Công nghệ và sự nuông chiều đang khiến trẻ em ngày càng trở nên cô độc
Xã hội ngày nay đã không còn chuẩn mực nào cho việc nuôi dạy con cái, do đó các bậc phụ huynh thường luôn nghĩ rằng, họ chỉ cần nuôi con lớn, chu cấp cho con mọi thứ tốt nhất là đủ. Tuy nhiên, cái mà trẻ em ngày nay đang ngày càng thiếu, chính là tiêu chuẩn hành vi mà thế hệ trước vốn có.
Ngày nay cô độc và trầm cảm ở trẻ đang trở thành một vấn nạn của xã hội, mối nguy hại tiềm ẩn này, không phải cha mẹ nào cũng sớm phát giác, mà thường âm ĩ từ khi trẻ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Điều này phần lớn đến từ việc xã hội hiện đại đang dần mất đi những quy chuẩn giáo dục của thế hệ trước, thậm chí trong các gia đình cận đại, nhiều nhà hầu như đã không còn tồn tại.
Có thể thấy, thế hệ trẻ ngày nay đang bị ám ảnh bởi lối suy nghĩ “cả thế giới đang quay lưng với mình”, và đây cũng là một thực trạng đáng sợ đối với hầu hết các bậc phụ huynh, những người chỉ muốn dành điều tốt nhất cho con mình.
Theo Victoria Prooday, một nhà trị liệu có tiếng, kiêm tác giả của trang YourOT.com, rất nhiều trẻ em ngày nay được nhận thấy đang dần trở nên vô cảm.
Nguyên nhân chính của điều này là do việc nuôi dạy, chăm sóc con cái quá mức của phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ quá quan tâm đến việc muốn con cái luôn hạnh phúc, điều này ám ảnh họ đến mức, có xu hướng để trẻ tự quyết định cuộc đời của chúng.
Từ đó, giới trẻ ngày nay đã quen dần với việc đó, và luôn muốn tự quyết định cho mình trong những điều quan trọng, và hầu như không cần cân nhắc đến bất kỳ ý kiến nào của người lớn.
Thậm chí có những người lớn còn không hề đề xuất hay nói ra những định hướng, quan điểm của họ cho con cái, bởi họ nhìn nhận rằng trẻ sẽ không hạnh phúc nếu mình làm điều đó.
Prooday cũng cho biết: “Mặt tốt ở đâu khi chúng ta cho trẻ được lựa chọn thứ chúng muốn, dù biết rằng điều đó không hề tốt cho chúng? Nếu trẻ không được cung cấp dinh dưỡng phù hợp và có một giấc ngủ chất lượng, thì trẻ sẽ trở nên dễ tức giận, lo lắng và thiếu tập trung trên lớp. Bên cạnh đó, chúng ta còn đang định hướng trẻ sai lệch.
Trẻ học được rằng chúng có thể làm điều chúng muốn và không làm những điều chúng không muốn. Nhưng khái niệm về ‘điều cần làm’ là khá trừu tượng. Để đạt được những thành tựu, mục tiêu trong cuộc đời, chúng ta sẽ phải làm những điều cần làm, mà đôi khi những điều cần làm thì không phải lúc nào cũng là điều chúng ta muốn”.
Timmy – một ví dụ nghiên cứu điển hình về hiện trạng
Phổ biến nhất chính là hiện tượng trẻ bắt đầu có nhận thức coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Chúng tin rằng chúng xứng đáng được hưởng mọi thứ từ người khác mà không cần phải nỗ lực, cố gắng làm điều gì. Những đứa trẻ này sẽ đưa ra những đòi hỏi một cách khó chịu, nhất là với những ai không liên quan hay nợ chúng điều gì.
Trong trường hợp này, chúng ta thật sự đang nợ trẻ sự yêu thương, chăm sóc và động viên. Mặc dù chúng ta luôn muốn điều tốt nhất cho trẻ, thế nhưng những đứa trẻ lại luôn tin rằng, chúng đang bị đối xử tệ bạc nếu bạn không cho chúng có được thứ mà chúng “mặc định” là tốt nhất.
Việc nuôi dạy những đứa trẻ như thế luôn luôn rất khó khăn, bởi bất cứ lúc nào trẻ cũng sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, và luôn trông đợi sẽ nhận được những thứ nằm ngoài giới hạn cho phép.
Chính những hành vi, biểu hiện như thế đã khiến lượng lớn giới trẻ ngày nay luôn cảm thấy cô độc.
Một trường hợp kể đến là Timmy, bé trai 10 tuổi bị nghiện chơi điện tử. Trung bình, Timmy dành khoảng 10-12 tiếng mỗi ngày để “cắm đầu” vào màn hình, và điều này đã tác động tiêu cực đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của cậu bé.
Khi đêm đến, đáng lẽ phải chìm vào giấc ngủ như bao người khác, thì Timmy lại chùm chăn để chơi một trò chơi bạo lực trong iPad của mình. Đến khi người mẹ tịch thu món đồ đó, cậu sẽ hành xử tệ đến mức bà mẹ không còn cách nào khác ngoài việc trả lại ‘món đồ chơi’ cho đứa con của mình.
Mỗi khi bố mẹ cho bất kỳ hình thức kỷ luật nào nghiêm ngặt, Timmy sẽ tạm ngừng chơi điện tử, nhưng rồi lại ‘chứng nào tật đó’, và điều này cứ diễn ra liên tục. Cậu bé không có bất kỳ bạn bè nào trong đời sống thực, và chỉ biết chìm đắm trong thế giới ảo đến mức không thể hành xử đúng mực. Timmy vô cùng cô độc, nhưng cậu bé lại không hề nhận ra điều đó.
Trong tâm trí của Timmy, mẹ là người đối xử tệ bạc với cậu bé khi tịch thu đồ chơi điện tử của cậu. Nhịp tim của cậu bé cũng thường cao hơn những đứa trẻ thông thường khác, bởi cậu đã dành quá nhiều thời gian để tiếp xúc với những loại hình bạo lực nặng nề trong điện tử.
Một ngày nọ, khi Timmy đang chơi điện tử, trong vô thức mồ hôi cậu bé chảy ròng dù phòng đang bật điều hòa, và khi đó đứa em gái của cậu bé đi qua lỡ chân giẫm phải dây nối khiến màn hình máy điện tử bị tắt.
Cậu bé đã giận dữ tột độ, nhào tới quát mắng và đánh em gái mình, rồi sau đó lao thẳng vào phòng cùng món đồ chơi điện tử. Đây là cách duy nhất mà Timmy biết để thể hiện sự giận dữ trước sai lầm của em gái.
Mẹ của Timmy sau đó đã phải can thiệp, và sau vài phút giảng dạy đúng sai, với Timmy, bà đã quyết định tịch thu máy điện tử của con mình.
Khi đó thế giới của Timmy như sụp đổ, người bạn đồng hành và niềm vui duy nhất của cậu bé, nay đã bị thu mất đi. Cậu cảm giác tim mình như thắt lại vì nỗi đau. Và chính lúc này, khi cái suy nghĩ coi mọi thứ là điều hiển nhiên của cậu bé bắt đầu xuất hiện, khiến Timmy nghĩ rằng, mẹ đáng ra phải nên xin lỗi cậu vì sai lầm của em gái.
Tay cậu run lên vì giận dữ, cậu tự hỏi mình tại sao lúc nào cũng bất hạnh đến thế. Giờ trò chơi điện tử cũng đã biến mất, và cậu bé chẳng có điều gì để làm ngoài việc đắm chìm trong cảm xúc đau buồn và cô đơn của riêng mình.
