Đà Nẵng khẳng định nước biển không nhiễm độc
Cùng với việc công bố kết quả phân tích chất lượng nước biển được lấy mẫu tại 4 quận, Đà Nẵng khẳng định nước biển “đảm bảo yêu cầu” phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Chiều 28/4, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng) có báo cáo kết quả kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng nước ven bờ biển Đà Nẵng với lãnh đạo thành phố.
Theo ông Vinh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước biển ở vị trí cách bờ khoảng 100 m, tại các bãi tắm, cầu cảng, cửa sông của cả bốn quận giáp biển là Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu.
Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, so với giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước biển ven bờ, vùng bãi tắm biển, thể thao dưới nước của quy chuẩn Việt Nam, thì các thông số như: pH, DO (lượng oxy hòa tan trong nước), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), NH4+ N (Amoni), Cr6+ (Crom 6), Pb (Chì), Hg (Thủy ngân), CN- (Xyanua) đều nằm trong giới hạn cho phép.
Chính quyền Đà Nẵng khẳng định nước biển Đà Nẵng “đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước”. Kết quả phân tích mẫu nước biển vào ngày 27/4 so với ngày 17/4/2015 cho thấy “không có sự biến động bất thường nào”. Thành phố chưa xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt như các địa phương Bắc Trung Bộ.
Trung tâm Kỹ thuật môi trường được giao tiếp tục lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển và lập kế hoạch quan trắc sinh học chất lượng nước biển trong thời gian 30 ngày tiếp theo, công bố 2 ngày một lần trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Kỹ thuật môi trường kể từ ngày 28/4. Theo đó, ngoài phương pháp hóa học, Trung tâm sẽ lấy mẫu nước ở vùng vịnh và ngoài khơi biển Đà Nẵng để thả nuôi cá và công bố kết quả hàng ngày.
Ông Nguyễn Tứ, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đà Nẵng, cho biết những ngày qua đã cử một cán bộ phối hợp với Ban quản lý Âu thuyền Thọ Quang để giám sát tàu thuyền đánh bắt ở những nơi đang có tình trạng cá chết, cũng như ôtô của các thương lái chở cá đến, nhằm ngăn chặn tình trạng tuồn cá chết từ ngoài vào Đà Nẵng.
“Do không có máy móc nên việc giám sát bằng cảm quan, nhìn bằng mắt. Tâm lý thực tế của người dân hiện giảm ăn cá biển vì lo lắng. Mình đi giám sát thường xuyên cũng giúp trấn an người dân”, ông Tứ nói và cho biết sẽ theo dõi thường xuyên thông tin về nguồn nước biển để ngăn ngừa thủy sản kém chất lượng vào bếp người tiêu dùng.
Theo vnexpress.net