Chuyên gia: Trung Quốc trục lợi sau vụ việc Malaysia bắn chết ngư dân Việt Nam
Vụ việc Malaysia bắn chết một ngư dân Việt Nam mới đây đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia. Nhiều nhà phân tích cũng đang lo ngại về sự ảnh hưởng của vụ việc tới mối quan hệ giữa các nước ASEAN, và Trung Quốc sẽ đứng đằng sau để trục lợi.
Vào hôm 16/8, cảnh sát biển Malaysia đã bắn chết một ngư dân Việt Nam, sau khi lực lượng tuần duyên của Malaysia tìm cách kiểm tra hai chiếc thuyền của ngư dân Việt Nam được cho là đang đánh bắt cá trái phép ở vùng biển phía đông Kelantan thuộc Malaysia.Phía Malaysia cho rằng 19 ngư dân Việt nam đã có ‘hành động hung hăng’ và ném bom xăng vào họ khi được yêu cầu đầu hàng. Malaysia đã bắn một phát súng cảnh cáo nhưng bị làm ngơ, theo tuyên bố của người đứng đầu lực lượng Bảo vệ bờ biển Kelantan, ông Muhd Nur Syam Asmawie Yaacob.
Vào ngày 18/8, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Malaysia điều tra sự việc và bảo vệ quyền lợi của các ngư dân Việt đang bị phía Malaysia giam giữ.
Ảnh hưởng tiêu cực’ và ‘nỗ lực gây chia rẽ’
Tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, cho rằng “Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn cộng đồng ngư dân của mình”. Ông cũng cho rằng các sự cố như việc này, vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Malaysia – Việt Nam, vừa gây phân tâm trong khi có ‘cá lớn hơn cần phải rán’ – chính là Trung Quốc và các tranh chấp quyền lợi của chính quyền nước này trên Biển Đông.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vụ việc này cho thấy các nước Đông Nam Á cùng có yêu sách trên Biển Đông có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết với nhau.
Ông Koh nói: “Sẽ hữu ích hơn nếu những vấn đề nội bộ ASEAN được giải quyết đúng đắn để thúc đẩy hợp tác trên mặt trận Biển Đông trong tương lai”.
“Nếu không, nó sẽ chỉ góp phần vào tình hiện nay của ASEAN – một khối chứa đầy những khác biệt nội bộ của riêng mình, khiến khối này càng dễ bị tác động trước nỗ lực chia rẽ của Bắc Kinh”.
Bà Hoo Chiew Ping thuộc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia cho rằng: “Đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không báo cáo là một trong những lý do tại sao Malaysia chậm trong việc quản lý an ninh hàng hải khu vực.
Điều quan trọng đối với các nước Đông Nam Á là giải quyết các tranh chấp ngư trường theo phương thức song phương hoặc đa phương nếu khu vực này có nhiều bên tranh chấp. Việt Nam và Malaysia có thể áp dụng cách tiếp cận hòa giải hơn bằng cách đàm phán song phương với nhau để giải quyết vấn đề đánh bắt cá”.
Thomas Daniel, Nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia thì nói rằng, các tàu Việt Nam đang bị các đội tàu đánh cá và tàu thực thi của Trung Quốc “đẩy về phía nam” cũng như do thiếu nguồn cá tại các ngư trường truyền thống của nước này.
Sau khi thông tin được đăng trên mạng xã hội, vụ việc đã thu hút nhiều sự chú ý. Dưới đây là một số bình luận.
- Công Học viết: “Dân thường sao dám đụng độ cảnh sát biển trời”.
- Đức Thịnh bình luận: “Malaysia có 30% dân gốc Tàu và trên thực tế đang dần trở thành tay sai của TQ”.
- Hữu Thọ thì viết rằng: “Đây là điều mà chính quyền Bắc Kinh mong đợi ! Nó là món quà đối vs họ ! Bởi một ASEAN chia rẽ là điều mà Bắc Kinh mong muốn hơn bao giờ hết!”
Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Malaysia cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ không nhân nhượng khi đối mặt với “những hành động quá khích” của ngư dân nước ngoài, và rằng họ đã bắt giữ 43 tàu đánh cá nước ngoài và 487 người Việt Nam kể từ ngày 24/6/2020.
Việt Nam là một trong những nước từ lâu phải chịu đựng lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông của Trung Quốc. Một tàu cá Việt Nam từng bị đâm chìm hồi tháng 4 sau khi va chạm với tàu tuần duyên Trung Quốc.
Lương Phong (t/h)