Colombia: Hàng trăm ngàn người tổng đình công phản đối chính phủ
Hàng trăm ngàn người Colombia đã cùng nhau diễn hành vào ngày 21/11 để thể hiện sự phản đối chính phủ, từ sự bất bình đẳng kinh tế cho đến tình trạng bạo lực đang giết hại các nhà hoạt động xã hội, gây ra sự bất ổn tại quốc gia Nam Mỹ này.
Những người đã nghỉ hưu, học sinh, giáo viên,… đã tham gia tuần hành trên khắp đất nước Colombia. Bất chấp cơn mưa xối xả, hàng ngàn người biểu tình đã đổ về thành phố lịch sử Plaza de Simón Bolívar, vừa diễn hành vừa hát quốc ca. Cảnh sát ước tính khoảng 207.000 người tham gia diễn hành trong ngày 21/11.
Ban đầu, cuộc diễn hành vẫn chưa xảy ra biến cố gì lớn ngoài một vài đụng độ nhỏ. Đến khi cảnh sát chống bạo động bắn đạn hơi cay vào người biểu tình, họ đã ném gạch, đá đáp trả lại.
Khi mưa tan, nhiều cuộc đối đầu tiếp tục nổ ra cho tới đầu buổi tối, các vụ nổ đã xảy ra trên toàn thành phố. Cảnh sát tiếp tục bắn đạn hơi cay vào Plaza de Simon Boliva, nơi người biểu tình đang tụ tập và chiến đấu với cảnh sát.
Được biết, những người biểu tình đã phẫn nộ trước sự chậm chạp của chính phủ trong việc thỏa thuận hòa chiến với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (Farc). Hiệp ước hòa chiến đã chấm dứt 5 thập kỷ nội chiến khiến 260.000 người thiệt mạng và buộc hơn 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Mặc dù tình trạng bạo lực đã thuyên giảm sau khi thỏa thuận được ký vào năm 2016. Tuy nhiên, hàng trăm các nhà lãnh đạo cộng đồng và hoạt động nhân quyền tại quốc gia này vẫn tiếp tục bị đe dọa, bị tấn công và sát hại.
Những người biểu tình nói rằng chính quyền Tổng thống Ivan Duque đã không làm gì để bảo vệ các nhà lãnh đạo xã hội và người dân bản địa. Được biết, mức ủng hộ ông Duque đã giảm xuống 26%.
Các nhà lãnh đạo cộng đồng và hoạt động xã hội tại Colombia có chung các mục tiêu là bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác trái phép, phản đối quyết liệt sự hiện diện của các nhóm vũ trang và kiên quyết xóa bỏ nguồn gốc của cocain là cây coca. Các tổ chức nhân đạo quốc tế lo ngại rằng họ đang phải chịu rủi ro rất lớn từ các nhóm vũ trang vẫn còn đang hoạt động mạnh tại quốc gia này.
Sự giận dữ của người dân bị châm ngòi sau khi chính phủ thực hiện một cuộc không kích gần đây vào một trại của những kẻ buôn bán ma túy khiến 8 trẻ vị thành niên thiệt mạng.
“Chúng tôi sống ở một đất nước giết chết trẻ em, giết chết các nhà lãnh đạo xã hội, cùng với một chính phủ chống lại hòa bình. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải thay đổi. Chúng tôi không thể tiếp tục sống như thế này”, cô Alexandra Guzmán, một nữ doanh nhân đang thuê các cựu thành viên Farc làm việc tại xưởng sản xuất đồ nội thất của mình nói.
Và cũng như ở Chile, quốc gia Nam Mỹ này đã bị sa lầy trong các cuộc biểu tình, với những bất ổn và bất bình đẳng kinh tế.
“Không có nền kinh tế đang phát triển như ông Duque và bạn bè của ông ta nói. Chỉ có lợi nhuận của các chủ ngân hàng đang tăng lên, điều đó có nghĩa là họ đang làm cạn kiệt nền kinh tế,” ông Gustavo Petro, một thượng nghị sĩ phe đối lập, người đã chống lại ông Duque trong nhiệm kỳ tổng thống năm ngoái, đăng trên Twitter trước khi cuộc tuần hành diễn ra.
“Tôi tham gia diễu hành vì thế hệ của tôi cần một khoản trợ cấp khi chúng tôi già đi. Chúng tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình”, María Rodríguez, một sinh viên đang diễu hành cho biết.
“Đã đến lúc rồi! Không thể để xảy ra giống như vậy thêm nữa – dối trá, tham nhũng. Chúng tôi ở đây để chiến đấu”, sinh viên y khoa Julio Contreras, 23 tuổi, nói.
Video: Người biểu tình đụng độ cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Bogota, Colombia ngày 21/11/2019
Colombia là một quốc gia Nam Mỹ với gần 50 triệu dân, có biên giới giáp các nước Venezuela, Brazil, Ecuador, Peru, Panama. Quốc gia này có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Mỹ Latin với dầu mỏ là nguồn xuất khẩu chính.
Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Colombia, dù kinh tế Colombia phát triển nhanh hơn so với hầu hết các nước khác trong khu vực, nhưng những vấn đề như: tỷ lệ thất nghiệp 10,2%, trợ cấp hưu trí thấp cộng với việc hơn 300 nhà hoạt động nhân quyền bị các nhóm tội phạm tấn công và giết hại từ năm 2016 đã khiến người dân dần trở nên bất mãn với chính phủ.
Thiện Thành (t/h)