Đà Lạt ngập trong rác thải, nguyên nhân của thói quen “bạ đâu vứt đấy”
Thành phố Đà Lạt xinh đẹp ngày nào giờ đây ngập tràn trong rác thải của khách du lịch và người dân để lại. Mới đây trên trang cá nhân của một số bạn trẻ đã bức xúc chia sẻ quan điểm của mình về việc xả rác, với hy vọng thay đổi vấn nạn “bạ đâu vứt đấy” của người dân.
Đây không phải lần đầu tiên thành phố này đối mặt với tình trạng đầy rác sau các dịp lễ, tết.
Quang Trường, sinh sống tại Đà Lạt, cho biết: “Cứ mỗi dịp tết hay lễ hội hoa, các tuyến đường và điểm tham quan lại ‘nhận’ thêm rất nhiều rác. Lần này, rác đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng 27 tết đến bây giờ”.
Thành phố ngàn hoa phát triển nhờ du lịch và dịch vụ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn để lại ấn tượng không tốt của thành phố trong lòng khách du lịch.
Lê Thành Duy, sinh sống tại Đà Lạt, cho biết gặp Tom, một du khách nước ngoài, vào khoảng 4h30 sáng mùng 6 tết khi anh vừa đến Đà Lạt. Duy kể: “Bạn ấy hỏi đường đến khách sạn, rồi hỏi thêm ‘Có chuyện gì xảy ra vậy?’, khi thấy chợ Đà Lạt đầy rác. Bạn ấy cảm thấy sốc trước cảnh này”.
“Không riêng gì Đà Lạt, mà nơi nào cũng thế sau lễ, tết. Chẳng qua là vì Đà Lạt có hình ảnh gắn liền với thiên nhiên nên mới đẹp và đi sâu vào lòng người, và những hình ảnh này gây hiệu ứng mạnh do quá phũ phàng”, Thành Duy nói.
Không chỉ du khách mà đôi khi một số người dân cũng như người bán hàng cũng tiện tay bỏ rác xuống đường. Quang Trường nói: “Nếu chỉ đổ lỗi cho du khách thì thật không đúng. Đôi khi, nhiều người bán hàng cũng không dọn vệ sinh tại khu vực buôn bán của mình”.
“Cứu” thành phố nhờ mạng xã hội
Trước đây, nhiều bạn trẻ đã tham gia vào việc dọn rác tại các điểm tham quan công cộng sau mùa lễ hội nhưng chính họ biết đây lại không phải biện pháp lâu dài.
Trần Minh Hoàng, một tình nguyện viên tham gia vào việc dọn rác, chia sẻ: “Tụi mình kêu gọi các bạn trẻ cùng nhau nhặt rác, nhưng nhặt hôm nay rồi những lần sau cũng sẽ như thế”.
Nhờ lợi thế lan truyền của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ ngày nay cho biết họ chia sẻ hình ảnh và kêu gọi mọi người chung tay giữ gìn vệ sinh khi đi du lịch trên trang cá nhân, hoặc các nhóm du lịch.
Minh Hoàng nói: “Điều này có lẽ phải nên làm từ trước rồi. Năm nay, mình thấy các bạn chia sẻ trên các nhóm, trang Facebook. Nhiều người nhìn vào hình ảnh, video sẽ chạnh lòng, và bắt đầu muốn thay đổi. Dù chỉ là một chút hi vọng thôi, nhưng cũng là một cách”.
Là một người thích nhiếp ảnh và chung ý nghĩ đó, Lê Thành Duy cũng cho rằng kết hợp mạng xã hội và nhiếp ảnh là một cách thiết thực và rất “hợp thời”.
Anh nói: “Mình có khả năng và phương tiện để làm việc đó. Nếu bạn để ý, khi người ta xả rác hoặc vứt bỏ, họ sẽ không nhìn lại phía đó. Mình có thể ghi lại được những cái bỏ lại phía sau, những hình ảnh thực tế, để họ thấy được hậu quả”.
Hình ảnh chợ Đà Lạt ngập rác rạng sáng mùng 6 được Thành Duy đăng tải hình ảnh trên trang cá nhân và nhận được sự quan tâm của nhiều người. “Chính bản thân tôi cũng không nghĩ bài đăng tải của mình lại nhận được nhiều lượt yêu thích và bình luận như vậy”, anh chia sẻ.
Sống ở Đà Lạt từ nhỏ, anh Tâm Huỳnh (36 tuổi, làm nghề tự do về phim ảnh) không khỏi buồn và bức xúc khi chứng kiến cảnh tượng không đẹp mắt trên quê hương mình.
Khi di chuyển qua khu vực chợ Đà Lạt lúc 6h sáng mùng 6 Tết, anh Huỳnh chụp lại được cảnh tượng rác thải gồm túi nylon, chai nhựa, hộp xốp… do những người thiếu ý thức vứt ngổn ngang trên đường phố.
