Con Rồng cháu Tiên: Tìm về nguồn gốc “Rồng Tiên” của dân tộc Việt
Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn luôn tự hào là dòng dõi “con Rồng cháu Tiên”. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc của tích cổ này cũng như hiểu được nguồn cội chân thực của dân tộc Việt.
Thời gian gần đây, bộ phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng, thu hút hơn 8 triệu lượt xem trên YouTube. Phim nhận được nhiều sự chú ý vì mang đến cho người xem một cái nhìn mới về truyền thuyết dân gian liên quan đến nguồn gốc lịch sử của dân tộc Việt, nhưng lại mang tính giải trí, nên dễ tiếp thu đối với người xem đặc biệt là trẻ em.
Bộ phim kể về sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, gặp gỡ nhau, bén duyên vợ chồng, đẻ ra 100 trứng, nở ra 100 con, 50 người theo cha xuống núi, 50 người theo mẹ xuống biển từ đó sinh ra nước Việt cổ như chúng ta vẫn thường nghe kể.
Theo Giáo sư Dương Trung Quốc, người cố vấn nội dung cho bộ phim thì Con Rồng Cháu Tiên vẫn chưa được đặt ở vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học cũng như trong trái tim của mỗi người dân Việt nam.
Ông chia sẻ: “Mọi quốc gia, dân tộc đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình. Đây là nhân tố cần thiết để gắn kết đồng loại. Con Rồng Cháu Tiên là một truyền thuyết trong dân gian, đã thực sự đi vào chính sử, để lý giải chúng ta là ai, gốc rễ sâu xa của chúng ta là gì, tại sao lại gắn kết thành quốc gia, dân tộc”.
Hãy cùng Tinh Hoa tìm lại những ghi chép từ các tư liệu lịch sử, để tìm hiểu về nguồn gốc “Rồng Tiên” của dân tộc Việt nhé!
Nguồn gốc con Rồng cháu Tiên
Theo Lĩnh Nam Chích Quái thì ông nội của Lạc Long Quân là Đế Minh (cháu 3 đời của Thần Nông) sinh ra con cả là Đế Nghi. Khi Đế Minh đi tuần thú phương Nam thì gặp được nàng tiên tên Vụ Tiên, đem lòng thương yêu rồi cưới về sinh ra Lộc Tục. Ngay từ tấm bé Lộc Tục đã thể hiện là người rất thông minh và đoan chính.
Đế Minh rất ngạc nhiên trước tư chất thông minh và tài trí của Lộc Tục nên muốn chọn làm người nối ngôi, thế nhưng Lộc Tục lại muốn nhường ngôi cho anh mình là Đế Nghi.
Cuối cùng Đế Minh quyết định truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc, và cho Lộc Tục làm vua phương Nam, lấy sông Dương Tử làm giới tuyến. Ông tế cáo trời đất trên Thiên đài rằng: “Trước đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì chết dưới đao thương”.
Từ đấy phía Bắc sông Dương Tử do Đế Nghi cai quản, phía Nam sông Dương Tử do Lộc Tục cai quản. Lộc Tục khi lên ngôi Vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương, năm 2879 TCN đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, biên giới phía Bắc tới Động Đình Hồ, phía Nam giáp với nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp với Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp với Nam Hải.
Sau đó Kinh Dương Vương xuống Thủy Phủ, cưới con gái vua hồ Động Đình (Long Vương), tên là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức Lạc Long Quân. Trong nhận thức và sự quan sát vạn vật của người xưa, Thủy Phủ (hay còn gọi là Thoải Phủ), song hành cùng Thiên Phủ và Địa Phủ, là các cõi không gian tồn tại đồng thời với không gian con người.
Việc ông ngoại của Lạc Long Quân vốn là một vị Long Vương cai quản hồ Động Đình, hay bà nội là một nàng tiên giáng trần, cũng là điều khó lý giải được trong nhận thức con người về sau và khó ghi vào chính sử. Song những sự tích ghi chép lại trong dân gian về việc gặp Tiên hay Rồng cũng rất nhiều (ví dụ như Từ Thức gặp Tiên, Lưu Nguyễn lạc vào cõi tiên v.v.). Nguồn gốc “Tiên”, “Rồng” của người dân Việt cũng chính bắt nguồn từ đây.
Đất Việt nước ta, sau khi được Lạc Long Quân đổi tên thành nước Văn Lang cũng có biên giới phía Bắc giáp hồ Động Đình. “Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải….” – Trích Đại Việt sử ký Toàn Thư.
