Cô bé 12 tuổi tạo nên làn sóng cứu “bướm vua” từ việc trồng cây bông tai
Với sự nhẹ nhàng và thanh thoát, những chú bướm chuyển mình từ bông hoa này sang bông hoa khác. Cộng thêm một vẻ đẹp rực rỡ, thật khó để chúng ta không yêu loài vật này.
Bướm không chỉ là loài vật xinh đẹp để ngắm nhìn, mà chúng còn mang đến cho con người nhiều sự kinh ngạc về khả năng của mình. Điển hình như việc thụ phấn cho thực vật giống như ong. Đây được xem là một điều cần thiết để việc trồng trọt và sản xuất lương thực không bị gián đoạn.
Nhưng thật không may, loài bướm vua đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong quá trình di cư xuyên quốc gia, hàng năm chúng bay từ Canada và Mỹ đến Mexico.
Nguyên nhân được xác định là do sự suy giảm của cây bông tai, loài thực vật được bướm vua xem là nơi đẻ trứng lý tưởng. Nó cũng là nguồn thức ăn duy nhất cho sâu bướm.
Thống kê cho thấy, số lượng của bướm vua có sự suy giảm đáng kinh ngạc. Con số này đã lên đến 96,5% trong vài thập kỷ qua. Đây thực sự là một vấn đề nguy hiểm khi xem xét vai trò quan trọng của bướm vua trong việc cân bằng hệ sinh thái của chúng ta.
Và câu chuyện về Genevieve Leroux, 12 tuổi dưới đây sẽ cho chúng ta thấy được 1 điều đáng học hỏi.
“Những chú bướm yêu thích màu sáng, nên cháu luôn luôn mang đến thứ màu sắc tươi sáng mà chúng cần”, cô bé có sở trường chăm sóc bướm ở sân sau và nuôi dưỡng những giấc mơ trong tương lai nói.
Vào 3 năm trước, Genevieve xem được chương trình National Wildlife Federation’s Butterfly Heroes™. Khi này cô bé nghĩ rằng nó thật tuyệt vời. Đó cũng là lý mà Genevieve quyết định chọn mua một gói hạt giống cây bông tai để trồng trong vườn.
Từ đó cô bé bắt đầu tạo ra một khu vườn bướm trong sân nhà ở thành phố San Luis Obispo, bang California.
Cô bé nói rằng: “Cháu luôn luôn yêu thích đàn bướm. Vì vậy khi cháu biết rằng những chú bướm đang gặp rắc rối, cháu muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ chúng”. Chính sự thôi thúc này để dẫn đến một phong trào trong toàn thành phố.
Những hạt giống làm thay đổi hiện trạng
Với sự hỗ trợ từ cha mẹ mình, Genevieve đã biến sân sau thành một thiên đường ba tầng của loài cây bông tai bản địa, cây xô thơm, cúc tím và nhiều cây hoa khác.
Những loài thực vật này đã cung cấp phấn hoa và mật hoa cho bướm, ong, chim ruồi cùng các loài vật khác.
Genevieve còn tạo ra một chiếc cầu vồng đủ màu, cô bé cho biết: “Trong khu vườn có một chiếc cầu vồng sặc sỡ với các màu: Tím, hồng, xanh, cam, vàng. Nó vô cùng sống động và tràn trề sức sống”.
Chiếc cầu vồng đã thu hút rất nhiều con bướm, giúp mở ra các bữa tiệc “rung động”, bữa tiệc được tạo ra từ sự chuyển động của những chú bướm bên hàng trăm bông hoa.
Genevieve nói: “Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng khổng lồ của thằn lằn, rắn, diều hâu, cú và các loại chim ăn thịt khác” và tất cả đều nhờ những khu vườn nhỏ của chúng ta.
Với mong muốn tạo ra một tác động tích cực đối với lũ bướm bằng sân nhà mình, kết hợp nguồn cảm hứng từ cuộc gặp gỡ với ông Jane Goodall, cô bé 12 tuổi bắt đầu một dự án dịch vụ gọi là “Bông tai cho bướm vua” vào năm 2015.
Tại khu vườn ươm và trang trại giống của địa phương, Genevieve đưa hạt giống bông tai cho gia đình và bạn bè của mình.
Ngoài ra, nhà sinh vật học nhí đầy tham vọng này cũng bắt đầu làm việc với các nhà nghiên cứu Cal Poly để gắn thẻ cho các con bướm vua trong sân sau của mình, và kiểm tra xem chúng có bị nhiễm ký sinh trùng Ophryocystis elektroscirrha (OE). Tính tới tháng 4 vừa qua, cô bé đã gắn thẻ cho 75 con bướm vua khác nhau.
>>> Đặt 1 muỗng đường trong sân vườn: Việc nhỏ mang lại lợi ích to
Genevieve thậm chí còn thuyết phục thị trưởng Heidi Harmon khuyến khích thành phố San Luis Obispo (SLO) tham gia vào việc cứu giúp những con bướm vua. Trước lời thỉnh cầu của cô bé, bà Harmon lần lượt gặp gỡ Bob Bill – Giám đốc tài nguyên thiên nhiên của SLO và Tiến sĩ Francis Villablanca – Nhà nghiên cứu đứng đầu nhóm Báo động Bướm vua của Cal Poly (Cal Poly’s Monarch Alert). Họ đã cùng nhau thảo luận và xây dựng các kế hoạch hành động có thể áp dụng cho thành phố.
Vào thời điểm này, Hiệp hội Xerces Society báo cáo rằng số lượng bướm vua di cư của miền Tây bang California suy giảm đến 74%. Do đó, nếu như các biện pháp hỗ trợ không được thực hiện nhanh chóng, loài bướm vua sẽ bị tuyệt chủng trong 20 năm tới.
Nhưng nhờ những nỗ lực của người ủng hộ Genevieve, SLO đã cung cấp một lộ trình di cư cho loài bướm vua hướng về phía Nam, cũng như đem đến cho chúng 39 điểm tập kết riêng biệt.
>>> Khám phá biểu tượng độc đáo của loài bướm trong các nền văn hóa trên thế giới
Bên cạnh đó, cô bé Genevieve cùng thị trưởng Harmon cũng dành nhiều thời gian để giáo dục công dân SLO về lý do tại sao việc bảo tồn loài bướm vua là điều vô cùng quan trọng. Họ còn hướng dẫn công dân thành phố về những việc có thể làm để giúp đỡ loài bướm này.
Mục đích chính của Genevieve là muốn chia sẻ hoạt động của mình với hi vọng rằng: Nó sẽ truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khác, những người muốn giúp đỡ loài bướm vua.
Với tầm nhìn hướng về tương lai, cô bé phát biểu: “Trẻ em có tiếng nói thực sự mạnh mẽ và chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt. Hành động của chúng ta sẽ mang đến cho thế hệ mai sau một thế giới tươi đẹp mà họ có thể bảo vệ”.
Với những đứa trẻ như Genevieve, có vẻ tương lai thật sự rất tươi sáng.
Tú Văn, theo nwf