Cuộc đàm phán “khép kín” ở Hawaii: Mỹ và Trung Quốc sẽ “Có chết, cùng chết”?
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây cho biết Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã gặp Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Hawaii trong bối cảnh quan hệ hai bên đang rạn nứt sâu sắc. Cuộc gặp đã kéo dài suốt 7 tiếng nhưng không có kết quả, và không thông báo về cuộc gặp tiếp theo.
Ngày 17/6, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii, Mỹ.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, ông Dương nói với ông Pompeo rằng Bắc Kinh cam kết xây dựng mối quan hệ không đối đầu và tôn trọng lẫn nhau với Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, an ninh và lợi ích phát triển của họ.
Ông Dương cũng nói với ông Pompeo rằng Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, đồng thời phản đối đạo luật mới về Tân Cương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký. Dương Khiết Trì khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng Washington đã “nhấn mạnh các lợi ích quan trọng của Mỹ và sự cần thiết của các thỏa thuận đối ứng giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực thương mại, an ninh và ngoại giao”.
Ông Pompeo cũng “nhấn mạnh sự cần thiết của việc minh bạch hoàn toàn và chia sẻ thông tin chống lại dịch Covid-19 [virus Vũ Hán] và tránh các bệnh dịch trong tương lai”.
Theo nguồn thạo tin, hai nhà ngoại giao đã dùng bữa cùng nhau trong 1 giờ và có cuộc họp kéo dài trong 6 giờ vào ngày hôm sau. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh 2 bên căng thẳng vì bất đồng quan điểm trong hàng loạt vấn đề từ Hong Kong, chạy đua vũ trang, cách ứng phó đại dịch Vũ Hán, sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc, sự khác biệt về ý thức hệ…
Hai vấn đề mà Trung Quốc né tránh
Tuy nhiên theo nhận định của Epoch Times, có ít nhất hai nội dung mà Trung Quốc chưa đề cập.
Đầu tiên là vấn đề Bắc Triều Tiên: Các nhà đàm phán Mỹ bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao là Stephen Biegun, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Triều Tiên cũng tham gia nhóm đàm phán. Điều này cho thấy Mỹ rất quan tâm đến các sự kiện tại Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không bày tỏ thái độ về vấn đề này.
Thứ hai là việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc: Trong khoảng 1 tháng qua, Trung Quốc đã mua lượng lớn sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, chấp thuận cho các ngân hàng do Mỹ tài trợ vào Trung Quốc, v.v. Những biện pháp này đều nhằm thực hiện thỏa thuận giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn quan hệ Mỹ – Trung đang nguội lạnh, thì liệu thỏa thuận này có còn hiệu lực?
Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng dịch bệnh đã gây ra hàng trăm nghìn ca tử vong ở Mỹ, vậy nên trăm cái thỏa thuận thương mại cũng không thể cứu vãn.
Phản ứng của Mỹ về 4 điểm chính mà Trung Quốc thương thảo
Đầu tiên là mối quan hệ Mỹ – Trung: Trung Quốc nhấn mạnh không đối đầu, hợp tác và ổn định. Vấn đề này trong quá khứ cho thấy sự đối đầu đang kịch liệt. Chẳng hạn, Pompeo chỉ trích mạnh mẽ ĐCSTQ, trong khi đó ĐCSTQ trực tiếp gọi Pompeo là “kẻ thù của nhân loại”.
Thứ hai là vấn đề Đài Loan: Đây là một trong những vấn đề mà Trung Quốc rất lo lắng. Ngày thứ hai sau khi Ủy ban Quân sự Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, các thành viên ủy ban đã đề xuất dự luật về luật quốc phòng Đài Loan, trong đó yêu cầu trực tiếp các binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đài Loan xây dựng căn cứ quân sự. Tại sao Hoa Kỳ làm điều này? Máy bay quân sự Mỹ băng qua không phận Đài Loan, 3 tàu sân bay Mỹ tập trung ở Tây Thái Bình Dương và eo biển Đài Loan cho thấy sự cảnh giác cao độ của người Mỹ, trước sự hiện diện thường xuyên của hải quân và không quân Trung Quốc gần Đài Loan và khu vực nhận dạng phòng không của đảo quốc này? Đây là điều kiện để thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng. Do đó, Hoa Kỳ luôn nghi ngờ Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bất cứ lúc nào.
