“Chu Vĩnh Khang lộ âm mưu lật đổ Kim Jong-un làm Jang Song-thaek mất mạng”
GDVN – Toàn bộ quan chức thân Bắc Kinh đã bị Kim Jong-un thanh trừng, nhưng một người đã kịp chạy sang cấp báo tình hình với Trung Nam Hải.
Đa Chiều ngày 22/2 đưa tin, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Chính pháp trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị quy tội “tiết lộ bí mật quốc gia” dẫn đến cái chết bi thảm của Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Triều Tiên Jang Song-thaek, một quan chức cấp cao Bình Nhưỡng thân Bắc Kinh. Có phương tiện truyền thông cho rằng, chính Chu Vĩnh Khang là người tiết lộ mật đàm giữa ông Hồ Cẩm Đào và Jang Song-thaek về việc lật đổ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời Chu Vĩnh Khang cũng định đào tẩu sang Bắc Triều Tiên. Việc này bại lộ khiến ông Kim Jong-un nổi giật, lập tức xử tử người chú rể và quay mặt với Trung Nam Hải. Tuy nhiên Đa Chiều nhấn mạnh rằng nguồn tin này chưa được kiểm chứng, và cũng không được Bắc Kinh hoặc Bình Nhưỡng xác nhận. Nhưng theo một số phương tiện truyền thông ngày 22/2, khi thăm Trung Quốc tháng 8/2012, Jang Song-theak đã mật đàm với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong khoảng 1 giờ mà chỉ có phiên dịch của phía Bắc Kinh. Hai người được cho là đã thảo luận việc để trưởng nam của cố Chủ tịch Kim Jong-il là Kim Jong-nam thay thế người em út Kim Jong-un lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tuy nhiên ông Hồ Cẩm Đào do dự không dám quyết. Do Chu Vĩnh Khang làm lộ việc này, Jang Song-thaek nhánh chóng bị mất mạng. Không những thế, toàn bộ quan chức thân Bắc Kinh đã bị Kim Jong-un thanh trừng, nhưng một người đã kịp chạy sang cấp báo tình hình với Trung Nam Hải. Một chuyện đáng kinh ngạc khác là việc Chu Vĩnh Khang đã từng lên kế hoạch đào tẩu sang Bắc Triều Tiên nhưng không thể thực hiện được. Khi Jang Song-thaek công du Bắc Kinh là lúc Chu Vĩnh Khang tại chức. Ngày 5/12/2014 Chu Vĩnh Khang bị khai trừ đảng tịch và tống giam, trong đó có tội danh tiết lộ bí mật quốc gia. Cho đến nay Bắc Kinh vẫn không công bố Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ bí mật gì. Jang Song-thaek thăm Bắc Kinh ngày 13/8/2012 thì đến ngày 17/8 Hồ Cẩm Đào tiếp ông tại Nhân Dân đại lễ đường. Ngày 8/12/2013 Jang Song-theak bị bắt ngay tại hội nghị Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên mở rộng, 3 ngày sau thì bị tử hình. Đây là lần đầu tiên trong 16 năm qua Triều Tiên xử tử một quan chức cỡ ủy viên Bộ chính trị, ngày 1/12 cùng năm Chu Vĩnh Khang cũng bị bắt.
Truyền thông Hàn Quốc từng cho rằng Jang Song-thaek âm mưu lật đổ Kim Jong-un để “phò Kim Jong-nam” mới bị thanh trừng. Báo chí Anh thì nhẫn nguồn tin giới phân tích Nhật Bản cho biết, việc xử tử Jang Song-thaek khiến ông Tập Cận Bình rất bất mãn đối với Kim Jong-un. Trước đó nhiều lần Bình Nhưỡng đề nghị Bắc Kinh thu xếp để Kim Jong-un thăm Trung Quốc, nhưng liên tục bị Trung Nam Hải khước từ. Phóng viên tờ The Sunday Times của Anh, Michael Sheridan trước đó cho biết, không ít quan chức ngoại giao tin rằng Jang Song-thaek bị thanh trừng có liên quan đến hệ thống tình báo an ninh Trung Quốc. Jang Song-thaek bị xử tử (12/12/2013) chỉ vài ngày sau khi tin tức Chu Vĩnh Khang chính thức bị giam lỏng lộ ra ngoài (5/12/2013). Theo Michael Sheridan, Chu Vĩnh Khang chính là cầu nối giữa Trung Nam Hải với cha con ông Kim Jong-un. Ông Kim Jong-il năm 2010 chính thức chỉ định Kim Jong-un làm người kế vị mình, sau đó tổ chức duyệt binh, Chu Vĩnh Khang là người duy nhất đứng cùng hàng với cha con Kim Jong-il trên lễ đài. Sau đó ông Khang được cho là đã nói với quan khách, ông tin rằng Kim Jong-un là người xứng đáng kế vị. Ở Bình Nhưỡng Kim Jong-un lên nắm quyền thì ở Bắc Kinh cũng là lúc diễn ra chuyển giao quyền lực từ thế hệ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình. Việc Kim Jong-un cho thử hạt nhân lần 3 đã khiến ông Bình bất mãn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên này chưa từng chính thức thăm Trung Quốc, mọi việc trao đổi với Trung Nam Hải đành thông qua Jang Song-thaek và sau này là Choe Ryong-hae. Giới quan sát phỏng đoán, Chu Vĩnh Khang là người ủng hộ Kim Jong-un. Ông Khang bị Trung Nam Hải sờ gáy đã thúc đẩy lãnh đạo Triều Tiên quyết định xử tử Jang Song-thaek cho Bắc Kinh “biết tay”. Ruediger Frank, một chuyên gia vấn đề Bắc Triều Tiên từ đại học Vienna nói với tờ The Guardian của Anh: “Đại khái Kim Jong-un muốn nói với Trung Nam Hải rằng, tôi đã xử lý người của các ông, do đó đừng tiếp tục can thiệp vào công việc của Triều Tiên”. Trong khi đó Michael Sheridan cho rằng trước khi Jang Song-thaek bị hành quyết, ông Tập Cận Bình không biết gì về vụ này. Tờ Los Angeles Times thì nói, Trung Nam Hải dự định công bố tội danh Chu Vĩnh Khang lúc đó, nhưng vì Jang Song-thaek bị hành quyết nên tạm hoãn lại, tránh để dư luận dị nghị bàn tán 2 sự việc này. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam