Chưa kịp khắc phục hậu quả sau 2 siêu bão kinh hoàng, dân Mỹ phải lo đề phòng lừa đảo
Sau khi hứng chịu cơn cuồng nộ của hai siêu bão Harvey và Irma, nước Mỹ bị thiệt hại nặng nề, nhiều người còn chưa khắc phục được hậu quả thì lại trở thành miếng mồi ngon của những tay “lừa đảo ăn theo bão”.
Những kẻ “săn bão”
Giới lừa đảo ăn theo thảm họa xuất hiện không chỉ khi có bão lũ, mà còn khi xảy ra cháy rừng hay động đất. Thành phần này hoạt động cả trên mạng lẫn ngoài đời thực và thường “hành động rất nhanh, thậm chí trước khi thiên tai kết thúc“, theo Economist.
Chuyện tưởng không thể xảy ra ở nước Mỹ, song thực tế nó phổ biến đến mức sau cơn bão khủng khiếp Katrina hồi năm 2005, Bộ Tư pháp đã phải thành lập Trung tâm quốc gia về lừa đảo trong thảm họa (NCDF).
Sau thiên tai, nhiều người lừa đảo thường đến các vùng bị thiệt hại và chào mời hợp đồng sửa chữa với những người có nhà cửa hư hại do bão, hoặc gạ bán xe “đểu” (nhìn mới nhưng bên trong hỏng hết) cho những người mất xe do lũ quét. Họ thường đòi nạn nhân ứng trước tiền và sẽ biến mất ngay khi được thanh toán.
Tội phạm lừa đảo dạng này được gọi là “những kẻ săn bão” (storm chaser), theo CNN. “Chuyện này xảy ra sau bất kỳ thảm họa nào và chúng tôi nghĩ không có gì khác biệt với trường hợp bão Harvey” – ông Frank Scafidi, người phát ngôn của tổ chức phi lợi nhuận chuyên chống tội phạm trục lợi từ bảo hiểm, nói.
Hàng triệu người ở Texas phải di tản trong bão Harvey và ông Ken Paxton, Tổng chưởng lý bang, đã khuyến cáo người dân cần cảnh giác với “những kẻ xấu chuyên lợi dụng nạn nhân và hoàn cảnh của quý vị” khi bão đã tan.
Văn phòng tổng chưởng lý Texas đã thiết lập đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin về những người lợi dụng sự tàn phá của bão Harvey để lừa đảo và nhận được hơn 3.200 cuộc gọi từ ngày 25/8 đến 7/9, theo Washington Post.
Muôn vạn kiểu lừa
Ngoài gặp gỡ và trực tiếp lừa nạn nhân, một hình thức lừa đảo ăn theo thảm họa khác là gửi email lừa đảo, lập web giả có cài mã độc để kêu gọi quyên góp.
Tội phạm chọn hình thức này thường tổ chức rất quy củ, có hệ thống và luôn “sẵn sàng” từ trước khi thảm họa xảy ra. “Mỗi khi cơ quan khí tượng quốc gia công bố tên các cơn bão trong năm, bọn tội phạm lập tức đăng ký tên miền có liên quan như “Help Harvey” hay “Irma Relief” để lừa đảo sau này” – ông Walt Green, cựu giám đốc NCDF, nói với USA Today.
Đóng góp từ những người thiện tâm thông qua các trang web này sẽ chui thẳng vào túi bọn lừa đảo thay vì đến với các nạn nhân. Ngoài lập trang web, các tay lừa đảo còn gửi email, dụ người muốn giúp đỡ nạn nhân thiên tai click vào đường link đến các trang web giả.
Tương tự, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Mỹ cảnh báo, nhóm lừa đảo cũng gửi email với file đính kèm có mã độc dưới tiêu đề kêu gọi ủng hộ nạn nhân thiên tai.
Ngoài các hình thức kể trên, vẫn còn nhiều cách khác để trục lợi từ nạn nhân thiên tai, theo ông Roy Wright – giám đốc chương trình bảo hiểm lũ lụt thuộc Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ.
USA Today dẫn lời ông Wright cho biết nhiều người ở Texas đã nhận được cuộc gọi tự động (do máy tính phát lời ghi âm sẵn) yêu cầu họ đóng thêm tiền bảo hiểm, nếu không gói bảo hiểm sẽ bị hủy. “Đây là lừa đảo 100%” – ông Wright nói.
Ngoài ra, một số tay lừa đảo có thể đánh cắp thông tin cá nhân của các nạn nhân và làm hồ sơ, nhận tiền hỗ trợ thiên tai trước cả họ.
Cẩn trọng
Những lời khuyên cảnh giác trước tội phạm lừa đảo ăn theo bão dưới đây không chỉ dành riêng cho người Mỹ mà còn có thể áp dụng tại bất kỳ đâu, trong bất kỳ trường hợp nào.
Ông Walt Green khuyên người dân không nên vội ký hợp đồng sửa sang nhà cửa, cũng như đừng chi tiền mặt hay ký séc đặt cọc. Nếu thật sự có nhu cầu, nên ký hợp đồng trả từng phần và thanh toán đủ khi việc sửa chữa kết thúc.
Khi nhận được lời mời quyên góp hoặc dọa cắt bảo hiểm, hãy kiểm tra tên tổ chức, công ty đó trên Internet xem có tổ chức đó thật không.
Khi nhận được mail từ bạn bè, người quen mời quyên góp, hãy gọi thẳng cho người đó để xác minh, phòng khi họ bị mạo danh hay đánh cắp email. Kiểm tra kỹ các đường link trước khi click vào.
Chú ý các web mạo danh lấy tên na ná như thật, ví dụ givetotheredcross.org (giả) so với redcross.org (thật).
Theo Tuổi Trẻ