Theo nhiều nghiên cứu lịch sử độc lập của các chuyên gia khác nhau, nói chung đều có suy đoán tương tự rằng, nguồn gốc nước Việt là từ Xích Quỷ, bao gồm rất nhiều tộc Việt khác nhau sinh sống trải dài từ Nam Trung Hoa ngày nay xuống Chiêm Thành. Nhưng chủng tộc Việt hoàn toàn khác so với chủng Hoa Hạ, vì thế chúng ta không có sự liên quan nào về nguồn gốc với người Trung Quốc ngày nay, mặc dù lãnh thổ đầu tiên của người Việt có nguồn gốc từ châu thổ sông Tương.
Sau khi trải qua rất nhiều cuộc chinh chiến với người Hoa Hạ ở phía Bắc, một tộc Việt đã lui xuống phía Nam, mở rộng bờ cõi để dựng lập nên nước Việt Nam ngày nay trong khi các tộc Việt khác bị thôn tính trở thành một phần của Trung Quốc.
Lạc Long Quân và Âu Cơ dựng lập đất Việt
Theo ghi chép trong Lĩnh Nam Chích Quái, Lạc Long Quân thay cha trị nước đã dạy dân cách ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về cha con, chồng vợ. Lạc Long Quân thường đi về Thủy Phủ, chỉ khi nào trăm họ cầu cứu thì mới xuất hiện.
Ở phương Bắc, Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai quản. Một ngày Đế Lai sực nhớ đến việc ông nội Đế Minh từng Nam tuần gặp được tiên nữ, nên ông đã cùng con gái là Âu Cơ và bộ chúng Nam tuần qua Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước không có vua, bèn cùng mọi người lưu lại nơi này.
Khi nhân dân nước Nam khổ não vì sự phiền nhiễu, không được yên ổn như xưa nên đã cầu cứu Lạc Long Quân. Lạc Long Quân nghe thấy tiếng kêu liền lập tức xuất hiện. Chợt trông thấy nàng Âu Cơ dung mạo xinh đẹp, mới hóa thành một chàng trai tuấn tú đến bên cạnh. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo, Lạc Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai không thấy Âu Cơ bèn sai quân thần đi tìm khắp nơi, nhưng Lạc Long Quân có thần thuật đã biến hiện trăm cách khiến quần thần được sai đi tìm không cách nào tìm được. Đế Lai đành trở về.
Bọc trăm trứng và cuộc phân ly
Âu Cơ ở với Lạc Long Quân được một năm thì sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không lành bèn đem bỏ ra ngoài. Hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nên đã đem về nuôi nấng, không cho ăn không cho bú mà tự nhiên lớn, trí dũng song toàn, ai cũng ngưỡng mộ, gọi là những anh em phi thường.
Lạc Long Quân thường xuyên đi về Thủy Phủ, còn mẹ con Âu Cơ ở trên đất liền, nàng nhớ về Bắc quốc, liền đi lên biên giới. Vua đất Bắc lúc bấy giờ là Hoàng Đế, nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan ải khiến mẹ con Âu Cơ không về được. Âu Cơ đêm ngày gọi Lạc Long Quân: “Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ!”.
Lạc Long Quân đột nhiên xuất hiện, gặp mẹ con Âu Cơ ở Tương Dã. Âu Cơ nói: “Thiếp vốn người đất Bắc, cùng ở một nơi với Quân, sinh ra được một trăm con trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng, một mình vò võ…”
Lạc Long Quân nói: “Ta là loài rồng sinh trưởng ở Thủy tộc, nàng là giống Tiên sống ở trên mặt đất, vốn chẳng như nhau. Tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con trai về Thủy Phủ phân trị các xứ, năm mươi con trai theo nàng ở trên mặt đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau”.
Phân chia bờ cõi và dựng lập đất nước
Trăm trai đều theo mệnh, rồi mới từ giã ra đi. Âu Cơ cùng năm mươi người con ở lại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người con trai trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang.
Về bờ cõi của nước thì đông giáp Nam Hải (Biển Đông), Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam đến Hồ Tôn Tinh (nước Chiêm Thành), chia trong nước ra làm 15 bộ là : Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Trường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quân, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng Võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương.
Dân khi ấy ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối. Đất nương khi ấy trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, gác cây làm nhà để tránh hổ và lang sói, cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm, nhà có người chết thì giã gạo để hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp, trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, vì thời đó chưa có sự tích trầu cau.
Câu chuyện về nguồn gốc người Việt nghe có vẻ huyền hoặc và được lưu truyền qua bao đời, nhưng nó lại được đưa vào một trong những tác phẩm chính sử hoàn thiện nhất của nước Nam. Xin được kết lại bằng lời Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
“Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là dòng dõi Bàn Cổ. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: ‘Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh’. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi.
Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh Trời.
Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu dòng dõi Thần Nông là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái gốc đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”.
Tuệ Tâm (t/h)