“Thật kinh khủng khi thấy chợ Đà Lạt ngập trong rác. Tôi thấy chưa năm nào nhiều như năm nay. Ý thức khách du lịch càng ngày càng kém”, Tâm Huỳnh chia sẻ
Với mục đích nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan thành phố Đà Lạt, anh Tâm Huỳnh quyết định chia sẻ hình ảnh mình chụp được lên trang cá nhân. Sau một ngày, bài đăng của anh thu hút 1.600 like (thích) và gần 1.500 chia sẻ.
Phần lớn dân mạng bày tỏ sự ngán ngẩm trước cảnh tượng nhếch nhác ở Đà Lạt sau kỳ nghỉ lễ. Nhiều người không nhận ra đây là “thành phố mộng mơ” hay “thành phố ngàn hoa”.
Tâm Huỳnh cho biết thêm ngoài khu vực chợ đêm, quanh quảng trường cũng có rác thải vứt bừa bãi nhưng ít hơn. Hệ thống cống rãnh gần khu vực buôn bán bốc mùi rất hôi vì người bán đổ thức ăn thừa xuống. Đà Lạt cũng xảy ra tình trạng kẹt xe do lượng khách du lịch đổ về nhiều hơn mấy năm trước.
“Tôi nghĩ mọi người chỉ cần làm những việc nhỏ như không xả rác xuống đường phố hoặc nơi công cộng thôi thì rác sẽ không còn”, anh Huỳnh nói.
Tài khoản Trần Nhung chia sẻ Đà Lạt 10 năm về trước không bao giờ có cảnh tượng như vậy. Ai là người Đà Lạt mới hiểu cảm giác buồn và bức xúc khi nơi này ngập trong rác.
Huỳnh Minh Đức đề nghị: “Muốn người ta không xả rác thì phải bố trí đủ số lượng thùng rác, vị trí hợp lý, thùng rác phải sạch sẽ và thuận lợi cho việc bỏ rác. Chứ thùng rác quá bẩn, tay cầm nắp thùng dơ đến nỗi không ai dám chạm tay vào thì chẳng ai dám đến gần”.
Tuy nhiên, Steve Dinh cho rằng nhiều người không thể lấy lý do Đà Lạt ít thùng rác để lấp liếm cho sự vô ý thức của mình. Người này đề nghị chính quyền mạnh tay phạt người xả rác vô ý thức, làm mất mỹ quan thành phố.
Trong khi đó, Nhi Uyên Chern chia sẻ hình ảnh bãi biển Bình Ba (Khánh Hòa) ngập trong túi nylon, thùng xốp.
Đà Lạt lường trước lượng khách du lịch sẽ đông vào mùa này nên đội vệ sinh luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bình Ba còn hoang sơ đồng nghĩa sự vô ý thức có thể đến từ chính người dân “bản địa” và khách du lịch từ nơi khác tới.
Vứt rác bừa bãi – Vấn đề chủ yếu là nằm ở ý thức
Nhắc đến chuyện vứt rác bừa bãi, không ít người phải lắc đầu ngán ngẩm vì ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người trong số chúng ta vẫn còn rất thấp. Câu chuyện liên quan đến nạn xả rác bừa bãi đã không còn mới lạ, thậm chí là chuyện mà ai cũng biết.
Chứng kiến cảnh người đi đường nhìn thấy thùng rác ngay cạnh nhưng vẫn cố tình vứt vương vãi ra đường, người đi xe máy, ô tô tiện tay ném rác lung tung hay cảnh ai đó hút thuốc lá chưa kịp dập lửa đã vứt ngay xuống vỉa hè… nhiều người không khỏi cảm thấy khó chịu. Có người thậm chí còn thoáng nhìn đối tượng xả rác không đúng nơi quy định bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Nếu được hỏi, hầu hết mọi người đều nói rằng, nạn vứt rác bừa bãi là một thói quen xấu, cần được loại bỏ.
Vấn đề chủ yếu nằm ở ý thức, mỗi người cần phải tự ý thức lấy trách nhiệm của mình. Dù luật pháp có ra hình phạt hay quy định xử lý nặng đến đâu, nhưng vẫn không thể kiểm soát được hết tất cả những hành vi của con người. Nhưng một khi đã có ý thức thì không cần luật, nạn xả rác cũng tự không tồn tại.
Nạn xả rác bừa bãi không phải chỉ được lên án và nhắc nhở mới đây. Suốt bao năm qua, người dân không hiểu sao vẫn thờ ơ, hời hợt với vấn đề này. Hình ảnh những con phố xinh đẹp bị ngập tràn trong rác sau mỗi dịp lễ lớn, các cô chú lao công, dọn dẹp vệ sinh phải vất vả hơn để xử lý đống rác thải mà người dân để lại. Thế nhưng chứng kiến những hình ảnh đáng buồn đó, không ít người vẫn thờ ơ và không mấy quan tâm.
Chúc Di (t/h)