Timmy chính là ví dụ điển hình cho hàng triệu trẻ em ngày nay, những đứa trẻ cũng đang phải đối diện với sự bốc đồng cảm xúc khó có thể hiểu được, điều này xuất phát từ chính sự nuông chiều, bảo bọc của cha mẹ.
Chúng ta phải làm gì để nuôi dạy nên một đứa trẻ lành mạnh?
Cách đầu tiên chính là giảm thiểu việc sử dụng công nghệ, và đôi khi sự nhàm chán cũng chẳng sao cả.
Các bậc phụ huynh thường tận dụng công nghệ như một công cụ trông trẻ miễn phí. Tuy nhiên điều đó đang vô tình khiến con cái của họ trở nên nghiện công nghệ.
Chúng ta đều thấy trẻ khóc thét không kiểm soát và nổi cơn thịnh nộ bất cứ khi nào khi cha mẹ tịch thu các thiết bị điện tử, ngay cả khi đang ngồi tại bàn ăn.
Các bậc cha mẹ thường lo lắng con cái mình có thể cảm thấy buồn chán, vì thế đã cho con sử dụng đồ công nghệ để giải trí, và thu hút sự chú ý của chúng. Nhưng trên thực tế, chả có gì sai khi để trẻ cảm thấy nhàm chán.
Bởi sự tẻ nhạt thực chất có thể là yếu tố giúp gia tăng sự năng động, khuyến khích trẻ tìm tòi những điều bổ ích, và kích thích trí thông minh của trẻ.
Mọi đam mê thường bắt nguồn từ sự tẻ nhạt, miễn là trẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bằng cách này, chúng ta sẽ quán xuyến được nhiều thứ hơn mà vẫn giúp trẻ kích thích hiệu quả trí tưởng tượng của chúng.
“Những gia đình quan tâm đến trẻ [quá mức] sẽ khiến phụ huynh trở nên lo lắng, mệt mỏi, còn trẻ thì hay đòi hỏi, coi mọi thứ là điều hiển nhiên”, theo tạp chí American Journal of Preventive Medicine.
Khuyến khích các hoạt động thể chất và vui chơi ngoài thực tế
Sự ra đời của mạng xã hội, cộng đồng ảo và hàng tá ứng dụng nhắn tin khiến trẻ khó hòa nhập và tiếp xúc với nhau trực tiếp ngoài đời.
Những thế hệ đi trước, về mặt cảm xúc thường phát triển tốt hơn rất nhiều so với ngày nay, vì não bộ của họ thường gắn liền với thế giới thực. Nhưng ngày nay, trẻ em chỉ giao tiếp với nhau qua các phòng trò chuyện ảo, gặp nhau qua các cuộc gọi video. Liệu có ai còn ai bận tâm đến việc cho con cái ra ngoài, chơi nhảy lò cò hay nhảy dây như thời xưa?
Liệu các bậc phụ huynh có còn gửi con cái sang nhà hàng xóm hoặc bạn bè để chúng chơi đùa với con cái của họ hay không? Giờ chúng ta có còn được nghe thấy tiếng đùa hét thích thú của trẻ khi chúng ở ngoài chơi trò đuổi bắt không? Ngày nay, trẻ em dành phần lớn thời gian để sống trong thế giới ảo.
Mặc dù trong xã hội ngày nay, thật khó để tránh khỏi những thiết bị công nghệ, nhưng các cha mẹ đang để chúng chiếm quá nhiều thời gian của con cái mình thì vô cùng tai hại.
Thanh thiếu niên giờ đây thường đắm chìm trong các ứng dụng mạng xã hội như Instagram, Snapchat, Facebook và TikTok. Những ứng dụng này thực tế không khích lệ sự tự tin ở trẻ, mà còn khiến quan niệm sống của chúng ngày càng trở nên lệch lạc.
Trẻ thường tin rằng ngoại hình và cuộc sống của chúng không cần phải tuân theo một vài chuẩn mực đạo đức viển vông nào đó. Vô số trẻ em cuối cùng sẽ hình thành những tư tưởng méo mó về giá trị cống hiến của bản thân khi chúng chỉ nhìn thấy những người đang tận hưởng cuộc sống xa hoa và hào nhoáng trên mạng ảo.
