Cổ nhân đoán mệnh: Nhìn tướng mặt có thể biết được tương lai
Nhân tướng học đã được thực hành ở phương Đông từ rất xa xưa. Rất nhiều người tinh thông tướng thuật, chỉ nhìn qua tướng mạo là có thể đoán biết được số mệnh trong tương lai của một người chuẩn xác phi thường.
Thuật đoán tướng của Viên Khách Sư
Vào triều đại nhà Đường có một cao nhân thuật số mệnh lý tên là Viên Thiên Cang, người đời vẫn gọi ông là đệ nhất phong thủy của Trung Hoa. Viên Thiên Cang có một người con trai tên là Viên Khách Sư. Viên Khách Sư sau này cũng kế thừa sự nghiệp của cha mình, chuyên xem tướng đoán số mệnh cho người khác. Những lời tiên đoán của ông về số mệnh tương lai của một người đều vô cùng linh nghiệm và chuẩn xác.
Vào năm Hiển Khánh dưới thời Hoàng đế Đường Cao Tông, Viên Khách Sư nhờ có tài về tướng thuật và văn chương nên đã được vào Hoàng cung phò tá Hoàng đế. Một hôm, Hoàng đế Đường Cao Tông cho một con chuột vào trong chiếc hộp bằng bạc rồi bảo mấy vị quan viên và một số thầy tướng đoán xem bên trong có gì.
Những vị thầy tướng này đều nói rằng ở bên trong chiếc hộp ấy có một con chuột. Nhưng Viên Khách Sư lại nói rằng: “Ở bên trong chiếc hộp đúng là chuột. Nhưng lúc Hoàng đế bỏ vào thì là một con, khi lấy ra lại là bốn con”.
Khi Hoàng đế mở hộp ra, quả nhiên ở bên trong có bốn con chuột. Nguyên lai là con chuột kia đã sinh ra ba con chuột con, vì vậy mà tổng cộng là bốn con.
Lần sau, Viên Khách Sư có dịp đồng hành cùng với một vị thư sinh qua sông. Lúc lên thuyền, ông nhìn khí sắc của tất cả mọi người trên thuyền một lượt rồi nói với bạn đồng hành rằng: “Đừng đi vội!”
Thế là hai người lại dắt nhau lên bờ. Khi người bạn còn không hiểu gì thì Viên Khách Sư nói nhỏ rằng: “Ta nhìn mấy chục người trên thuyền, dưới mũi của họ đều có khí đen, nên không lâu nữa họ sẽ gặp đại nạn. Nếu đã biết trước rồi thì hà tất gì chúng ta phải đi cùng?”
Một lát sau, khi thuyền chưa rời đi thì có một vị khách nam, thần sắc sáng ngời và cao quý khác người đi đến, một chân bị tật, mang theo hành lý, đang vội vã dắt con lừa lên thuyền. Viên Khách Sư nhìn thấy người này lên thuyền thì nói với bạn đồng hành: “Bây giờ chúng ta có thể đi được rồi. Có quý nhân ở trên thuyền, không cần phải lo lắng!”
Sau khi họ lên thuyền thì thuyền rời bến. Lúc đến giữa dòng thì gió lớn và sóng cuộn dâng dữ dội. Mặc dù tình huống vô cùng nguy hiểm, ai cũng đều sợ hãi nhưng cuối cùng tất cả đều bình an qua sông. Viên Khách Sư đến hỏi người đàn ông cưỡi lừa đó thì mới biết ông chính là Lâu Sư Đức.
Về sau này, Lâu Sư Đức đảm nhiệm chức quan Nạp Ngôn, tiếp quản tỉnh Môn Hạ. Sau đó, Lâu Sư Đức lại trở thành tể tướng, một trong ba người đảm nhận trọng trách quan trọng, nắm quyền hành trong triều đình bấy giờ.
Viên Khách Sư thực sự có tài dự đoán chuẩn xác phi thường. Ông không chỉ đoán trước được đại nạn sắp xảy đến qua việc xem tướng của những vị khách trên thuyền, mà ông còn biết được Lâu Sư Đức là người có mệnh lớn, đức lớn, chấm dứt được tai ương. Chính vì có mệnh lớn, đức lớn mà sau này Lâu Sư Đức đã trở thành vị tể tướng được người đời kính trọng.
