Chủ quán ăn tự tử trong tuyệt vọng, hàng triệu cư dân mạng rơi nước mắt
Câu chuyện buồn của một chủ quán ăn nhỏ ở Trịnh Châu (Hà Nam) đang trở thành từ khóa tìm kiếm nóng và gây xúc động trên mạng lưới Internet Trung Quốc. Không ít người than thở rằng, đến ông chủ quán ăn còn không cầm cự được, thì dân chúng bình thường biết phải sống sao đây?
Ông chủ một quán ăn nhỏ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam(Trung Quốc) vốn là người siêng năng, tự lực tự cường, không ngờ chỉ trong 2 năm mở tiệm, ông đã gặp phải hàng loạt những thảm họa như tắc đường, dịch bệnh, lũ lụt,… khiến việc kinh doanh của ông gặp khó khăn tứ bề, dồn ông đến bước đường cùng phải tự kết liễu cuộc đời mình, để lại 3 bức thư tuyệt mệnh khiến hàng triệu cư dân mạng rơi nước mắt.
Theo báo cáo của truyền thông Đại lục, ông chủ tiệm cơm này tên là Cổ Tân Cách. Cách đây 4 năm, ông và vợ đã quyết định ly hôn vì tính cách bất đồng giữa 2 người. Sau khi phân chia tài sản được 600.000 nhân dân tệ (NDT), ông để lại một nửa trong số đó cho con gái vẫn đang học đại học, còn bản thân mang theo 300.000 NDT để bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp.
Cổ Tân Cách mở một quán ăn tên là “Tụ Bằng Duyên” ở đường Nhữ Hà gần vành đai 3 phía Tây của Trịnh Châu, giá thuê mặt bằng là 20.600 NDT mỗi tháng. Ông cũng thuê một căn nhà 2 phòng ngủ và 1 phòng khách ở phía đối diện cho đầu bếp (một cặp vợ chồng) và nhân viên phục vụ ở lại.
Vào ngày 7/5/2019, ông đã đăng tải video đầu tiên của mình lên Douyin, quay lại nội thất bên trong cửa tiệm, bao gồm 10 bàn ăn, một căn phòng (ở giữa) và một gian bếp, phối nhạc trên video là bài hát “Cung hỉ phát tài” của Lưu Đức Hoa.
Lúc đó, Cổ Tân Cách tràn đầy hy vọng vào tương lai, trên tài khoản WeChat của ông còn viết “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, ý rằng sự vận chuyển của Trời đất không lúc nào ngừng nghỉ, người quân tử cũng theo Trời mà tự cường không nghỉ.
Trong tiệm, Cổ Tân Cách nuôi một con chim Myna biết nói, gần cửa ra vào còn bày một chiếc bàn để thưởng trà và uống rượu mỗi ngày, bên cạnh còn nuôi một con cá vàng. Quả là một người rất biết thưởng thức cuộc sống.
Tuy nhiên, quán ăn khai trương chưa được bao lâu, con đường phía trước nhà ông lại tiến hành sửa chữa, công trình này lại vô tình chặn hết lối vào quán ăn nhỏ của ông. Đến cuối năm 2019, trận đại dịch viêm phổi bùng phát ở Vũ Hán đã nhanh chóng lan sang Trịnh Châu. Sau Tết Nguyên đán 2020, toàn bộ các cửa hàng ở thành phố Trịnh Châu bị buộc phải đóng cửa và “Tụ Bằng Duyên” cũng không ngoại lệ.
Cổ Tân Cách vốn là người trượng nghĩa, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, ông đã kê 5 chiếc bàn lớn ra bên ngoài cửa hàng, bày biện đồ ăn thức uống miễn phí cho người dân, mỗi người một phần.
Sau khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống và lệnh cấm được dỡ bỏ, công việc kinh doanh của “Tụ Bằng Duyên” bắt đầu được cải thiện đôi chút. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn luôn biến đổi khó lường, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm ăn uống tại chỗ.
Điều này đã khiến cho các chủ quán ăn nhỏ như Cổ Tân Cách hầu như không thể đảm bảo sinh kế. Vì công việc kinh doanh gặp khó khăn, Cổ Tân Cách phải nhờ người cha già phụ giúp công việc trong tiệm nhằm giảm chi phí thuê nhân viên.
Đến ngày 20/7/2021, Trịnh Châu gặp phải trận mưa lũ lịch sử, giao lộ ở khu vực “Tụ Bằng Duyên” bị lũ cuốn, gây ra một vụ sụt lở lớn, cây cối 2 bên đường phố cũng đổ sập xuống hố, công việc kinh doanh của quán ăn lại một lần nữa gặp trở ngại. Đợi đến khi đường sá được sửa chữa xong, vào đầu tháng 8, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lại lần nữa xuất hiện ở Trịnh Châu.
Trong khoảng thời gian hơn 2 năm, đối diện với thiên tai nhân họa không ngừng, những đoạn video ngắn mà ông đăng tải trên Douyin cũng ngày càng bộc lộ nhiều cảm xúc u buồn.
Vào ngày 26/6/2021, ông đăng tải tấm hình của mình lên Douyin kèm theo câu thoại từ một bộ phim truyền hình: “Bây giờ tôi rất nghèo, xin đừng liên lạc với tôi, vì tôi sợ rằng mình sẽ mở miệng vay tiền của bạn và làm tổn thương tình cảm của bạn. Đợi đến ngày trả nợ xong xuôi, tôi sẽ lại ăn miếng thịt to uống bát rượu ngon, sẽ lại trở về những tháng ngày như trước”.
Một người bạn thân của ông tiết lộ rằng, trước tết Trung thu, đám bạn cùng nhau tụ họp tại quán của Cổ Tân Cách, đã thấy ông ấy gầy đi rất nhiều. Thế nhưng khi được hỏi có gặp khó khăn gì trong kinh doanh không, ông ấy vẫn nói “mọi chuyện đều tốt”. Trên thực tế, vào thời điểm này, số tiền tiết kiệm của Cổ Tân Cách đã tiêu hết, cũng vì đang thiếu nợ nên thẻ tín dụng cũng bị giảm hạn mức, vốn xoay vòng của cửa tiệm cũng đã không còn.
Trong video ông đăng tải vào ngày 8/7, đó là cảnh nhà hàng vào một buổi tối tĩnh mịch. Trong video, ông bộc bạch: “Lúc khó khăn không ai bên cạnh, tôi học được cách âm thầm chịu đựng; lúc bề bộn không có người giúp đỡ, tôi học được cách tự mình gánh vác; lúc mệt mỏi, tôi học được cách tự mình mạnh mẽ”.
Vào ngày 10/8, Cổ Tân Cách đã đăng video cuối cùng. Cảnh quay vẫn là quán cơm vào đêm khuya với hình ảnh con cá vàng đang bơi lội và bàn ghế trong cửa hàng, phụ đề xuất hiện là dòng chữ: “Cuộc sống quá mệt mỏi, nhưng tôi vẫn phải sống”. Đoạn video không lồng nhạc, mà chỉ có tiếng thở dài não nề của ông.
Trưa ngày 14/10, Cổ Tân Cách đi giao đồ ăn cho một chủ siêu thị. Sau 5 giờ chiều, ông gọi điện cho một người bạn cũ và rủ đi “uống một chén”, nhưng người bạn nói rằng anh ta tăng ca nên không thể đi. Đêm đó, ông trả các khoản phí trên WeChat, rồi chuyển số tiền 890 NDT còn lại cho con gái đang học đại học. Cuối cùng, ông dùng băng keo dán kín các khe cửa, đốt than trong phòng để kết liễu cuộc đời.
Cổ Tân Cách có lẽ cũng đã cân nhắc đến việc phải mất một khoản phí khi chuyển nhượng quán ăn, nên ông đã cố tình kê chậu inox dùng để đốt than lên cao hơn 10 phân để tránh làm hỏng sàn gỗ.
Trong phòng, ông để lại 3 bức di thư, một bức gửi cho chủ nhà, nói rằng tiền thuê nhà còn lại khoảng 10.000 NDT sẽ được trả sau khi chuyển nhượng quán ăn; bức thư thứ hai gửi cho vợ chồng đầu bếp trong quán, bày tỏ sự cảm kích sâu sắc, cũng nhắn lại rằng số tiền lương hơn 10.000 NDT sẽ được gửi lại sau khi chuyển nhượng quán ăn; bức thư thứ 3 là gửi cho anh trai và chị dâu, ông tự trách bản thân bất hiếu, có lỗi với cha mẹ, cũng xin nhờ anh chị đem thi thể của mình về an táng tại quê nhà.
Bức thư tuyệt mệnh không đề cập đến lý do cụ thể dẫn đến việc tự tử, chỉ gửi lời cảm ơn và xin lỗi đến bạn bè cùng người thân. Trong thư cũng dặn dò rằng, sau khi chuyển nhượng quán ăn và thanh toán hết các khoản nợ, số tiền còn lại sẽ gửi về cho cha mẹ.
Trong những năm qua, Cổ Tân Cách vẫn luôn dành thời gian chăm chút cho quán ăn nhỏ của mình. Sau khi cửa hàng lâm vào khốn cảnh, ông cũng chỉ một mình gánh chịu, không muốn làm phiền người thân, bạn bè. Lúc ông qua đời, người vợ cũ đã đặt một bó hoa trước cửa tiệm để tiễn đưa.
Sau cái chết của Cổ Tân Cách, câu chuyện thương tâm của ông đã lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã bật khóc và để lại lời nhắn đầy xúc động: “Dịch bệnh đã được xóa sổ, nhưng chúng ta cũng chẳng còn gì để ăn. Không có tiền còn khủng khiếp hơn nhiều so với dịch bệnh”; “Đến doanh nhân còn không sống được nữa, nếu tiếp tục như vậy thì người bình thường phải sống sao đây!”.
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)