Công dụng chữa bệnh tuyệt vời của rau thơm ai cũng nên biết
Rau thơm không chỉ là thứ gia vị quen thuộc trang trí các món ăn mà còn là cây thuốc thông dụng phòng trị nhiều bệnh. Mọi người nên lưu lại, chắc chắn ai cũng dùng đến ít nhất 1 lần trong đời đấy.
Bạc hà
Vị cay, mát không độc, vào 2 kinh can và phế, có tác dụng phát tán phong nhiệt, hạ sốt, làm ra mồ hôi, giảm uất, dùng chữa cảm nắng (cảm thử), đau bụng, đầy bụng, tiêu hoá không tốt, nhức đầu, dị ứng nổi mề đay, viêm họng có sốt, đàm vướng cổ, đau họng khản tiếng, thúc sởi mau mọc, làm thuốc sát trùng ngoài da, tai mũi họng, chống viêm.
Chữa cảm mạo, nhức đầu: Lá Bạc hà 6 g, Kinh giới 6 g, Phong phong 5 g, Hành hoa 6 g. Đổ nước sôi vào chờ 29 phút, uống nóng.
Chữa nôn, giúp tiêu hoá tốt: Lá hoặc cả cây Bạc hà (bỏ rễ) 5 g pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống 1 lần.
Diếp cá
Tính hơi lạnh vị cay chua vào phế kinh. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, sát trùng, trị táo bón, lòi dom trẻ em lên sởi, phổi ung có mủ, đau mắt đỏ hoặc nhiễm trùng gây mủ xanh, viêm ruột, kiết lỵ, kinh nguyệt không đều. Chủ trị của Diếp cá là trĩ hậu môn (đại tiện ra máu) chân tay phù nề do thận hư.
Chữa sốt ban sởi mà không xuất hết ban sởi cho trẻ em: Giã nát Diếp cá vắt nước cốt cho uống, còn xác trộn với ít rượu trắng xoa hai bên cột sống lưng, nốt sởi sẽ mọc nhanh, cơn sốt sẽ giảm dần, trẻ không vật vã kêu khóc nữa.
Trị đau mắt đỏ: Giã nhỏ lá Diếp cá ép vào 2 miếng giấy bản đắp lên mắt khi ngủ, làm 2 – 3 lần khỏi.
Chữa trĩ, lòi dom: Diếp cá 6 – 12 g, sắc uống thường xuyên đồng thời sắc nước lấy hơi xông, rồi rửa trĩ.
Chữa viêm sưng tai giữa, sưng tắc tia sữa: Diếp cá khô 20 g (tươi 40 g), táo đỏ 10 quả, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
Các bệnh khác dùng từ 6 – 12 g sắc uống hoặc dùng dạng bột, viên.
Hành hoa
Tính ấm, vị cay ngọt. Tác dụng giải cảm, sát trùng, thông khí. Hành hoa tươi ăn chữa ho cảm, chữa trướng bụng, khó tiêu.
Chữa trẻ em bí tiểu tiện: Bắt một con nhện to, giã nát với 2 củ Hành hoa rồi đắp lên bụng ở phía dưới rốn khoảng 2cm, chỉ vài phút sau là công hiệu (trẻ đi tiểu được).
Hành ta
Tính bình, vị cay có năng lực phát biểu hoà trung, thông dương hoạt huyết, làm ra mồ hôi, lợi tiểu , sát trùng, chữa đau răng, chữa các chứng sốt, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thũng, làm yên thai, sáng mắt, lợi ngũ tạng, kích thích thần kinh, tăng bài tiết dịch tiêu hoá, đề phòng ký sinh trùng đường ruột, trị tê thấp. Tinh dầu hành có tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng ngoài chữa mụn nhọt mưng mủ. Dùng nước hành nhỏ mũi chữa ngạt mũi cấp và mãn tính và viêm niêm mạc mũi. Vào 2 kinh phế và vị. Mỗi lần có thể dùng 30 – 60 g ở dạng sắc thuốc hoặc giã nát ép nước uống.
Chữa cảm cúm: Ăn bát cháo hành có thêm lá tía tô, hạt tiêu, gừng.
Chữa cảm, đầu nhức, mũi ngạt: Hành 30 g, đạm đậu sị 15 g, gừng sống 10 g, chè hương 10 g. Nước 300ml, đun sôi, gạn bỏ bã, uống còn nóng, nằm đắp chăn kín cho ra mồ hôi.
Trẻ con cảm mạo: Hành 60 g, gừng sống 10 g. Hai thứ giã nát cho nước sôi vào, dùng hơi xông miệng mũi trẻ, ngày làm 2 – 3 lần không cần uống.
Chữa mụn nhọt: Hành tươi giã nát trộn với mật đắp lên mụn hễ ngòi ra thì dùng dấm rửa mụn.
Phụ nữ động thai: Hành tươi 60 g, 1 bát nước sắc kỹ lọc bỏ bã uống.
