Ông lão ngày đêm túc trực chăm vợ F0: “Chỉ cần vợ còn sống, cực cỡ nào tôi cũng chịu được”
Bà Liên nằm viện, tất cả vấn đề sinh hoạt cá nhân của bà từ chuyện ăn uống đến đi vệ sinh, đều do một tay ông Hoàng chăm lo. Ông nói giờ bà đang bệnh mệt, đến ăn uống cũng phải do ông dỗ, đút từng miếng một, riêng khoản đi vệ sinh là cực nhất nhưng cực mấy ông cũng làm được.
Theo báo Thanh Niên, vợ chồng bà H.T.N.Liên (55 tuổi) và ông P.V.Hoàng (58 tuổi) đã ở tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 trực thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM) hơn 1 tháng nay.
Tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao
Bà Liên mắc Covid-19, sức khỏe ngày càng suy yếu, các triệu chứng bệnh cũng trở nặng. Vào bệnh viện, bà phải đặt ống thở, nằm hôn mê 14 ngày.
Vì thương vợ, ông Hoàng đã quyết định theo bà đến bệnh viện để chăm sóc.
Theo BS Nguyễn Hữu Quyến, người phụ trách khu hồi sức cấp cứu của bệnh viện thì từ khi nhập viện bà Liên đã trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Các y bác sĩ phải tiến hành đặt nội khí quản trong vòng vài tiếng vì bà không thở được.
Tình trạng suy hô hấp của bà Liên khi ấy rất nguy kịch, phải liên tục thở máy, bác sĩ tiên lượng bà có nguy cơ tử vong cao trên cơ địa người bệnh lớn tuổi và có nhiều bệnh nền.
May mắn là đến ngày thứ 10 thì tình trạng có cải thiện, ngày 13 thì bà mở được mắt, cai được máy thở, các chỉ số trở lại trong giới hạn bình thường.
Con gái ông Hoàng, chị Ngọc Diễm kể, suốt thời gian ấy, ông Hoàng vẫn ngày đêm cầu nguyện cho vợ, ông thường tâm sự với con cái rằng đối với ông, vợ là tất cả, nếu không may bà Liên có mệnh hệ gì thì ông cũng đi theo luôn.
Hiện ông đã có tuổi, đang bị bệnh tim, đặt cả 2 van rồi nhưng vẫn muốn tới tự tay chăm lo cho vợ.
‘Vợ tôi còn sống, cực cỡ nào tôi cũng chịu được’
Những lời cầu nguyện và niềm tin của ông Hoàng đã thành hiện thực. Bà Liên đã tỉnh dậy dù tất cả vấn đề sinh hoạt cá nhân từ chuyện ăn uống đến đi vệ sinh bà vẫn chưa tự chủ được.
Ông Hoàng theo đó cứ thế lặng lẽ chăm sóc bà. Ông nói giờ bà đang bệnh mệt, đến ăn uống cũng phải do ông dỗ, đút từng miếng một, riêng khoản đi vệ sinh là cực nhất nhưng cực mấy ông cũng làm được.
“Vợ tôi còn sống, cực cỡ nào tôi cũng làm cho được”, ông tâm sự.
Cứ thế, hằng ngày, ông Hoàng sẽ đều đặn tập thể dục cho vợ ở trên giường bệnh, sau đó hai vợ chồng ngồi xem những thông tin lạc quan, vui vẻ để có thêm tinh thần vượt qua bệnh tật.
Ông Hoàng nói, ngày còn khỏe, bà Liên cũng chăm lo cho ông từng li từng tí, giờ bà ốm yếu là lúc ông đứng ra làm điểm tựa. Được phục vụ cho vợ mình, ông cảm thấy rất vinh hạnh.
Đối với ông, của cải vật chất trên thế gian này không thể so sánh với sự sống của và bà Liên được.
“Đi có đôi, về có đôi, trị xong con Covid này, tôi với bà ấy đồng hành về nhà là mãn nguyện lắm rồi. Nhờ các y bác sĩ nhiệt tình cứu chữa mà bà ấy đã vượt qua cửa tử”, ông Hoàng xúc động nói.
Được biết, ngày còn trẻ, ông Hoàng là bộ đội, còn bà Liên là nhân viên tại sân bay. Hai người tình cờ gặp gỡ rồi trò chuyện, tiếp xúc lâu ngày nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng đến nay đã gần 30 năm. Hai người con của ông bà hiện đều đã có gia đình riêng nên ông bà lại sớm tối chăm sóc cho nhau.
Đợt dịch này, cả hai vợ chồng ông Hoàng bà Liên đều mắc Covid-19, nhưng do ông đã tiêm 1 mũi vắc xin nên không có triệu chứng nặng. Chị Diễm tâm sự, cũng may bà Liên sớm tỉnh lại thì ông Hoàng mới có sức sống, có động lực chứ những ngày trước nhìn ông tuyệt vọng lắm, râu tóc bờm xờm, chẳng thiết tha ăn uống.
Bác sĩ Quyến chia sẻ thêm, lúc bà Liên nằm thở máy thì có các y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc. Khi bà cai máy thì có chồng tới chăm sóc theo sự hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng.
Ông Hoàng rất thương vợ, ngày nào cũng tỉ mỉ, tận tình giúp bà sinh hoạt, vận động tay chân.
Hiện sức khỏe của bà Liên có nhiều tiến triển, ăn ít, tay chân cử động được, đủ điều kiện xuất viện. Tuy nhiên do cơ thể bà xuất hiện vết loét do tì đè nên ông bà sẽ còn tiếp tục ở viện chờ vết thương lành.
Yên Yên (t/h)