Cô gái trẻ nhất đoạt giải Nobel thúc giục thế giới cho trẻ em tị nạn đi học
Malala Yousafzai mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo cho tất cả trẻ em tị nạn có thể tiếp cận nền giáo dục 12 năm, để tránh một thế hệ bị mai một khi toàn cầu đang phải đối mặt với số lượng người di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2.
Biện pháp đối phó với 21 triệu người tị nạn chính là vấn đề đứng đầu trong chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ 71 của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng 9. Tại kỳ họp này Malala phát biểu rằng, giáo dục rất quan trọng khi rất nhiều trẻ em, lớn hơn bao giờ hết, đã phải nghỉ học để đi tị nạn với người thân.
Yousafzai, hiện 19 tuổi, đoạt giải Nobel vào năm 2014 khi được công nhận trước cuộc vận động quyền được đi học của trẻ em của cô. Năm 2012, cô được đưa đến bệnh viện ở Birmingham, Anh để điều trị sau khi bị các tay súng Taliban bắn vào đầu và cổ trong cuộc ám sát ở Tây Bắc Pakistan, nơi cô và cha thúc đẩy giáo dục cho bé gái bất chấp sự đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo.
Cố gái trẻ nhất đoạt giải Nobel này đang gửi báo cáo tới quỹ Malala, do cô và cha cô thành lập, đề xuất một khuôn khổ mới duy trì quyền được giáo dục cấp trung học giống như Công ước năm 1951 về người tị nạn đảm bảo tất cả trẻ em được hưởng giáo dục cấp tiểu học.
Trong năm 2015, có 11 triệu người tị nạn dưới 18 tuổi, chiếm 51% trên tổng số người tị nạn, tăng từ 41% của năm 2009. Trong khi đó, thời gian sống lưu vong trung bình của người di cư là 20 năm, cao gấp đôi so với năm 1980, dẫn đến tình trạng gần 80% thanh thiếu niên tị nạn bỏ học, theo báo cáo.
Yousafzai cho biết, tình hình đặc biệt khó khăn với các bé gái tị nạn, đối tượng ít khả năng được học hơn nam giới.
“Tôi đang học năm cuối trung học và khi tưởng tượng cảnh những đứa trẻ bỏ học sau khi tốt nghiệp tiểu học và những thiếu nữ kết hôn khi đang trong độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường, nó khiến tôi lo lắng“, Yousafzai nói. “Vì họ nghỉ học quá sớm khiến họ thậm chí không thể đi xa hơn trong cuộc sống và có thể đến trường đại học hay đạt được ước mơ của mình“.
Hiện Yousafzai đang kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp 2,9 tỷ USD đến năm 2019 cho Quỹ giáo dục khẩn cấp Education Cannot Wait (Giáo dục không thể chờ đợi) để hỗ trợ 25 triệu trẻ em dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, bao gồm cả những người tị nạn.
“Giáo dục rất quan trọng. Tôi hiểu điều đó, bạn cũng hiểu điều đó, tất cả chúng ta đều hiểu điều đó nhưng khi các nhà lãnh đạo thế giới ra quyết định, họ hoàn toàn bỏ qua nó, như thể họ không hiểu biết và mù tịt về nó“, Yousafzai nói. “Họ nên hiểu điều này bởi vì họ muốn con của mình để đi đến các trường đại học và có được một nền giáo dục chất lượng“.
Iris, theo AP