Hành tây
Tác dụng: Chữa ho trừ đờm, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chống phong thấp mạnh, trị phù thũng, cổ trướng, bệnh đái đường, giúp ngủ ngon, làm tiêu nhanh các chất bột, trừ giun đũa, trừ ho chống béo phì, xơ cứng động mạnh, kích dục, chống muỗi. Dùng ngoài trị áp xe, chín mé, mụn nhọt, chân nứt nẻ, mụn cóc, vết thương đau nửa đâu, đau thần kinh ngoại biên. Dùng hành sống mạnh hơn. Có thể dùng cồn thuốc tươi: nước ép Củ hành tươi 1 phần, cồn 90 độ 1 phần hoà chung. Dùng dần, ngày uống 15 – 20 g sau khi ăn. Hoặc dùng dạng rượu vang: Hành tươi 200 g ép lấy nước, mật ong 100 g, rượu vang hoặc rượu nhẹ 12 – 14 độ vừa đủ 1 lít, hoà đều, dùng dần. Ngày uống 2 lần vào sáng, tối sau bữa ăn. Mỗi lần uống 30 – 60 g.
Hẹ
Tính ấm, vị cay ngọt vào hai kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, ấm lưng gối, chữa tiểu tiện nhiều lần do thận hư, tiểu xẻn vặt, đái són, mộng tinh, bạch trọc.
Lá và củ dùng chữa ho trẻ em (Lá hẹ hấp với đường hay đường phèn trong nồi cơm hoặc đun cách thuỷ). Còn dùng chữa các bệnh kiết lỵ ra máu, giúp tiêu hoá, tốt gan thận (di mộng tinh, đi tiểu nhiều lần). Liều dùng hàng ngày: từ 20 – 30 g. Sắc nước hẹ uống chữa giun kim. Hạt hẹ dùng chữa di mộng tinh, tiểu tiện ra máu, đau mỏi đầu gối, đau lưng, khí hư. Liều dùng ngày từ 6 – 12 g. Hẹ dùng phòng chữa các bệnh sau:
– Liệt dương: Gốc hẹ 200 g, Hồ đào 50 g sắc uống.
– Hạ cơn suyễn: Sắc một nắm lá Hẹ uống.
– Đái đường: Nấu canh lá Hẹ ăn
– Lòi dom: Lá hẹ xào nóng chườm
– Dạ dày bị lạnh nôn: Hẹ giã vắt nước thêm nước gừng và sữa, uống,
– Bụng đầy anh ách: Rễ hẹ, Vỏ vối, Chỉ thực lượng bằng nhau, sắc uống.
– Sườn đau tức: Hẹ giã nát chưng với dấm, chườm.
– Đổ mồ hôi giữa ngực, vì lo nghĩ nhiều: Dùng 49 gốc hẹ sắc uống.
– Tai chảy mủ, côn trùng chui vào tai: giã Hẹ vắt nước nhỏ vào tai .
– Phạm phòng : Hẹ, Phân chuột, Dành dành, lượng bằng nhau, sắc uống.
– Trẻ sơ sinh: Giã rễ Hẹ vắt nước, nhỏ vào miệng cháu mấy giọt cho nôn hết chất dãi đục, phòng được các bệnh cho trẻ.
Húng quế
Tính ấm, vị cay. Có tác dụng làm ra mồ hôi, giải cảm, giảm đau, tán huyết ứ sưng đau. Dùng cả cây, lá chữa cảm cúm, ho. Dùng hoa có lợi tiêu hoá, chữa bệnh thần kinh trẻ em mất ngủ, người lớn đau đầu chóng mặt, đau bụng, ho viêm họng và ho gà. Chữa đau có nguồn gốc thần kinh hay dạ dày, làm tiết sữa các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa, chữa bệnh về răng miệng. Ngày dùng 20 – 40 nhúm lá và hoa khô trong 1 lít nước, hãm uống 2 – 3 ly để chữa đau đầu, ho, viêm họng hay lo âu. Sắc uống chữa ít sữa, sắc đặc súc miệng chữa bệnh răng miệng.
Nếu hàng ngày ăn rau Húng quế sẽ ngừa được cảm cúm hoặc đau nhức chân tay. Lá Húng quế khô sắc nước uống chữa mẩn ngứa rất tốt (nếu kết hợp tắm nước lá khế đun sôi để nguội càng tốt).
Húng chanh
Tính ấm vị cay thơm, có tác dụng kháng sinh mạnh với một số vi trùng, phát tán phong hàn, tiêu đàm tiêu độc trừ phong. Thường dùng làm thuốc chữa bệnh đường hô hấp, chữa cảm cúm, ho đau họng. Bị kiến độc đốt, rết, bọ cạp đốt thì giã nát Húng chanh đắp lên vết đốt sẽ giảm đau nhức.
