Chủ kho phế liệu phát nổ khai ‘mua đầu đạn cũ từ Trung tâm xử lý bom mìn’
Làm việc với cơ quan điều tra, chủ kho phế liệu Nguyễn Văn Tiến khai mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12,7mm và 14,5mm từ một người thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh.
Ngày 4/1, Bộ Quốc phòng cho biết đang tích cực điều tra một cá nhân thuộc Binh chủng Công binh được cho liên quan đến vụ nổ ở Bắc Ninh. “Cơ quan chức năng của Bộ đã tới Bắc Ninh, đến những đơn vị theo lời khai ban đầu của chủ kho phế liệu để xác minh. Cụ thể thế nào, Bộ sẽ thông tin tiếp”, một nguồn tin cho hay.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Công binh điều động lực lượng, phương tiện thu gom số vật liệu nổ còn vương vãi trên hiện trường, không để lây lan nổ dẫn đến hậu quả tiếp theo.
Từ 11h hôm 3/1, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 229 và Tiểu đoàn công binh vật cản 93 được điều đến hiện trường cùng với thiết bị dò mìn để tham gia khắc phục hậu quả. Đoàn công tác của Binh chủng Công binh sau khi đến hiện trường kiểm tra đã làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh để xác định nguyên nhân vụ nổ.
“Qua khảo sát, nắm tình hình hộ dân xung quanh hiện trường cho thấy, trước khi xảy ra vụ nổ, chủ cơ sở phế liệu đã thu gom các loại đầu đạn xếp thành khối và dùng muối rải lên để hủy với mục đích thu kim loại nhằm tái chế”, Bộ Quốc phòng cho hay.
Bước đầu đoàn công tác nhận định, do tập trung số lượng lớn các loại đạn 23mm, 14,5mm, 12,7mm (trong đó chủ yếu là đạn 12,7mm), có thể lẫn đạn phốt pho gây cháy, kích nổ toàn bộ khối đạn.
Dân mua đạn, xe tăng, tên lửa làm phế liệu, ‘quan’ nói khó biết
Trưởng thôn Quan Độ Nguyễn Văn Lý cho rằng bản thân chính quyền thôn và người dân xung quanh không thể biết hộ kinh doanh họ buôn bán, tàng trữ cả một “kho đạn” như thế.
“Các hộ dân trong thôn thường mua phế liệu về rồi tự phân loại sắt, đồng, nhôm, nhựa và sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế. Cũng từng thấy có hộ đưa cả tên lửa Sam-2, xe tăng, cánh máy bay và cả những động cơ máy cỡ lớn về, nhưng không thể ngờ họ liều lĩnh đưa hàng tấn bom, đạn về để giữa thôn như thế” – ông Lý giãi bày.
Ông Nguyễn Chí Cường, phó chủ tịch UBND huyện Yên Phong, cho biết cả xã Văn Môn có đến 500 hộ kinh doanh, mua và tái chế phế liệu.
Hỏi về công tác quản lý, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán, tái chế hàng phế liệu, ông phó chủ tịch huyện tỏ vẻ lúng túng, cho biết phụ trách việc này là một phó chủ tịch huyện khác. Còn cá nhân ông biết huyện có hẳn một tổ thanh tra, thường xuyên kiểm tra hoạt động này.
“Kinh doanh, buôn bán phế liệu có quy định hẳn hoi, kiểm tra thường xuyên, nhưng việc người dân mua bán, tàng trữ cả vật liệu nổ thì chính quyền huyện và xã không thể biết được. Cái này bị cấm và họ buôn bán chui lủi thì cơ quan chức năng cũng chịu” – ông nói.
Ông Nguyễn Văn Lý công nhận quản lý “có vấn đề”, rất lỏng lẻo nên mỗi ngày dọc tuyến đường chính của xã có hàng trăm chuyến xe tải chở các loại phế liệu ra vào nhưng không hề bị kiểm soát.
Sống chung với…”tử thần”
Ông Đặng Trần Quyết – nhà ở ngay đầu ngõ, sát với hiện trường vụ nổ – cho biết người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo xã trong những đợt tiếp xúc cử tri về việc ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ tại các điểm mua phế liệu, nhưng không có kết quả.
Bản thân ông trưởng thôn Nguyễn Văn Lý cũng thừa nhận dân vẫn có ý kiến phản ảnh, “nhưng các cuộc họp chả mang lại kết quả gì biến chuyển. Chúng tôi rất cần phải có lãnh đạo tỉnh, huyện cùng dự họp để tiếp thu ý kiến của dân. Chứ chúng tôi ý kiến lên xã nhiều lắm rồi mà vẫn vậy”.
Bà Nghiêm Thị Gái, nhà ngay cạnh hiện trường vụ nổ, cho biết: “Gia đình tôi quá may mắn khi không ai bị thương vong gì, nhưng giờ nghĩ lại chúng tôi mới thấy hoảng. Ai ngờ ngay cạnh nhà mình có cả kho đạn như vậy mà chính quyền chẳng kiểm tra, ngăn cấm gì”.
Theo phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Cường và trưởng thôn Nguyễn Văn Lý, huyện đã có dự án quy hoạch một khu chuyên cho mua bán, tái chế phế liệu với diện tích 25ha. Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn nên đến giờ này dự án vẫn chỉ… trên giấy.
Nỗi khiếp sợ của nạn nhân vụ nổ ở Bắc Ninh
Không dám trở lại ngôi nhà đã vùi chết con gái, anh Tiến bảo “nổi da gà khi thấy những đầu đạn nhỏ còn sót lại dọc đường làng”.
