Chuyên gia cảnh cáo Quốc hội Mỹ: Đài Loan sẽ gặp nguy hiểm kể từ năm 2022
Hôm thứ Ba, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giám sát lực lượng quân đội quốc gia đã bày tỏ quan ngại về sự chuẩn bị của chính quyền Mỹ trước bối cảnh Trung Quốc đại lục xâm lược Đài Loan, một trong những căng thẳng nghiêm trọng nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện về một cuộc xung đột quân sự có khả năng xảy ra, cựu cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster cảnh báo rằng, giai đoạn nguy hiểm nhất đối với Đài Loan là từ năm 2022 trở đi, sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra 5 năm 1 lần.
McMaster là một trung tướng từng làm cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền cựu tổng thống Donald Trump từ năm 2017 đến năm 2018, hiện là thành viên cấp cao tại Viện Hoover của Đại học Stanford. Trong một phiên điều trần trước ủy ban, ông cho biết “Đài Loan là phần thưởng lớn tiếp theo” cho Trung Quốc và là “địa điểm nghiêm trọng nhất” có thể xảy ra cuộc chiến quy mô lớn.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng “ông ấy có đang một cơ hội ngàn năm có một, và theo quan điểm của mình, ông ấy muốn thống nhất Trung Quốc trở lại”, vị cựu cố vấn cho hay, đề cập đến các cuộc đàn áp của chính quyền Bắc Kinh tại Hồng Kông và khu tự trị Tân Cương.
Trung Quốc cho rằng Mỹ nên ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ ở những vùng lãnh thổ này. Vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã khẳng định lại quan điểm này.
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề xoay quanh Đài Loan đã leo thang thành xung đột giữa các quan chức cấp cao lần đầu tiên trong năm nay trong Cuộc khảo sát Ưu tiên Dự phòng (Preventive Priorities Survey) thường niên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, được công bố vào tháng 1 vừa qua. Theo báo cáo được tổng hợp sau khi thăm dò ý kiến của các chuyên gia chính sách đối ngoại của Mỹ, đây là mối nguy hiểm thứ 2 đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực, chỉ sau vụ việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Tại phiên điều trần hôm thứ Ba với tiêu đề “Những thách thức và chiến lược an ninh toàn cầu”, cả hai đảng phái chủ đạo của Mỹ đều đặt ra các nghi vấn về cách Hoa Kỳ nên tiếp cận Đài Loan.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton chỉ ra rằng, động thái của chính quyền Bắc Kinh đối với Đài Loan sẽ tác động đến sự cạnh tranh của các cường quốc về công nghệ tiên tiến. Ông phát biểu: “Nếu Trung Quốc có thể xâm lược và thôn tính Đài Loan, thì họ cũng sẽ nắm trong tay nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới”.
Đài Loan là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm 22% số lượng sản xuất toàn cầu theo số liệu ước tính của Boston Consulting Group vào năm 2020.
Khi được hỏi liệu thay vì thi hành chính sách chiến lược lâu năm đầy mơ hồ, chính quyền Mỹ có nên áp dụng sự minh bạch chiến lược đối với Đài Loan nhằm cam kết sẽ bảo vệ quốc đảo nếu bị Trung Quốc xâm lược hay không, McMaster đã khẳng định chính sách hiện tại là “đầy đủ, đặc biệt là sau khi chúng tôi công khai Sáu điều Đảm bảo” đối với Đài Loan.
Thomas Wright, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Viện Brookings, người có phát biểu tại phiên điều trần, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho biết sẽ “không cân nhắc lại” vấn đề xoay quanh sự mơ hồ chiến lược, đồng thơi nói thêm rằng Hoa Kỳ thể hiện cam kết của mình với Đài Loan và gây khó dễ cho chính quyền Bắc Kinh thông qua động thái của mình.
McMaster cho biết, cả chính quyền cựu tổng thống Donald Trump và chính quyền tổng thống Joe Biden đều đã hành động để giữ đúng cam kết với Đài Loan và gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc.
Ông nói: “Hiện đang diễn ra một nỗ lực nhằm giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ để khiến họ không thể bị xâm hại” trước giai đoạn “hiểm nguy nhất” kể từ năm 2022 trở đi.Vị cựu cố vấn cho biết, điều quan trọng là phải duy trì các lực lượng chung có năng lực trong khu vực, “bởi những gì Trung Quốc đang cố gắng làm là tạo một rào cản tại Biển Đông nhằm khiến chúng ta phải tổn thất, tốn kém rất nhiều khi bảo vệ đồng minh”.
Từ Thức
Theo asia.nikkei.com