Chứng khoán thế giới sụt giảm theo căng thẳng Triều Tiên
Thị trường chứng khoán châu Âu lẫn châu Á tiếp tục diễn biến ảm đạm trong phiên 11/8, do xu hướng bán tháo diễn ra trên thị trường toàn cầu sau những phát ngôn mang tính đe dọa chiến tranh từ Mỹ và Triều Tiên.
Theo hãng tin Reuters, các thị trường chứng khoán của châu Âu đều giảm sau khi kết thúc phiên giao dịch chiều 11/8.
Tại Paris, chỉ số CAC 40 giảm 1,06% (tức mất 54,31 điểm); tại Anh, chỉ số Footsie mất 1,08% và chỉ số Dax may mắn cân bằng. Chỉ số EuroStoxx 50 tổng cộng mất 0,9%, chỉ số FTSEurofirst 300 mất 1,06% và chỉ số Stoxx 600 mất 1,09%.
Tính chung trong cả tuần qua, chỉ số CAC 40 của Pháp mất 2,74% và chỉ số Stoxx mất 2,77%.
Đáng chú ý đây là lần mất điểm nặng nhất ở châu Âu kể từ khi tỉ phú Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng.
“Từng có lúc thị trường đã không phản ứng với những gì diễn ra trên bán đảo Triều Tiên bởi đã quen với kiểu dọa dứ của Triều Tiên. Lần này thì tầm mức có vẻ nâng cao hơn và thị trường không dám liều lĩnh bất chấp nguy cơ” – ông Neil Mellor, phụ trách chiến lược của công ty BNY Mellon, nhận định.
Còn chuyên gia Shane Oliver, phụ trách đầu tư của quĩ AMP Capital, phân tích: “Vụ này xảy ra vào lúc các thị trường cổ phiếu đang chờ cơ hội điều chỉnh và vụ Triều Tiên là một tia lửa mồi hoàn hảo”.
Trong khi đó, một số chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường châu Á đã đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 11/8 do những nguy cơ địa chính trị leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số giá chứng khoán tổng hợp KOSPI đã giảm 39,76 điểm (1,69%), xuống 2.319,71 điểm.
Đây là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của KOSPI sau khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô bán tháo cổ phiếu do lo ngại tình hình tại khu vực Đông Bắc Á với tổng giá trị cổ phiếu bán tháo lên tới 650 tỉ won, tương đương 570 triệu USD.
Đây cũng là mức bán tháo cổ phiếu trong ngày cao nhất của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Hàn Quốc trong 2 năm qua.
Tại thị trường giao dịch Thượng Hải của Trung Quốc, chỉ số Shanghai có một ngày giao dịch mất điểm nhiều nhất kể từ tháng 12/2016. Chốt phiên, chỉ số tổng hợp Shanghai Composite Index giảm 1,63%, còn 3.208,54 điểm.
Sắc đỏ cũng tràn ngập trên các bảng thông báo chỉ số chứng khoán của Hong Kong. Chỉ số Hang Seng chốt phiên 11/8 mất 2,04%, còn 26.883,51 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Tokyo ngày 11/8 đóng cửa giai dịch do nghỉ lễ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á phản ánh rõ ràng tâm lý quan ngại của các nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết sau khi Mỹ và Triều Tiên đang không ngừng thách thức lẫn nhau liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Theo Tuổi Trẻ