Nhà sập, đứa con gái duy nhất qua đời, anh Đặng Đình Tiến (32 tuổi) ôm vợ ngồi im trong góc nhà bố mẹ đẻ, chẳng nói với nhau câu gì. 4h30 hôm qua, vợ chồng anh cùng con gái ba tuổi đang ngủ say thì bị đất đá lấp kín người sau tiếng nổ chói tai. Anh gào thét, quờ quạng tìm vợ con song chỉ toàn gạch đá và đầu đạn. 10 phút sau, ba người được em trai nhà bên cạnh đến giải cứu.
Hiếm muộn nên 9 năm sau ngày cưới vợ anh mới sinh được mụn con. Anh đã xây nhà, sắm xe, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho con sau này. Cả đêm không ngủ vì toàn thân đau nhức, tai ù do sức ép vụ nổ, anh nói “buồn nhất là sự ra đi của con gái – món quà vô giá của vợ chồng”.
Đi lang thang quanh làng suốt cả buổi sáng, anh Tiến không dám trở về nhà vì sợ không kìm được nước mắt. “Tôi nổi da gà khi thấy những đầu đạn nhỏ còn sót lại dọc đường đi”, anh chia sẻ.
Nhà cách hiện trường vụ nổ 50m, bà Nghiêm Thị Gái (58 tuổi) đang dọn dẹp đống đổ vỡ. Căn nhà cấp bốn của bà bị giật tung mái, sập trần, đồ đạc vỡ vụn. Cả gia đình đêm qua phải sang hàng xóm ngủ nhờ dưới nền đất. Nhưng bà không thể ngủ được, thấy người bên cạnh động đậy bà cũng giật mình vì ngỡ bom nổ.
Bà Gái bảo chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như rạng sáng 3/1. Cả làng túa ra đường, đạp trên mảnh vỡ, đầu đạn mà tháo chạy. Cơ nghiệp của hàng chục gia đình bị phá tan tành trong phút chốc.
Chống gậy quanh vườn cùng con cháu lượm nhặt đầu đạn giúp bộ đội, bà Chín (90 tuổi) lẩm bẩm “Tết đến nơi rồi mà nhà cửa, đồ đạc hỏng hết”. Từ sau vụ nổ, bà chưa thể chợp mắt vì tuổi già và ám ảnh trận “mưa bom chưa từng có”.
Hai cháu nội bà Chín cho nghỉ học và gửi sang nhà người thân ở thôn bên cạnh. Đêm qua chúng khó ngủ, cứ nghe tiếng động mạnh là gào khóc, ôm chặt bố mẹ.
Có hai con trai đều bị sập nhà, ông Đặng Đình Tờ cho biết sẽ không để con trở lại khu đất cũ xây nhà. Về đó, “nỗi đau kinh khủng nhất của gia đình” sẽ trỗi dậy. Chính quyền xã đã liên hệ để tìm chỗ ở mới cho hai con trai ông.
Nơm nớp lo sợ đầu đạn còn sót phát nổ
Chiều 4/1, bà Nghiêm Thị Thảo (76 tuổi) run lẩy bẩy khi thấy đứa cháu 5 tuổi cầm đầu đạn chơi đùa. Mắt mờ, bà vẫn bới từng đống rác quanh nhà tìm đầu đạn sót. Bà sợ khi mọi người đốt rác làm đạn phát nổ, gây nguy hiểm.
Bà Thảo bảo từng sống trong bom đạn thời chiến tranh, nhưng chưa gặp trận mưa đạn nào kinh hoàng như rạng sáng qua. Bà và hầu hết dân làng không thể yên tâm khi những cơ sở thu gom phế liệu vẫn rải rác khắp làng. Đó sẽ là “những quả bom nổ chậm có thể bùng lên bất cứ lúc nào”.
Nhà cách kho đạn cũ chưa đầy 100m, chị Nguyễn Thị Sen (40 tuổi) kể sau sự cố đầu đạn phát nổ làm nát tay một thanh niên, đêm qua gia đình chị phải kê giường ra giữa nhà để tránh những viên đạn có thể sót lại trong buồng phát nổ. Điện lưới mất, mọi người chưa thể rà soát kỹ khắp nhà.
Chị Sen có năm sào ruộng cách nhà 1km cũng bị hứng mưa đạn. Chị tính sau khi thu dọn xong nhà cửa sẽ thuê người ra tìm đạn ở bờ, bụi và quanh ruộng. “Khi cày bừa va đập rất mạnh, nếu đầu đạn còn sót lại thì không biết tai họa sẽ thế nào”, chị Sen lo lắng.
Đến giờ nấu cơm tối, năm mẹ con bà Nghiêm Thị Gái (58 tuổi) vẫn ngồi thẫn thờ trước hiên nhà. Dọn dẹp cả ngày vẫn chưa hết đầu đạn nên bà chẳng yên tâm. Hai đêm trước khi xảy ra vụ nổ, bà nghe thấy tiếng tí tách gần nhà nên đến giờ vẫn sợ. “Nghe tiếng rán cá nhà hàng xóm tôi cũng run”, bà nói.
Nhiều người dân thôn Quan Độ mong muốn nhà chức trách địa phương có phương án xử lý dứt điểm để không còn “quả bom nổ chậm xung quanh nhà”.
Trước đó 4h30 ngày 3/1, sau tiếng nổ đinh tai, một phần diện tích thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh), cách Hà Nội khoảng 30km, bị san phẳng. Tai nạn khiến hai người chết, bảy người bị thương và sập bảy ngôi nhà. Hàng trăm nhà trong bán kính 1,5 km bị hư hại.
Chủ kho phế liệu Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, trú huyện Yên Phong) bị khởi tố ngay sau đó về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, theo điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.