Chủ nghĩa độc tài toàn trị và cuộc sống gia đình
Hãy cho phép tôi nói trước rằng, cố Tổng thống Havel và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hai nhà lãnh đạo thế giới mà tôi ủng hộ từ lâu bởi những việc làm chính nghĩa và các giá trị của họ. Việc họ lần lượt đến Prague là một trong nhiều hành động dũng cảm của họ.
Cuốn sách có sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Hannah Arendt, “Nguồn gốc của Chủ nghĩa Toàn trị” (1951), có lẽ là nguồn thông tin tốt nhất về các vấn đề căn bản, bao gồm cả cuộc sống gia đình, dưới sự thống trị của Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Phát xít. Bà nhấn mạnh:
“Chính phủ toàn trị… không thể tồn tại mà không phá hủy các lĩnh vực trong cuộc sống cộng đồng… bằng cách cô lập đàn ông (và phụ nữ), cô lập khả năng chính trị của họ. Nhưng sự thống trị độc tài… là một kiểu mới xuất hiện trong lịch sử, nó… tiêu diệt đời sống riêng tư. Nó dựa trên sự cô độc lì lợm của chính nó, dựa trên kinh nghiệm về việc hoàn toàn không thuộc về thế giới này, đó là một trong những kinh nghiệm cực đoan, man rợ và tuyệt vọng nhất của con người”.
Nước Nga
Một tác phẩm mới được xuất bản bởi Yale University Press về các vấn đề gia đình ở Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ trong các giai đoạn Chủ nghĩa Toàn trị là cuốn “Gia đình trị: đời sống quốc nội, tàn phá và tồn tại từ năm 1900 tới 1950” của Paul Ginsborg (Family Politics – Domestic Life, Devastation and Survival 1900-1950). Trong số những kết luận của tác phẩm về nước Nga giữa cuộc cách mạng năm 1917 và 1950, có đoạn:
Những làn sóng Khủng bố kiểu Stalin xảy ra với những mục tiêu khác nhau. Nổi tiếng nhất là những phiên tòa chính trị công khai trình diễn ở Moscow vào năm 1936, trong đó các đối thủ quyền lực của Stalin và nhiều cựu lính Bolshevik đã bị đưa ra xét xử và hành hình…
Tuy nhiên, cái mặt nạ Khủng bố này đã che giấu một làn sóng đàn áp khác… mà sử gia Pháp Nicolas Werth chỉ vừa mới đưa toàn bộ ra ánh sáng… Giữa tháng 8 năm 1937 và tháng 11 năm 1938 khoảng 750.000 công dân Liên Xô đã bị bắt với tội danh “kẻ thù của nhân dân” và bị giết sau các phiên tòa chóng vánh. Theo Werth, đó là ‘vụ thảm sát quốc gia lớn nhất từng xảy ra ở Châu Âu trong thời bình’. Nạn nhân của nó là… nông dân… và phần lớn là những người nước ngoài tìm nơi ẩn náu ở Liên Xô…
Trong số năm chế độ được nhắc đến trong cuốn sách của Ginsborg, Liên Xô là kẻ hủy diệt bừa bãi nhất trong nhóm của mình. Tại đỉnh điểm của cái mà Werth gọi là “khủng bố dân thường” trong năm 1937-1938, hàng tháng có khoảng 50.000 vụ tử hình, khi cảnh sát mật tìm giết cho đủ số mục tiêu của họ. Khoảng giữa năm 1929 và 1953 cũng vậy, khoảng 18 triệu người Nga đã trải qua các trại lao cải và trại Gulag. Những con số này vượt rất xa các hệ thống giam cầm và lao động nô lệ khác trong thế kỷ 20.
