Cổ nhân: Dĩ hòa vi quý – Một chữ “Hòa” có thể nhìn thấu thịnh suy đất nước, chân ngụy đúng sai
Trong truyền thống văn hóa Trung Hoa, nội hàm của chữ “Hòa” rất phong phú. Giữa người với người hay giữa các quốc gia với nhau, phải có sự “hòa hợp”; giữa con người với thiên nhiên cũng phải nhấn mạnh đến “Hòa”. Xem trọng “Hòa” luôn là đạo đức truyền thống rất được người Trung Quốc tôn trọng.
Ban đầu, “hòa” có nghĩa là hòa thuận cân đối. Đối với con người mà nói, chính là phải rộng rãi, cởi mở, cương nhu vừa phải; đối với đoàn thể chính là phải sống chung với nhau một cách yên bình, hòa thuận.
Trong sách “Thượng thư – Nghiêu điển” có miêu tả cảnh thiên hạ thái bình dưới thời Nghiêu và Thuấn.
Lúc bấy giờ, người dân sống với nhau hòa thuận, trăm họ an cư lạc nghiệp, có thể nói là “Nhật xuất nhi tác, nhật lạc nhi tức”, nghĩa là mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn ta cùng nghỉ ngơi.
Đây cũng chính là một xã hội lý tưởng của Nho gia. Và để một xã hội như thế được tạo thành thì tất nhiên phải phụ thuộc vào “hòa”. Gia đình hòa thuận, trăm quan hòa thuận, dân tộc hòa thuận, như thế thì thiên hạ mới thái bình. Mà muốn “nhân hòa”, thì mọi người bắt buộc phải có ý thức, tuân theo các chuẩn mực xã hội chung và đạo đức xã hội.
Cổ nhân có câu: “Khắc minh tuấn đức”, cũng chính là nhấn mạnh đến dùng tài trí, và đạo đức để thu phục lòng người.
Khổng Tử nói: “Lễ chi dụng, hòa vi quý” – (Luận ngữ • Học Nhi), tức là tác dụng của lễ, chính là lấy “hòa” làm cảnh giới cao nhất. Việc xây dựng các chuẩn mực xã hội khác nhau cũng giúp thúc đẩy sự hài hòa giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên.
Nhưng Khổng Tử cho rằng “hòa” không phải là không có nguyên tắc. Ông nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” – (trích Luận Ngữ • Tử Đường). Khổng Tử đã chỉ ra sự khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân trong cách giao tiếp, ứng xử.
Người quân tử vừa có chính kiến, vừa có thể khoan dung, đối xử hòa nhã, hòa thuận với người khác, đây chính là “Hòa nhi bất đồng”. Còn kẻ tiểu nhân thì dễ bị người khác ảnh hưởng, nói gì nghe nấy, a dua nịnh nọt, nhưng một khi xuất hiện mâu thuẫn về lợi ích thì liền không thể cùng người khác chung sống hòa hợp. Đây chính là “Đồng nhi bất hòa”.
Nói đến “hòa”, nhiều người dễ dàng liên tưởng đến một câu nói của Mạnh Tử: “Thiên thì bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”, nghĩa là “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà”. Đây là điều mà Mạnh Tử đã nói khi đàm luận về chiến tranh.
“Nhân hòa” là điều mà ai cũng mong muốn, chính là nội bộ đoàn kết. Mạnh Tử từng nói về triết lý chính trị khiến cho thiên hạ thái bình chính là: “Dữ dân đồng lạc”, nghĩa là “Cùng vui với nhân dân”. Ông nói: “Lạc dân chi lạc giả, dân diệc lạc kỳ lạc; ưu dân chi ưu giả, dân diệc ưu kỳ ưu”, nghĩa là “Vui sự vui của dân, thì dân cũng vui sự vui của mình; lo sự lo của dân, thì dân cũng lo sự lo của mình” – (trích Mạnh Tử • Tương Huệ Vương Hạ).
Vị vua anh minh luôn cùng dân đồng cam cộng khổ, trong tâm luôn nghĩ đến muôn dân bách tính, như vậy mới được lòng dân, người người ủng hộ.
Cổ nhân cũng để lại rất nhiều lời răn dạy sâu sắc về cách đạt được sự hài hòa, hòa hợp trong việc đối nhân xử thế.
“Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ. Quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt” – (trích Trang Tử • Sơn Mộc). Nghĩa là tình bạn của bậc quân tử tuy đạm bạc nhưng lâu bền, thân ái; còn tình bạn của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào nhưng dễ dàng đứt gãy.
Có thể thấy, trong con mắt của người xưa, tình bạn của bậc quân tử không hề mang màu sắc thực dụng, mà là trong sáng như ngọc, nhu hòa như nước.
Chúc Di
Theo secretchina.com