– Chữa cảm cúm thì dùng lá tươi nấu nước xông hoặc có kết hợp vài loại lá hương thơm khác.
– Chữa ho viêm họng khan tiếng: Lá tươi rửa sạch, ngậm với tí muối, nuốt nước dần dần, hoặc giã nhỏ 1 nắm vắt nước uống làm 2 lần trong ngày. Với trẻ con thì thêm tí đường, đem hấp cơm cho uống 2 lần trong ngày (Húng chanh còn gọi rau lá tần dày lá).
Kinh giới
Vị cay tính ấm vào hai kinh can và phế. Có tác dụng phát biểu, khử phong, thông huyết mạnh, trị yết hầu, thanh nhiệt làm tan máu ứ bầm, hết sưng đau. Dùng chữa ngoại cảm sốt đầu nhức mắt hoa, hầu họng sưng đau, nôn mửa, đẻ xong bị huyết vậng. Sao cháy đen tồn tính, uống có tác dụng chữa thổ huyết, chảy máu cam, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu, kiết lỵ. Liều dùng hàng ngày từ 6 – 12 g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Ngò
Vị cay thơm, tính ấm. Công năng giải độc, khử phong trừ thấp, phát tán phong hàn, thông khí uất kích thích tiêu hoá chống rối loạn tiêu hoá. Ăn lá tươi chữa cảm cúm, tiêu chảy hoặc bị đay bụng (do ăn thức ăn ôi thiu).
Thúc đậu sởi chóng mọc: Hạt mùi giã nhỏ hoà rượu phun thì đậu sởi mọc ngay.
Trị ho, mẹ ít sữa, làm tiêu hoá tốt: Mỗi ngày dùng 4 – 10 g hạt Mùi hoặc 10 – 20 g cây tươi sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
Rau ngỗ
Vị cay thơm tính mát, có tác dụng tiêu thực, cầm máu. Nhân dân thường hái lá rau Ngổ non ăn sống, làm gia vị. Làm thuốc trong trường hợp ăn uống không tiêu, đầy tức bụng, thổ huyết băng huyết. Dùng ngoài giã nát đắp lên những nơi viêm sưng tấy.
Ngày dùng 10 – 20 g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Ngò tàu (ngò tây)
Vị cay thơm, tính ấm. Có tác dụng thông khí trừ hàn, tiêu thực giải cảm. Phụ nữ thường dùng Ngò tàu nấu chung với bồ kết để gội đầu. Dùng làm thuốc chữa đầy hơi, ăn uống kém tiêu, cảm mạo sốt. Ngày dùng 10 – 16 g dưới dạng thuốc hãm nước sôi uống nhiều lần trong ngày.
Chữa cảm mạo, ăn uống không tiêu: Ngò tàu khô 10 g (tươi 20 g), Cam thảo nam 6 g, nước 300ml, đun sôi trong 15 phút, chia 3 lần uống nóng trong ngày.
Rau răm
Vị cay tính ấm, có tác dụng tiêu thực kích thích tiêu hoá, làm dịu khoái cảm, người đi tu thường dùng để giảm cơn bốc dục, chữa rắn cắn. Mỗi ngày dùng 15 – 20 g cả thân và lá tươi.
Chữa rắn cắn: Khi bị rắn cắn phải sơ cứu ngay: dùng khoảng 20 – 25 ngọn rau Răm giã nát vắt nước cốt uống còn bã đắp vết rắn cắn và phải buộc chặt (làm garô) phía trên vết rắn cắn không cho nọc rắn độc chạy về tim. Uống và đắp nhiều lần. Nếu là rắn độc thì sơ cứu xong đưa đi bệnh viện ngay.
Tía tô
Vị cay tính ấm phát tán phong hàn, giải độc, tiêu tích hạ khí, vào 2 kinh phế và tỳ. Thường dùng để chữa bệnh cảm cúm, nhức đầu, ho, sốt, buồn nôn, làm ra mồ hôi, tiêu đàm, chữa động thai gây oẹ mửa, chống dị ứng ngộ độc do ăn uống (cá cua sò hến).
Chữa cảm sốt đau đầu đau khớp xương: Lá Tía tô, Nhân sâm, Trần bì, Chỉ xác, Cát cánh, Cam thảo, Mộc hương, Bán hạ, Tiền hồ, Gừng khô. Mỗi vị 2 g, Nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Ăn cua cá… trúng độc có đau bụng: Lá Tía tô 10 g, gừng sống 8 g, Cam thảo sống 4 g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, khi còn nóng. Nếu không có đau bụng thì chỉ giã lá Tía tô vắt nước uống hoặc dùng lá khô 10 g sắc uống.
Trị mụn cóc (mục ghẹ): Mọc ở tay chân, sau gáy. Mụn nhỏ hơi đau: Lá Tía tô rửa sạch, để khô, đặt lên mụn, chà xát nhiều lần đến khi lá nát, hết nước thì bỏ ra.
Theo Benhtat.net