Ginsborg dẫn ra lá thư từ một người vợ gửi cho chồng, cả hai đều trung thành sâu sắc đối với đảng, vô tình ghi lại tội ác của Khủng bố Stalin. Sofia Antonov – Ovseyenko là vợ của Vladimir Antonov – Ovseyenko. Vladimir Antonov – Ovseyenko là một đảng viên rất được trọng vọng, là người đã xông vào Cung điện Mùa Đông và về sau là đại sứ của Liên Xô ở Prague. Sofia Antonov – Ovseyenko đã bị bắt vào tháng 10 năm 1937 và viết thư cho chồng từ một nhà tù Moscow, không biết rằng ông ta đã bị bắt trước đó ba ngày:
“Anh yêu, em không biết anh có nhận được lá thư này không, nhưng không biết sao em cảm thấy rằng em đang viết thư cho anh lần cuối cùng… Mọi điều em biết thì anh cũng biết bởi vì cuộc sống của chúng ta hòa hợp và không thể tách rời… Vì vậy, hãy tin em khi em nói rằng em đã không làm gì sai cả. Một điều nữa: đây là lúc Valichka (con gái của Sofia từ cuộc hôn nhân đầu tiên) tham gia vào Komsomol (Đoàn Thanh niên Cộng Sản). Việc em bị bắt chắc chắn sẽ cản trở con đường của nó… Em cầu xin sự tha thứ từ tất cả những người em yêu vì đã đem đến điều bất hạnh như vậy cho họ… Hãy tha thứ cho em, người em yêu. Ước gì em biết rằng anh tin tưởng và tha thứ cho em. Sofia của anh”.
Ginsborg tiếp: “Chồng và vợ đã bị bắn vào cùng một ngày (8 tháng 2 năm 1938). Con gái của Sofia… 15 tuổi, đã không những không được nhận vào Komsomol mà còn bị gửi đến một trại trẻ mồ côi. Dù trải qua đủ chuyện, cô bé đã sống sót”.
Putin
Gần một phần tư thế kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô, Châu Âu phải đối mặt với một mối đe dọa lớn mới đến từ Moscow. Một phần của vấn đề là Tổng thống Putin xuất hiện để điều hành, sử dụng những luật lệ khác nhau mà “…không có luật lệ nào bất khả xâm phạm, cũng không có các giá trị phổ quát, thậm chí không có những sự thật chắc chắn… Chỉ có lợi ích mà thôi. Nước Nga của ông ta đã dần leo thang từ việc quấy rối các đại sứ và ám sát những người chỉ trích những cuộc xâm lược”, một bài báo trên tờ Economist ngày 14 tháng 2 khẳng định.
Thế giới nên nỗ lực để cho nhân dân Nga biết rằng đất nước của họ sẽ được chào đón trở lại vào cộng đồng các quốc gia có trách nhiệm khi điện Kremlin tôn trọng các nước láng giềng. Trong khi chờ đợi, tất cả chúng ta nên đặc biệt chú ý đến những lời nói từ năm 2009 của các nhân vật nổi tiếng ở Trung và Đông Âu, bao gồm cả Vaclav Havel, mô tả Nga là “một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại theo đuổi một nghị trình kiểu thế kỷ 19 với các chiến thuật và phương pháp của thế kỷ 21”.
Trung Quốc
Trung Quốc là một dân tộc có nền văn hóa và lịch sử lâu đời hơn so với cái chính phủ vốn không được bầu lên của nó. Những lời phê bình của phần lớn chúng ta ở trong và ngoài nước về sự cai trị của cái nhà nước độc đảng đó, chứ không phải là về những người dân đang chịu đau khổ kéo dài. “Free China” (Trung Quốc tự do) bộ phim được trình chiếu tại liên hoan phim đã minh họa điều này đặc biệt tốt.
Hầu hết các nhà sử học ngày nay xem Mao cùng Stalin và Hitler là ba kẻ giết người hàng loạt tồi tệ nhất thế kỷ 20. Chang/ Holliday viết trong cuốn tiểu sử năm 2005 của họ về ông ta rằng: “hơn 70 triệu người Trung Quốc đã biến mất dưới sự cai trị của Mao trong thời bình”. Nhiều vấn đề cai trị ngày nay xuất phát từ sự kết hợp của chế độ toàn trị của Mao Trạch Đông với các cải cách của người kế nhiệm là Đặng Tiểu Bình sau năm 1978 thành một hệ thống “Chủ nghĩa tư bản bè phái/Cai trị theo chủ nghĩa Lê Nin”. Tham nhũng và bạo lực phổ biến đến độ người nước ngoài và các công ty có trách nhiệm với xã hội tự hỏi liệu ngày nay họ có thể kinh doanh hợp pháp ở Trung Quốc hay là không.
Nghệ sĩ Lưu Hà, 53 tuổi, đã bị quản thúc tại gia trong bốn năm mà không được quyền sử dụng thư tín, email hoặc điện thoại. Tội danh của bà là đã kết hôn với một người vẫn ở tù – ông Lưu Hiểu Ba. Ông Lưu giành giải Nobel Hòa bình năm 2010, ông là người chủ trương Hiến chương 08 ủng hộ dân chủ. Bà Lưu bị một cơn đau tim gần đây và bị trầm cảm. Bắc Kinh khẳng định một cách phi lý rằng bà đang “không bị quản chế”. Tình trạng của bà nhắc thế giới nhớ đến số phận của nhiều người khác ở Trung Quốc, như luật sư Cao Trí Thịnh vốn cũng đang trong những tháng quản thúc tại gia sau lần được thả gần nhất khỏi nhà tù, và nhà thơ/ tù nhân Chu Ngu Phu, và nhà hoạt động nhân quyền Tào Thuận Lợi đã qua đời sau khi bị từ chối điều trị bệnh lao.
Cuốn sách năm 2014 – The Slaughter (Đại Thảm Sát) của Ethan Gutmann nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và các cộng đồng Kitô hữu. Ông tập trung chủ yếu vào Pháp Luân Công, một môn thực hành các bài tập và thiền định, đã bị đàn áp một cách tàn bạo nhất kể từ năm 1999. Gutmann giải thích làm thế nào ông ấy đưa ra ước tính của mình rằng nội tạng từ 65.000 học viên Pháp Luân Công và từ “hai đến bốn nghìn” người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, hay Kitô hữu đã bị thu hoạch trong giai đoạn 2000-2008. Không ai sống sót vì tất cả nội tạng quan trọng bị lấy ra để bán với giá cao cho giới nhà giàu Trung Quốc và các khách “du lịch ghép tạng”.
Sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu ở 350 trại hoặc nhiều hơn thế. David Matas và tôi đã đến thăm khoảng hơn chục nước để phỏng vấn các học viên Pháp Luân Công, những người đã thoát khỏi các trại lao động cưỡng bức và ra khỏi Trung Quốc. Họ kể rằng, mình phải làm việc trong điều kiện thật kinh khủng lên đến 16 giờ mỗi ngày mà không được trả tiền, chỉ được chút ít đồ ăn, ngủ chen chúc với nhau, và còn bị tra tấn. Các tù nhân làm ra một loạt sản phẩm xuất khẩu như các nhà thầu phụ cho các công ty đa quốc gia. Điều này là vi phạm các quy định của WTO và đòi hỏi một giải pháp hiệu quả, bao gồm cả việc quy định các nhà nhập khẩu có trách nhiệm phải chứng minh sản phẩm của họ không phải do nô lệ làm ra.
Một báo cáo về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong số báo năm 2012 của tờ Economist dẫn lời một ngân hàng trung ương của Trung Quốc ước tính rằng, giữa những năm 1990 và 2008, 16.000-18.000 công chức và nhà điều hành người Trung Quốc của các công ty nhà nước “đã bỏ trốn với tổng số 123 tỷ đôla (mỗi người khoảng 6 triệu đôla)” và kết luận: “Bằng cách biến các công ty thành cơ quan của chính phủ, chủ nghĩa tư bản nhà nước đồng thời vừa tập trung quyền lực vừa làm tha hóa nó”. Trong thực tế, tham nhũng chính là hệ thống đó.
Các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới nên suy ngẫm tại sao họ lại bỏ qua việc vi phạm các giá trị phổ quát để gia tăng thương mại và đầu tư vào Trung Quốc. Kết quả luôn là nhiều việc làm rơi vào tay người nước ngoài và tăng thâm hụt thương mại song phương. Là người tiêu dùng, chúng ta có nên bỏ qua các chi phí về con người, xã hội và môi trường tự nhiên mà các công dân Trung Quốc phải trả để sản xuất hàng hóa hay không?