Thực tế, điều trẻ cần là kỹ năng xã hội để sinh sống và tồn tại trong thế giới này. Việc giao tiếp, hình thành quan hệ hiệu quả với mọi người sẽ giúp trẻ mở đường cho một tương lai thành công. Chính vì thế, hãy khuyến khích trẻ dành thời gian ra ngoài và tiếp xúc với mọi người trong đời sống thực.
“Khả năng lãnh đạo đòi hỏi chúng ta phải thông thạo trong xã hội. Trên thực tế, để đạt tới thành công thì các kỹ năng xã hội cũng quan trọng y như trí tuệ của chúng ta vậy”, theo tạp chí American Journal of Preventive Medicine.
Tinh thần trách nhiệm giúp hình thành nên một cá nhân hoàn thiện hơn
Không bao giờ là quá sớm để dạy một đứa trẻ 2 chữ “trách nhiệm”. Nhiều bậc phụ huynh tin rằng, suy nghĩ về trách nhiệm sẽ hủy hoại tuổi thơ của trẻ. Tuy nhiên, đây là giai đoạn trẻ dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, do đó cũng là thời điểm tốt nhất để những gì cha mẹ dạy sẽ khắc sâu trong chúng những giá trị hữu ích cho đến khi trưởng thành.
Bạn cần hiểu rõ, tinh thần trách nhiệm không phải lúc nào cũng là phải làm một nghĩa vụ gì đó lớn lao, mà phụ thuộc vào từng giai đoạn. Ví dụ như trách nhiệm đó có thể là bảo một đứa trẻ 4 tuổi làm những việc giản đơn như tưới nước cho một cái cây nhỏ, hay bảo con cái trong độ tuổi vị thành niên khóa cửa nhà mỗi tối, điều này cũng được coi là một trách nhiệm cao cả.
Những đứa trẻ sau này sẽ hiểu ra và nhận thức được rằng, việc mình đang làm là mang một trọng trách như thế nào, và thay vì sợ hãi khi phải đặt trách nhiệm lên vai, thì trẻ sẽ trở nên háo hức mong muốn được chứng minh bản thân mình hơn. Điều này cũng giúp trẻ hình thành các mục tiêu và thúc đẩy mạnh mẽ sự tự tin trong chúng.
Dành thời gian với trẻ
Nhiều bậc phụ huynh thường bận rộn đến mức không thể dành thời gian cho việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên, việc giao tiếp, kết nối với trẻ mỗi ngày là một điều vô cùng quan trọng.
Hãy dành một khoảng thời gian để trò chuyện, tâm sự thành thật với chúng bất cứ khi nào có thể, ví dụ như trong mỗi bữa tối, nơi chia sẻ mọi chuyện trong ngày cùng cả gia đình, hoặc trước khi đi ngủ có thể dành 10 phút để kể chuyện cho trẻ nghe.
Nếu con cái đang trong độ tuổi vị thành niên thì có thể tâm sự với con cái giúp chúng trở thành những đứa trẻ cân bằng cả về cảm xúc và tinh thần. Đồng thời, việc làm này còn giúp củng cố vững chắc niềm tin giữa phụ huynh và con cái của mình. Trẻ sẽ lớn lên và nhận thấy rằng, chúng luôn có thể chia sẻ bất kỳ điều gì với cha mẹ mình mọi lúc mọi nơi.
Thiết lập một khung giờ ngủ riêng biệt
Việc ngủ vào các khung giờ không cố định đều liên quan đến các vấn đề về hành vi ở trẻ. Những đứa trẻ ngủ thiếu giấc khả năng sẽ hành xử không đúng mực hơn so với những đứa trẻ được ngủ đúng khung giờ cố định.
