.
Ông Bộ cho biết thêm, vừa qua ông đã từ chối nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”.
“Ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất. Đó là yếu tố đạo đức lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn. Bộ Văn hóa Ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế”, ông Bộ cho hay.
Từ Nguyên (t/h)