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2007 đã kết luận rằng tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc làm khoảng 750.000 người chết một năm, đều là những cái chết có thể ngăn ngừa được. Các loại khí thải nhà kính từ than đốt công nghiệp trên cả nước đã tàn phá môi trường vượt ra ngoài biên giới của nước này. Gần nửa tỷ người dân không thể tiếp cận với nước uống an toàn.
Những nhà dân chủ trên thế giới nên tiếp tục làm việc để mang lại những giá trị phổ quát cho người dân Trung Quốc, bao gồm cả phẩm giá bình đẳng cho tất cả, nền pháp trị, nền dân chủ đa đảng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Người dân Trung Quốc cũng mong muốn những điều giống như tất cả chúng ta: sự tôn trọng, giáo dục, an toàn và an ninh, việc làm tốt, nền pháp trị, nền quản trị dân chủ, và một môi trường thiên nhiên bền vững.
Kinh nghiệm của Séc
Trong bốn thập niên cai trị độc tài toàn trị ở Tiệp Khắc sau cuộc đảo chính năm 1948, hệ tư tưởng này thâm nhập mọi lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả các gia đình. Tất cả các quyết định chính trị đều theo lệnh từ Moscow.
Như chúng ta biết, những người không tuân thủ đã bị đe dọa và theo dõi. Nạn hối lộ đầy rẫy; sự hiện diện của các thiết bị nghe lén trong nhà ngăn cản người ta nói chuyện một cách cởi mở; có những dòng người xếp hàng dài trước các cửa hàng; người dân bị bắt giam vì nộp đơn khiếu nại hoặc ký kiến nghị. Nếu một công dân bỏ trốn, sẽ khiến gia đình ở lại bị trừng phạt nặng nề. Người giao thiệp với những người bất đồng chính kiến bị thẩm vấn và bị buộc tội lật đổ.
Trong những năm 1950, Stalin cho Đảng Cộng Sản Séc thực hiện các cuộc thanh trừng. Nạn nhân bao gồm người Công Giáo, người Do Thái, các chính trị gia dân chủ, các nhà lãnh đạo quân sự, cũng như các phần tử cấp cao trong Đảng. Gần 180 người bị tử hình. Chẳng có điều gì kiểu như một phiên tòa công bằng cả. Trong suốt cuộc đàn áp sau khi triệt hạ phong trào Mùa xuân Prague, nhiều vụ thanh trừng đã diễn ra. Các nhân viên chính phủ cấp cao, các nghệ sĩ, nhà văn, lãnh đạo của các tổ chức xã hội, và các nhà cải cách mà ủng hộ Mùa xuân Prague đã trở thành mục tiêu đàn áp mới.
Hồi ức
Erika Patzer – hiện đã là công dân Canada, nhớ lại những thảm kịch mà gia đình mình phải đối diện: “Ông bà tôi đã phải trải qua những khoảng thời gian rất khó khăn khi hệ thống… thay đổi từ… dân chủ hậu chiến tranh sang chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô Viết. Họ sở hữu đất nông nghiệp ở miền Nam Slovakia, nhưng một chính sách tập thể hóa đã khiến họ phải từ bỏ nó… Ông nội của tôi đã bị bỏ tù trong hơn ba tháng vào năm 1951. Sau khi được ra tù, ông bà tôi nhận ra rằng thật vô ích khi chống lại hệ thống này. Họ cảm thấy thất bại”.
Một người bạn Canada từng sống ở Prague vào cuối những năm 1950 nhớ lại, một nhà ngoại giao Mỹ đang sống ở Prague để ý thấy một người đàn ông đang quét đường bên ngoài nhà mình. Người quét đường ấy xuất hiện một cách thường xuyên, khơi gợi sự tò mò của người Mỹ này. Vì vậy, vốn có thể nói được một ít tiếng Séc, ông đã ra ngoài để trò chuyện với người quét đường ấy.
Trong cuộc trò chuyện, nhà ngoại giao Mỹ phát hiện ra rằng người quét đường này đến từ tầng lớp quý tộc cũ và có học thức tốt. Khi những người cộng sản lên nắm quyền, ông thề rằng những gì ông làm để kiếm sống tuyệt đối sẽ không hỗ trợ hệ thống chính trị đó. Quét đường là cuộc biểu tình im lặng của ông.