Để trẻ có thể phát triển và hoạt động hiệu quả, cha mẹ cần để trẻ ngủ đủ từ 8-10 tiếng mỗi ngày.
Phụ huynh cũng cần phải theo dõi thường xuyên con cái mình. Hãy đảm bảo rằng trẻ không chùm chăn để chơi điện tử hay đọc một cuốn tiểu thuyết trong khoảng thời gian mà lẽ ra chúng phải ngủ rồi.
Trẻ cần ngủ đủ giấc để có thể hoạt động hiệu quả cho ngày hôm sau, cũng như cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Dần dần, trẻ sẽ vào guồng và không cần quá nhiều sự giám sát của cha mẹ mỗi tối nữa.
Giảm thời gian sử dụng công nghệ của các bậc phụ huynh
Chúng ta sẽ không thể nuôi dạy nên một đứa trẻ lành mạnh toàn diện nếu ngay chính chúng ta cũng dành hơn 2/3 thời gian trong ngày để sử dụng các thiết bị điện tử.
Một cuộc khảo sát trên 6.000 trẻ em của AVG Technology cho thấy, 32% trẻ em cảm thấy mình không quan trọng vì cha mẹ chúng sử dụng điện thoại quá nhiều. Nhóm trẻ em thực hiện khảo sát đều trong độ tuổi 8-13 và được chọn lựa từ nhiều quốc gia, khu vực khác nhau.
Chính sự xao nhãng vào mạng xã hội đã làm cản trở sự tương tác của phụ huynh với đứa trẻ, đồng thời rút ngắn thời gian mà họ dành cho trẻ mỗi ngày. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ coi cha mẹ mình là một hình mẫu và từ đó học theo thói quen sử dụng điện thoại của chính các bậc phụ huynh.
Do đó, hãy thiết lập ra mức thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ cho cả chúng ta lẫn trẻ nhỏ. Hãy đặt giới hạn sử dụng điện thoại nhiều nhất là 2 giờ mỗi ngày thay vì 6-7 tiếng như thông thường. Hãy thiết lập mức thời gian tương tự với trẻ và để chúng biết rằng chúng cần phải tuân thủ theo lịch trình này.
Dạy trẻ bằng cách trở thành hình mẫu để noi gương và luôn bên trẻ mỗi khi cần
Nếu muốn trẻ trở thành một cá nhân chăm chỉ trong tương lai, hãy để trẻ nhìn thấy hình mẫu đó ngay từ bạn. Nếu bạn muốn trẻ trở thành một người vợ, người chồng tuyệt vời trong tương lai, hãy đối xử tốt với vợ/chồng của mình bằng tình yêu thương ngay cả khi không có trẻ.
Nếu bạn muốn sau này trẻ chăm sóc bạn khi về già, hãy chăm sóc cho cha mẹ đã có tuổi của bạn trong hiện tại.
Nếu bạn muốn trẻ trở nên tinh tế, tốt bụng và quan tâm, hãy để chúng nhìn thấy những biểu hiện đó trong cách bạn ứng xử với mọi người xung quanh.
Điều cuối cùng, hãy luôn cho trẻ biết rằng, dù khó khăn có lớn lao và nghiêm trọng đến đâu, thì bạn vẫn sẽ luôn ở bên cạnh để lắng nghe và tìm ra giải pháp cho chúng.
Hãy luôn cho trẻ biết bạn yêu thương chúng đến nhường nào. Hãy coi việc tâm sự mở lòng với trẻ như một hoạt động thường nhật, trao cho trẻ cơ hội được giãi bày và hãy nỗ lực để bản thân trở thành một người biết thấu hiểu, lắng nghe.
Hãy để trẻ nói ra quan điểm của chúng, mặc cho những quan điểm này có thể sai sót. Chính những cuộc trò chuyện như thế này sẽ dần giúp thay đổi suy nghĩ của trẻ.
Chúc Di (Theo The Hearty Soul)