Cựu binh Mỹ trả lại xương cánh tay cho cựu binh Việt sau hơn 46 năm cất giữ
Sau hơn 46 năm cất giữ bộ xương cánh tay của một người lính Việt, ông Sam Axelrad – một cựu binh Mỹ đã tìm mọi cách để liên lạc và trả lại bộ xương cánh tay cho người đàn ông này. Cuộc hội ngộ đầy nước mắt của họ đã làm rung động trái tim hàng triệu người.
Ông Nguyễn Quang Hùng, sinh năm 1939, quê ở Hà Nội, từng là một người lính trong thời chiến tranh Việt Nam. Vào khoảng năm 1966 – 1967, trong một buổi tối, Tiểu đội Trinh sát của ông được lệnh đột nhập dò xét tin tức của quân Mỹ đang đóng ở Cát Sơn, Phù Cát.
Không ngờ hôm ấy ông Hùng rơi vào ổ phục kích của Mỹ, hàng loạt tiếng súng nổ ra kịch liệt. Sau khi trúng đạn và bị thương ở cánh tay phải, ông cùng một đồng đội chạy đến nhà dân vốn là cơ sở cách mạng ở Cát Sơn để lánh nạn.
Tuy nhiên nhà cửa ở đây đã bị đốt sạch, dân rút hết lên rừng. Ông Hùng ôm cánh tay bị thương trong tuyệt vọng. Vài người đã cho ông một ít lương thực, thuốc men, nhưng cũng không thể che chở cho ông trước sự bao vây của lính Mỹ. Cuối cùng, ông Hùng cùng đồng đội tìm đến một kho lúa bỏ hoang ven suối ẩn náu.
Những ngày sau đó, do vết thương không được chăm sóc tử tế, lại thêm việc trúng đạn khiến xương tay ông nứt vỡ, bị nhiễm trùng, từng mảng thịt bong ra hôi thối. Ông bắt đầu sốt cao, gần như đứng trên bờ thập tử nhất sinh.
Đến trưa 26/10/1966, ông Hùng nghe có tiếng súng đạn đang ngày một đến gần. Ông gọi người đồng đội lại rồi nói: “Mỹ lại càn rồi”. Biết là vậy, nhưng với sức khỏe kiệt quệ, ông không đứng dậy được nữa. Người đồng đội đành để lại ông cùng túi thuốc và tìm đường ẩn náu.
Lính Mỹ sau khi phát hiện ra ông Hùng đã đưa ông lên trực thăng chở đến quân y viện ở An Túc -Bình Định, nay là An Khê, Gia Lai. Tại đây ông đã gặp được vị ân nhân của mình – bác sĩ quân đội Mỹ, Sam Axelrad.
Nhìn thấy cánh tay ông Hùng bị thương quá nặng, nếu chậm chút nữa có thể dẫn đến tử vong, ông Sam liền tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cánh tay ấy.
Về phần ông Hùng, mặc dù giữ được tính mạng, nhưng giờ lại nằm trong tay địch, chẳng khác nào cá nằm trên thớt, ông đành nghĩ họ muốn giết thì giết, muốn bắn thì bắn, không còn cách nào khác.
Trong thời gian nằm điều trị trong bệnh xá An Túc, mặc dù một chân ông bị còng trên giường, nhưng không ai ngược đãi ông cả. Nhiều người lính Mỹ còn thường xuyên mang bánh mì đến cho ông ăn.
Đến khi vết thương lành lặn, do không biết đi đâu về đâu, ông chỉ quanh quẩn trong bệnh xá. Trong thời gian điều trị, cho đến lúc sắp khỏe hẳn, ông và bác sĩ Sam dần dần trở nên thân thiết.
Đến năm 1967, bác sĩ Sam phải trở về Mỹ công tác, và ông đã mang theo cả bộ xương cánh tay phải của ông Hùng trong lúc thu dọn hành lý.
Về phần ông Hùng, trong khoảng thời gian sống ở bệnh xá An Túc, một số y tá, y sĩ người Việt thấy ông hiền lành nên có cảm tình, giúp ông tìm công việc như phát thuốc cho người dân. Sau này ông cưới vợ và lập nghiệp tại An Khê.
Thời gian cứ thế trôi qua, cứ ngỡ mọi chuyện đã kết thúc. Nhưng đến một ngày, bác sĩ Sam Axelrad đột nhiên nghĩ về người lính Việt mà mình từng cứu sống. Lúc này Sam đã là một ông lão trên 70 tuổi.
Khúc xương cánh tay của ông Hùng, ông Sam vẫn giữ suốt từng ấy năm. Ông chia sẻ: “Tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa. Tôi không muốn giao kỷ vật này cho các con cháu. Nó cần được trả lại cho chủ của nó hoặc gia đình anh ấy”.
Ông Sam quyết định tìm lại người lính năm xưa với mong muốn trả lại xương, và giúp đỡ ông Hùng sống tốt trong những năm tháng còn lại.
Ông tìm lại giấy tờ mình từng lưu giữ về chiến tranh năm xưa, kể cả giấy tờ liên quan đến ông Hùng, tất cả đều được cất giữ cẩn thận.
Sau khi thông tin tìm người của ông được chuyển tải trên các phương tiện truyền thông thì chị Đông – người tự xưng là từng sống gần bệnh viện An Túc năm nào đã lên tiếng giúp đỡ, hướng dẫn ông Sam tìm đến nhà ông Hùng.
Hay tin ân nhân năm xưa muốn gặp lại mình, ông Hùng cũng mừng vui không kém. Ông nói: “Tôi giờ đã gần đất xa trời, có xương cánh tay ấy mai này chết, con cái chôn theo thành người đầy đủ chân tay. Dù sao tôi cũng cảm ơn ông ấy, nếu không được phẫu thuật kịp thời có lẽ tôi đã bị nhiễm trùng mà chết. Chiến tranh thật kỳ lạ, đôi khi kẻ bên kia chiến tuyến lại trở thành ân nhân!”.
Đến sáng ngày 1/7/2013, hai người lính ở hai chiến tuyến năm nào gặp lại nhau, cả hai đều ngập tràn xúc động. Ông Hùng nói: “Ông ấy đã già lắm rồi nhưng gặp là tôi nhận ra ngay, ông ấy cũng nhận ra tôi vì cánh tay phải bị đứt lìa”.
Còn bác sĩ Sam Axelrad, khi nghe tin vợ ông Hùng đã mất, ông tâm sự: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trao lại một phần cánh tay cho ông Hùng, hoàn thành tâm nguyện của mình. Ông Hùng cũng là người đặc biệt vì đã thoát được cái chết trẻ. Tiếc là vợ ông ấy đã mất, nếu tôi biết từ hai năm trước, tôi có thể đưa vợ ông Hùng sang Mỹ trị bệnh”.
Cuộc sống đã trải qua không ít thăng trầm, nhưng gần cuối đời được hội ngộ với vị ân nhân năm xưa đã khiến ông Hùng cảm thấy cuộc đời này vẫn còn thật nhiều điều ấm áp!
Chúc Di (t/h)