Vấn đề đức tin
Một trong những kẻ thù của ĐCS sau năm 1948 là tôn giáo. Nó cướp đất của giáo hội, đóng cửa tất cả 216 tu viện trong năm 1950 và phần lớn trong số 339 nhà tu kín. Các giáo sĩ bị sát hại, bị bỏ tù, đưa đến các trại lao động hoặc đẩy vào trong quân đội.
Jitka M. hỏi: “[Cộng hòa Séc là] nước Đông Âu duy nhất, nơi 80% dân số (nói họ) không tin (Thiên Chúa). So sánh điều đó với Slovakia, Ba Lan, Hungary, Nga… người Séc thích nghe [rằng] Đảng Cộng Sản gây ra tất cả những điều đó, nhưng… tại sao họ [đã] từ bỏ đức tin? Có lẽ… [tìm] ra câu trả lời cho câu hỏi này có thể giải quyết phần còn lại của vấn đề”.
Milan Babiak, nay cũng đã là công dân Canada, nhận xét: “những người có đức tin và hệ thống giá trị mạnh mẽ đã không cho phép những người cộng sản phá vỡ chúng. Họ tiếp tục đi đến nhà thờ, thể hiện đức tin của mình và hành động công chính trong mọi hoàn cảnh… Những hoàn cảnh khó khăn đó đã tôi luyện nên những nhân vật, những con người rất mạnh mẽ đứng lên bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp và đã chứng minh vai trò lãnh đạo lâu dài. Họ nuôi dạy con cái thành những người biết đứng lên vì sự thật và phẩm hạnh. Những người mạnh mẽ ấy biết rằng sự công bằng và sự thật sẽ chiến thắng”.
Havel và Cuộc cách mạng Nhung
Nhà ngoại giao Canada Rob McRae đã viết từ Prague về cuộc Cách mạng Nhung năm 1989: “Hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người đã tiến về phía trước… để cho tất cả mọi người thấy được chế độ đó là cái gì, không mập mờ nữa. Và điều này đã xảy ra vì sự cần thiết phải sống trong sự thật , vì sự trải nghiệm của ngày càng nhiều người hơn, đã biến thành dũng khí để làm như vậy”.
Đối với McRae, dường như toàn bộ người dân cả nước đã nghĩ giống như Havel khi ông nói: “Tôi hành động dựa trên một triết lý nhân văn khá đơn giản – đó là, tôi cần phải nói những gì tôi nghĩ. Tôi phải nói sự thật. Tôi phải chiến đấu cho những điều tôi biết là đúng”.
Bằng cách tự mình thay đổi một cách đột ngột, làm người ta cảm thấy hạnh phúc và tích cực về cuộc sống, thông qua sức mạnh của ý chí quần chúng, Tiệp Khắc đã cho một thế giới hoài nghi và đôi khi mệt mỏi thấy rằng những giấc mơ vẫn có thể trở thành sự thật. Thông điệp đó vẫn còn vang vọng đến hôm nay.
Trong thế giới ngày nay, nơi mà bạo lực đang ngày càng bị sử dụng như một phương tiện để tạo ra sự thay đổi chính trị, chúng ta hết sức cần những ví dụ về việc sử dụng có hiệu quả hình thức phi bạo lực để đạt được những thay đổi lớn. Chiến thắng của các bạn và ảnh hưởng không ngừng của nó, tất nhiên rất đáng tuyên dương.
Cố Tổng thống Havel vẫn là một trong những nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Ông có vai trò quan trọng trong việc đưa nước này và các nước láng giềng vào NATO và Liên minh Châu Âu một cách yên bình, phi bạo lực. Giống như rất nhiều người trên khắp thế giới, tôi đồng ý với Lech Walesa của Ba Lan: “(Ông là một) chiến binh tuyệt vời cho tự do của các quốc gia và cho dân chủ… Tiếng nói thông thái tuyệt vời của ông sẽ được ghi nhớ ở Châu Âu”.
Nguồn : chongmocuoptang.com