Cô ơi ba mẹ con đâu rồi?
Khi bạn thấy mình không may mắn, cuộc sống bất công và mọi thứ dường như tại sao lại không theo ý mình, có lẽ bạn sẽ thay đổi suy nghĩ và sống tích cực hơn sau khi đọc câu chuyện dưới đây.
Tôi viết ra câu chuyện có thật được một người bạn kể lại, một mảnh đời rất bi ai khiến người ta không khỏi tắc lưỡi mà thở dài: “Đời là bể khổ, đúng thật là đoạn trường” khắc khổ.
Chuyện kể về một vùng quê, 2 vợ chồng nghèo có một đứa con gái (bé Lạc Lạc), cháu chỉ mới tầm 4 hay 5 tuổi gì đó. Cuộc sống vốn không khá giả, và hạnh phúc của họ cũng không kéo dài được bao lâu, một hôm bỗng dưng con gái đổ bệnh nặng, như bao nhiêu bậc cha mẹ khác. Không suy nghĩ nhiều, họ tức tốc đưa con đi bệnh viện ngay.
Đến bệnh viện, sau khi cấp cứu, chụp hình và xét nghiệm tổng thể, hai vợ chồng như chết lặng khi nghe bác sĩ báo tin rằng con gái bị tổn thương gan, ngũ tạng của cháu cũng bị ảnh hưởng, cần lập tức làm phẫu thuật ngay.
Cùng với hoảng loạn tinh thần vì tin quá sốc, hai vợ chồng không biết làm thế nào để cứu con gái của mình, vì tiền còn không đủ để trả cho các xét nghiệm vừa mới làm lúc nhập viện. Hai vợ chồng ngồi xuống cạnh giường bệnh con gái, nhìn Lạc Lạc đáng thương trong nước mắt, rồi họ lại nhìn nhau mà không ai nói gì cả.
Sáng hôm sau, khi y tá đến thăm Lạc Lạc, và hỏi về việc chuẩn bị làm phẫu thuật cho bé thì không thấy hai vợ chồng đâu cả, chỉ thấy đứa bé nằm đó với một tờ giấy xé vội, viết vội“làm ơn hãy cứu con tôi”. 2 vợ chồng đã bỏ con của họ ở lại và mất tích.
Việc này làm dấy lên rất nhiều luồng ý kiến, có người oán trách rằng họ không còn nhân tính khi bỏ rơi đứa con đang nguy kịch của mình. Cũng có người thông cảm và nói rằng họ không còn cách nào khác, vì họ quá túng quẫn, vì quá nghèo,…..nhưng rốt cuộc thì đó là đứa con dứt ruột sinh ra, tại sao lại……rất nhiều lời bàn tán, chỉ trích, oán trách, thông cảm,…vv. Suy cho cùng thì tội nhất vẫn là Lạc Lạc.
Vì tính nguy kịch của căn bệnh, các bác sĩ và bệnh viện vẫn quyết định tiến hành phẫu thuật cho đứa bé không may mắn này. Hằng mấy tiếng đồng hồ trôi qua, cháu được đưa ra khỏi phòng phẫu thuật và chuyển đến phòng hồi sức, chăm sóc đặc biệt. Sự việc rất nhanh chóng được cánh báo chí hay tin, họ cũng viết rất nhiều về trường hợp của Lạc Lạc.
Sau khi tỉnh lại, Lạc Lạc ngây ngô hỏi cô y tá rằng: “Cô ơi ba mẹ con đâu rồi?”, xót trước hoàn cảnh của một đứa bé còn quá non nớt, y tá không biết nói gì ngoài 1 câu an ủi, “ba mẹ bận việc, con ở đây ngoan nhé, rồi ba mẹ sẽ nhanh quay lại thôi”.
Lạc Lạc gật gật đầu và đáp: “Dạ”.
Giờ thăm bệnh của bệnh viện là tầm 4- 5 giờ chiều, bên trong rất nhiều đứa trẻ đều quay mặt hướng về cánh cửa phòng, ánh mắt các em lộ rõ hẳn niềm mong đợi, đó chính là mong đợi người thân đến thăm mình trong thời gian ngắn ngủi này, Lạc Lạc cũng như vậy, cháu quay về hướng cửa và nhìn chăm chăm vào đó. Đến giờ được thăm bệnh, ánh mắt mong mỏi của các đứa trẻ nhanh chóng hiện ra niềm vui khi thấy ba, mẹ hoặc người thân đến thăm mình.
Người đã vào hết, Lạc Lạc vẫn nhìn về hướng cánh cửa đã mở, em không thấy ai bước vào nữa, nét buồn lộ rõ trên khuôn mặt hốc hác do bệnh tật, em lấy tay lay nhẹ chiếc áo trắng của cô y tá và hỏi: “Cô ơi có ai đến thăm con không?”.