Nhìn tướng mặt biết tương lai
Lại có một câu chuyện khác về Viên Thiên Cang khi ông còn sống ở Lạc Dương, kể rằng: Lúc Viên Thiên Cang mới tới thành Lạc Dương, sau khi đã sắp xếp ổn thỏa chỗ ở tại đây thì trong nhà ông lúc nào cũng rất đông người đến chơi. Bất luận là những vị quan lớn, sự nghiệp hiển vinh trong triều đình hay là nhân sĩ các cấp trong xã hội đều thường xuyên lui tới đây.
Lúc ấy ba người là Đỗ Yêm, Vương Khuê, Vi Đĩnh đều đến gặp Viên Thiên Cang để nhờ ông xem tướng cho. Viên Thiên Cang nhìn Đỗ Yêm rồi nói: “Vị quan này, bên trái mũi đầy đặn rõ rệt, gương mặt phóng khoáng”.
Ông lại nhìn Vương Khuê và nói: “Vị quan này có đường nối từ hai cánh mũi xuống khóe miệng thẳng và rõ nét, hơn nữa, thiên đình và địa các thẳng nhau. Cho nên, từ hiện tại mà đoán thì nội trong mười năm có thể làm đến chức quan ngũ phẩm”.
Sau đó, Viên Thiên Cang lại nhìn Vi Đĩnh và nói: “Vị quan nhân này có khuôn mặt với đường nét và góc cạnh rõ ràng, nhất định sẽ có quý nhân trợ giúp. Lúc mới đầu sẽ nhậm chức quan võ”.
Sau rồi, ông mới nói với Đỗ Yêm rằng: “Sau hai mươi năm nữa, ta e rằng ba vị hiền sĩ sẽ đồng thời bị trừng phạt, bị cách chức. Nhưng mà điều này chỉ là tạm thời thôi, rất nhanh chóng các vị lại được triệu hồi và trả lại địa vị”.
Không lâu sau, Đỗ Yêm được lên chức quan Ngự Sử. Trong năm Đường Cao Tổ Vũ Đức, Đỗ Yêm lại làm chức Thiên sách phủ binh tào. Vương Khuê nhậm chức Trung doãn, thuộc hạ của Thái Tử. Vào những năm cuối triều nhà Tùy, Lý Thế Dân cũng tiến cử Vi Đĩnh.
Năm thứ sáu niên hiệu Vũ Đức, ba người họ đều bị đi đày, lưu vong đến Tuyển Châu. Lúc ba người đến địa phận Ích Châu gặp Viên Thiên Cang, Đỗ Yêm vừa khóc vừa nói: “Những lời mà Viên Công nói lúc ở Lạc Dương, tất cả đều đúng hết giống như là Thần linh báo trước vậy. Tình huống bây giờ như thế này, xin ngài hãy xem tướng cho chúng tôi một lần nữa đi!”
Viên Thiên Cang nói: “Cốt pháp của các vị còn lớn hơn cả lúc trước rất nhiều, nên không lâu nữa các vị sẽ được trở về, cuối cùng nhất định sẽ được hưởng thụ vinh hoa phú quý!”
Đến tháng 6 năm thứ chín niên hiệu Vũ Đức, ba người đều được triệu hồi trở về kinh thành. Khi trở về họ lại đi qua Ích Châu, ba người lại đến thăm Viên Thiên Cang.
Viên Thiên Cang nói: “Đỗ Yêm về kinh thành sẽ được làm quan Tam phẩm, tuổi thọ thì ta không biết. Hai vị Vương Khuê và Vi Đĩnh sau này làm đến quan Tam phẩm và đều trường thọ. Nhưng đến lúc tuổi cao thì con đường làm quan không rộng mở nữa, Vi Đĩnh thì sẽ nổi bật hơn một chút”.
Đỗ Yêm trở về kinh thành thì được trao tặng Ngự Sử đại phu, kiểm soát Lại bộ thượng thư. Vương Khuê không lâu thì nhậm chức Thị trung, làm quan Thứ sử ở Đồng Châu. Vi Đĩnh nhiều năm làm quan Thứ Sử ở Mông Châu, thậm chí khi chết ông vẫn đang đương chức. Hết thảy những điều này đều đúng như lời mà Viên Thiên Cang đã tiên đoán trước đó.
Hết thảy những điều này đều khiến không ít người nghi ngờ rằng, phải chăng số mệnh của con người là đã được định sẵn từ trước?
Theo Trithucvn