Cư dân Mỹ lên tiếng sau khi nghe tin mẹ đột ngột qua đời trong nhà tù Trung Quốc
Nghe tin người mẹ 79 tuổi đột ngột qua đời khi bị giam giữ trong một nhà tù ở Trung Quốc chỉ vì kiên định không từ bỏ đức tin, cô Yuki Lý đã rất đau lòng. Không thể ngồi yên nhìn những người vô tội tiếp tục bị bức hại đến chết, cô đã đứng ra lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ và người dân thế giới lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang xảy ra ở Trung Quốc.
Cô Yuki Lý hiện đang sống tại thành phố San Jose, nước Mỹ cho biết, người mẹ 79 tuổi của cô là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện thuộc trường phái Phật gia, đã đột ngột qua đời vào tối ngày 26/7/2019 khi bị giam giữ trong một nhà tù ở Trung Quốc.
Trước khi về hưu, mẹ cô, bà Mạnh Hồng là một kỹ sư cao cấp ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Tháng 5/2012, trong lúc đang phân phát tài liệu nói rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công, bà đã bị bắt giữ bất hợp pháp và bị kết án 7 năm tù.
Vốn năm nay bà Mạnh Hồng sẽ kết thúc 7 năm lao ngục phi pháp, nhưng gia đình lại được thông báo rằng bà đã qua đời trong tù vì cao huyết áp và vấn đề tim mạch.
“Trước khi bị bắt giữ, sức khỏe mẹ tôi rất tốt. Sau 6 năm ngồi tù, bà đột ngột qua đời và rời xa chúng tôi mãi mãi. Khi nhận được tin ấy, tôi thật sự rất đau lòng”, cô Lý chia sẻ.
Hiện tại cô chỉ muốn biết tại sao chính phủ Trung Quốc lại giam cầm mẹ cô cho đến chết. “Bà đã 79 tuổi rồi, có thể làm gì cơ chứ? Bà chỉ tuân theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn để trở thành một người tốt hơn nữa mà thôi. Ấy vậy mà các người lại nỡ cầm tù người như thế cho đến chết mà không để bà được tự do. Ai lại làm những hành vi dã man như thế? Ai sẽ thấu hiểu điều này đây?”
Phát biểu trong cuộc thỉnh nguyện ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco vào ngày 30/7/2019, cô Lý cũng cho biết: “Ở Trung Quốc có chính sách cho phép những người trên 75 tuổi nộp đơn xin thả tự do. Thế nhưng bên phía nhà tù lại tuyên bố rằng Pháp Luân Công là một ngoại lệ”.
“Bà ấy sẽ được thả ra nếu tuyên bố ngừng tu luyện, còn không, bà ấy sẽ vẫn bị giam giữ trong tù”.
Tạm tha nhân đạo, hay còn gọi là tạm tha để điều trị y tế, cho phép những người cao tuổi tìm kiếm điều trị y tế bên ngoài nhà tù. Nhưng vì mẹ cô không muốn từ bỏ đức tin của mình, nên bà không bao giờ được phép nộp đơn xin điều trị y tế.
Cô Lý hiện đã có bằng thạc sĩ về giáo dục, nhớ lại những ngày mẹ cô bảo cô dạy bà vài từ tiếng Nhật sau khi cô du học Nhật Bản về, cô không khỏi xót xa. “Mỗi lần tôi gọi cho mẹ, bà luôn nói với tôi ‘ganbatte’ (cố lên), hay ‘you can do it’ (con có thể làm được mà). Ngoài ra, bà còn biết nói ‘sayonara’ (tạm biệt) hay ‘good bye’ nữa. Nhưng bây giờ, tôi không thể nhìn thấy mẹ mình được nữa rồi”, cô nói.
20 năm bức hại
Kể từ năm 1999, Pháp Luân Công, một môn tu luyện của Phật gia đã bị đàn áp tàn bạo tại Trung Quốc. Người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” những người học môn này. Theo ước tính của chính phủ, tại thời điểm đó, số lượng học viên Pháp Luân Công lên đến 70 triệu người.
ĐCSTQ đã dùng nhiều hình thức bức hại để ép người học Pháp Luân Công từ bỏ đức tin như: đánh đập thể xác, tra tấn tâm lý, lao động cưỡng bức và thu hoạch nội tạng sống. Họ tiến hành lấy nội tạng khỏi cơ thể nạn nhân khi họ vẫn còn sống mà không có bất kỳ biện pháp gây mê nào, quá trình này khiến nạn nhân đau đớn tới chết. Các nội tạng sau đó được bán ra để cấy ghép phục vụ cho ngành công nghiệp ghép tạng siêu lợi nhuận của nước này.
Các cuộc điều tra đã tiết lộ ĐCSTQ cũng sử dụng những biện pháp tương tự để bức hại người Duy Ngô Nhĩ, các tín đồ Cơ Đốc giáo và các nhóm tôn giáo khác.
Cô Lý nói: “Tôi muốn yêu cầu chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền. Tôi muốn kêu gọi tất cả những người dân thiện lương trên toàn thế giới lên tiếng phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Vì chỉ có như vậy những người mẹ của chúng ta mới có thể tự do và an toàn để tận hưởng cuộc sống bên gia đình của họ”.
Cô Lý và các học viên Pháp Luân Công khác cho biết, họ sẽ tiếp tục nói lên những lo ngại của mình với hy vọng rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc sớm sẽ kết thúc.
Thiên Thanh (Theo NTDTV)