Câu chuyện trên được cô y tá kể lại, và phóng viên đã tường thuật trên báo in hằng ngày.
Ngay sau khi câu chuyện của Lạc Lạc được đăng trên báo, rất nhiều mạnh thường quân đã quyên góp giúp đỡ tài chính, với hy vọng mong Lạc Lạc có thể vượt qua hoàn cảnh này.
Hôm sau đến giờ thăm bệnh, ba mẹ cháu vẫn không xuất hiện, nhưng có 1 người phụ nữ, nhìn rất vội vã, cô đứng bên ngoài cánh cửa sổ gần giường bệnh của Lạc Lạc vẫy tay chào em. Lạc lạc lộ rõ vui mừng mặc dù không biết cô ấy là ai, có lẽ cháu vui vì ít ra cũng có người quan tâm đến mình.
Một lúc sau, y tá hỏi chuyện mới hay, người phụ nữ này không quen biết gì Lạc Lạc cả.
“Tôi bán hàng rong cách bệnh viện hơi xa, tôi hay nhặt báo đọc muộn (nghĩa là sáng người ta mua báo đọc, xong thì bỏ đi gần nơi cô ấy hay ngồi bán, cô vẫn hay đọc báo như vậy), hôm qua thấy câu chuyện của con bé Lạc Lạc, tôi thấy thương nó quá. Tôi không có nghĩ ba mẹ nó thế nào, chỉ tội cho đứa bé”. Người phụ nữ nói.
“Bữa nay tôi tranh thủ nghỉ bán sớm để vô cho kịp giờ thăm con bé, hỏi thăm mới biết là con bé nằm ở đây, tôi sợ con bé không biết mình là ai nên đứng đỡ ở ngoài này thôi”.
Y tá hỏi: “Cô tới đây bằng gì, rồi cô nghỉ bán buổi chiều như vầy rồi làm sao?”
“Tôi đi bộ, bán hàng rong mà cô, mấy chục năm nay quen rồi. Nhiều lúc tôi thấy số mình sao mà khổ, nhưng khi biết chuyện của Lạc Lạc, tôi thấy thật là tội nghiệp, nên thôi kệ, nghỉ bán vài tiếng đồng hồ cũng có chết ai đâu, tới đây làm cho con nhỏ nó vui”, bà nói mà rơm rớm nước mắt.
Câu chuyện cô bán hàng rong đến thăm Lạc Lạc cũng được tường thuật trên báo. Ngay ngày hôm sau tầm giữa trưa thì ba mẹ của Lạc Lạc xuất hiện, không ở đó mấy hôm nhưng dường như họ biết tất cả mọi chuyện đang xảy ra, họ gần như quỳ xuống van xin bác sĩ và bệnh viện, xin lỗi vì không nên làm như vậy, nhưng họ nói rằng họ không biết làm sao, nếu bồng con về thì nhất định Lạc Lạc sẽ không qua khỏi, họ cầu xin được ở lại chăm sóc cho con gái.
Mọi người đều thông cảm, hơn nữa mấy ngày qua rất nhiều người đã quyên góp để giúp đỡ tài chính, vấn đề là tình trạng của bé quá nặng, sức khỏe thì quá yếu. Nói đoạn xong, tất cả đều dành thời gian để chăm sóc cho Lạc Lạc, mong em sớm hồi phục.
2 ngày sau, do sức khỏe quá yếu, Lạc Lạc đã không qua khỏi, ít ra thì trước lúc ra đi, cháu cũng nằm trong vòng tay của ba mẹ, vậy là kết thúc một sinh mệnh ngắn ngủi. Còn nhớ hôm đó là một ngày mây nhiều, trời trong xanh nhưng nơi đây lại mang một nỗi buồn của sự mất mát.
Viết lại câu chuyện này, tôi vẫn còn cảm thấy một dư vị nào đó trong tâm, thoáng nghĩ trong đầu rằng, mỗi người một kiếp sống, dài hơn hay ngắn hơn thì cũng chỉ bất quá là mấy chục năm.
Tôi chợt nhận ra rằng đời người rất vô thường, nhân sinh vốn dĩ quan trọng ở chất lượng chứ không phải ngắn dài. Hãy biết trân quý cuộc sống của mình, trân quý mọi người xung quanh, vì chẳng ai biết họ sẽ ở bên chúng ta đến bao giờ….. Có lẽ như thế bạn sẽ cảm thấy cuộc đời bớt đi đau khổ, không cảm thấy bất bình mà lại an hòa trong tâm.
Việt Anh