Con yêu ba hay yêu mẹ hơn? Ngàn vạn lần đừng hỏi con những lời này!
Cha mẹ nhiều khi trong lời nói có lẽ chỉ là nói đùa, nhưng vô tình lại là trò đùa tàn nhẫn đối với con trẻ. Ví như câu hỏi, “Con yêu ba hay yêu mẹ hơn?”… là một trong số đó. Các bậc cha mẹ hãy hết sức lưu tâm, bởi một câu hỏi nhỏ có khi tác hại lại không hề nhỏ.
Tình huống 1:
Một cặp vợ chồng trẻ trong cuộc sống gia đình mỗi khi phát sinh chút mâu thuẫn, thì đều hỏi con gái của mình rằng: “Con nói xem ba là người tốt, hay mẹ là người tốt?”.
Tình huống 2:
Anh em họ hàng đến nhà chơi, khi trò chuyện, cha mẹ lại trêu đùa với đứa trẻ: “Con nói xem, là ba thương con hơn, hay mẹ thương con hơn nào?”.
Tình huống 3:
Cha mẹ cho con trẻ mua đồ vật hoặc đồ ăn vặt, sau đó truy hỏi con: “Con thích ba hay là thích mẹ? Ba và mẹ thì ai tốt hơn?”.
Là người lớn, bạn lại hỏi con trẻ những câu hỏi như vậy sao? Cha mẹ trong lời nói có lẽ là hay nói đùa, nhưng lại vô tình là trò đùa tàn nhẫn đối với con. Kỳ thực mỗi đứa trẻ đều vô cùng tôn kính và yêu quý cha mẹ của mình. Khi cha mẹ hòa hợp, không khí gia đình tốt đẹp thì chính là môi trường giúp đứa trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh.
Tuy nhiên, tâm trí non nớt của đứa trẻ, rất dễ dàng bị lời nói và hành vi của người lớn ảnh hưởng. Một khi cha mẹ ra sức bắt chúng phải lựa chọn trả lời cho câu hỏi “yêu ba hơn” hay “yêu mẹ hơn” thì đối với đứa trẻ là chuyện thật sự rất khó khăn.
Điều này chủ yếu đã phản ánh ở 4 phương diện sau:
1. Khiến đứa trẻ cảm giác thiếu an toàn
Mẹ tốt hơn, hay là ba tốt hơn, loại bài xích mang tính lựa chọn này thường khiến trẻ rơi vào thế khó xử, nếu lựa chọn một trong số đó, trẻ sẽ lo lắng người kia không còn quan tâm đến mình. Con trẻ chưa đến tuổi vị thành niên thì càng coi trọng mối quan hệ gia đình hơn cả, sau đó mới đến sách vở và bài tập. Loại vấn đề này sẽ khiến trẻ sinh ra tâm lý sợ hãi lo lắng, không biết phải làm sao.
2. Dễ dàng dưỡng thành tính cách ‘gió chiều nào theo chiều ấy’
Người lớn thường xuyên đặt trẻ vào tình huống như vậy, lúc cao hứng thì chọn yêu người này, lúc không vui vẻ thì lại thấy không yêu người kia. Hơn nữa khi cha hoặc mẹ hỏi như vậy, đứa trẻ cảm thấy trả lời một chút cũng không sao, chỉ cần khiến ba mẹ vui lòng là được rồi. Điều này đối với trẻ khi lớn lên thật không tốt.
3. Dễ dàng dưỡng thành thói quen nói dối
Nếu người lớn luôn dùng lợi ích để dụ, sẽ kích thích trẻ nói dối, nói lời không phải xuất phát từ cảm thụ nội tâm mình, nhiều lần như vậy, sau đó sẽ nói dối thành tính. Đứa trẻ sẽ phát hiện: “Chỉ cần mình có thứ mình muốn, thì nói dối một chút cũng không sao”.
4. Dễ dàng dưỡng thành tính cách hám lợi
Cha mẹ lợi dụng tình cảm, khiến đứa trẻ sẽ căn cứ tình huống mà nói ra đáp án “lấy lòng” bề trên. Người lớn lợi dụng tình cảm trên thực tế chính là cổ vũ con trẻ lấy lợi ích làm tiêu chuẩn để phán đoán tốt xấu của cha mẹ. Nhiều lần như vậy, đứa trẻ sẽ dễ dàng dưỡng thành tính cách hám lợi.
Có đứa trẻ cũng thật biết “khéo léo”, trước mặt ba thì nói ba tốt, trước mặt mẹ thì nói mẹ tốt, trước mặt cả ba mẹ thì nói cả hai đều tốt. Kết quả như vậy sẽ khiến ba mẹ cao hứng, nhưng lại khiến cho đứa trẻ cảm thấy “khó lý giải”: Cha mẹ phải hòa hợp, không thể dễ dàng bị chia rẽ như vậy được. Vì sao cha mẹ lại thích dùng phương thức này để bắt buộc con cái phải phân định tình cảm cao thấp đối với mình đây?
Đặc biệt có một số cha mẹ vừa gặp chút mâu thuẫn, liền không hề để ý đứa con ở trước mặt mà vung tay múa chân, không ngớt tranh chấp, cãi nhau ầm ĩ. Họ thậm chí còn có hành vi thô bạo là bức bách con cái phải biểu đạt thái độ “con ủng hộ ai?”. Điều này đối với đứa trẻ là một loại “tấn công”. Đương nhiên, sau khi mâu thuẫn giải quyết xong, cha mẹ có thể giống như bình thường cưng nựng đứa con mình, nhưng mà loại tâm lý bị công kích trước đó, không dễ mà quên ngay lập tức được.
Chúng ta cần phải nhận thức rằng, làm cha mẹ, quan trọng nhất là ra sức bảo vệ sự hồn nhiên của con trẻ. Đơn giản và thành thật là tố chất tốt đẹp làm nền móng cho quá trình học tập của trẻ sau này. Nếu muốn con trẻ làm cái gì, không nên lấy vật chất để hấp dẫn dụ dỗ trẻ, mà cần phải thông qua lẽ phải để thuyết phục trẻ. Ngoài ra, thái độ của cha mẹ cần phải nhất trí với nhau, không thể trong lúc nóng giận mà nói lời ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Các bậc cha mẹ, mong hãy bảo vệ tốt lòng tự tôn của con mình, không nên hỏi trẻ bất kỳ câu hỏi nào như đã nói ở trên nữa.
Xin nói với mỗi từng cha mẹ rằng: Trêu đùa con trẻ không đúng lại vô tình làm hại trẻ, cũng không phải là phương thức giáo dục giúp đứa trẻ trưởng thành.
Bảo An, theo kannewyork.com