Thứ ba là vấn đề Hồng Kông: Về vấn đề này, Dương Khiết Trì đã nói về bốn điểm. Thứ nhất, Hồng Kông là một vấn đề nội bộ và Hoa Kỳ không thể can thiệp. Thứ hai, Trung Quốc quyết tâm thông qua Luật An ninh Quốc gia. Thứ ba, nước này phản đối quan điểm của Hoa Kỳ và G7 về vấn đề Hồng Kông. Thứ tư là Hoa Kỳ nên “nhìn nhận một cách công bằng và khách quan” vấn đề Hồng Kông.
Về phía Hoa Kỳ, lập trường của họ về vấn đề Hồng Kông phù hợp với thông tin đã công bố. Hoa Kỳ không cho vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ, và cũng phản đối mạnh mẽ phiên bản Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia tại Hương Cảng.
Trước đây, ông Pompeo từng nói rằng Hoa Kỳ đã xác định rằng Hồng Kông không còn quyền tự trị cao, và đề xuất bãi bỏ thuế quan đặc biệt cũng như đặc quyền của Hồng Kông theo “Đạo luật Quan hệ Hoa Kỳ – Hồng Kông”, theo đó quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông sẽ phải thiết lập lại theo một quy tắc mới.
Do đó, ông Pompeo có thể đã nhắc lại điều này trong cuộc họp ngày 17/6, và Hoa Kỳ sẽ đáp trả mạnh mẽ trước luật an ninh Hồng Kông mà Trung Quốc thông qua.
Thứ tư là vấn đề Tân Cương: Trump vừa ký “Đạo luật Chính sách Nhân quyền Tân Cương”, được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua. Theo luật này, bất kỳ ai vi phạm nhân quyền ở Tân Cương sẽ bị Hoa Kỳ xử phạt. Nó tương tự như Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông.
Trong mọi trường hợp, so với nhân quyền, Trump thực sự quan tâm nhiều hơn đến thương mại và lợi ích cụ thể. Ông hiếm khi bày tỏ quan điểm của mình về ý thức hệ và nhân quyền. Lần này ông đã ký Đạo luật Nhân quyền Tân Cương, cũng trùng hợp với thời điểm Cựu cố vấn John Bolton đang nêu ra vấn đề tranh cãi về Tân Cương trong cuốn sách sắp xuất bản của ông. Điều này cho thấy, cả hai bên cần phải thảo luận về sâu sắc về Tân Cương.
Tổng kết lại, cuộc gặp khép kín lần này là cơ hội giúp 2 bên đưa ra kết luận, đánh giá và bày tỏ thái độ về những sự kiện diễn ra trong suốt thời gian qua.
Trong bước tiếp theo, Bắc Kinh sẽ cẩn thận đo lường và phân tích những gì ông Pompeo nói. Sau đó, những phán đoán liên quan sẽ được dùng làm tài liệu tham khảo cho các quyết sách tiếp theo.
Hoa Kỳ hiện đang trong cuộc bầu cử. Có lẽ ông Trump không muốn giai đoạn đầu của hiệp định thương mại bị bãi bỏ, bởi đó là một thành tựu đàm phán quan trọng của ông. Do đó để có thể huy động phiếu bầu, ông Trump cần đẩy mạnh định hình kẻ thù của nước Mỹ, và cần dựng lập uy thế cao hơn trong cuộc chiến với ĐCSTQ, cũng như gột rửa những cáo buộc của Bolton, và điều này sẽ khiến Trung Quốc rơi vào thế bị động.
Trong mọi trường hợp, người Mỹ đã có lập trường rất cứng rắn ở Hawaii khi thể hiện thái độ “không phải chuyện đùa” đối với Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông. Đáp trả vấn đề này, vào chiều 18/6, Bắc Kinh đã xem xét Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân. Nghĩa là, nó phải được thành lập và phải được thực thi. Việc này tương đương với việc tuyên bố chấm dứt “một quốc gia, hai chế độ của Hồng Kông”.
Một kết quả không đáng ngạc nhiên khi cho thấy quan hệ Trung – Mỹ đã vượt quá giới hạn cân bằng và không thể cứu vãn. Liệu hai bên sẽ có kết thúc theo kiểu “Có chết, cùng chết” như lời của những người biểu tình Hồng Kông từng cảnh báo Trung Quốc.
Lương Phong (t/h)