Cô gái Malaysia bị bỏng 60% cơ thể vì nghe điện thoại tại cây xăng
Một phụ nữ ở Malaysia bị bỏng tới 60% cơ thể vì nhận cuộc gọi khi đang đổ xăng tại một trạm xăng ở Setapak dẫn đến nổ điện thoại.
Các nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy người phụ nữ 25 tuổi, nói chuyện điện thoại trong xe ô tô vào khoảng 13h25 chiều 28/6 tại trạm xăng ở Taman Setapak Indah.
Sau đó, một nhân viên tại cây xăng nhìn thấy khói bốc lên ở ghế sau xe và chạy đến. Khi mở cửa xe ra, anh thấy một làn khói dày đặc bốc ra. Anh và những người khác tìm thấy người phụ nữ bất tỉnh ở ghế sau xe.
Trước đó, trong lúc đang bơm xăng thì chuông điện thoại reo, người phụ nữ này đã gác cần bơm xăng và di chuyển ra ghế sau nghe điện thoại, đồng thời đóng cửa. Ở nhiều nước, khách hàng tự bơm xăng.
Nhân viên cứu hỏa thành phố Samsol Maarif Saibani cho biết, các kiểm tra ban đầu cho thấy không có hỏa hoạn xảy ra sau vụ nổ.
“Khi đến hiện trường khoảng 10 phút sau đó, chúng tôi thấy nạn nhân bị bỏng khoảng 60% cơ thể“, ông nói với tờ The Star Online. “Nguyên nhân của vụ nổ có thể là do nạn nhân đã sử dụng điện thoại di động khi đang đổ xăng“, ông nói.
Vì sao không được nghe điện thoại ở cây xăng?
Tiến sĩ Lê Tiến Thường, giảng viên bộ môn Viễn thông thuộc Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, sóng điện từ phát ra từ điện thoại di động (ĐTDĐ) rất thấp, chỉ ở mức vài milliwatts (mW).
Tuy nhiên, khi ĐTDĐ hoạt động (nhận cuộc gọi đến hoặc gọi đi) thì sóng này phát ra mạnh gấp hàng chục lần trạng thái bình thường và tạo ra trường điện từ bức xạ. Đặc biệt, ĐTDĐ phát sóng điện từ càng mạnh khi ở xa trạm gốc liên lạc (đặt rải rác trong thành phố).
Nếu ở môi trường không khí bình thường thì không có sự nguy hiểm nhưng ở các trạm xăng sẽ có nguy cơ cháy nổ cao. Tại đây, trong quá trình bơm xăng, một phần xăng sẽ bốc hơi và khuếch tán trong không khí hình thành những “đám mây” hơi xăng chứa các ion điện tạo ra môi trường điện từ rất nguy hiểm mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Chính vì vậy, theo tiến sĩ Thường, khi người dùng nghe điện thoại gọi tới hoặc gọi đi ở trạm xăng sẽ vô tình tạo nên sự cộng hưởng từ ngẫu nhiên giữa sóng điện từ của máy và môi trường điện từ của trạm xăng. Sự cộng hưởng từ này xảy ra đột ngột nên tạo tia lửa điện trong tích tắc (giống như hiện tượng sấm chớp trong thiên nhiên). Tia lửa điện này ngay lập tức tác động ngược trở lại ăng-ten của ĐTDĐ làm cháy, nổ ĐTDĐ.
Tiến sĩ Thường chú ý, ĐTDĐ càng có sóng mạnh thì nguy cơ cháy nổ càng cao.
Theo bestie