Chống lãng phí thức ăn: Truyền Thông Trung Quốc ‘làm lố’ khiến cư dân mạng chỉ trích
Sau khi Tập Cận Bình ra lệnh “ngăn cấm hành vi ăn uống lãng phí”, chính quyền các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một phong trào mới trên toàn quốc, gọi là “ngăn chặn lãng phí lương thực”, và một số phương pháp kỳ quặc đã xuất hiện khắp nơi. Cách đây vài ngày, một bản tin có liên quan đến phong trào này của kênh truyền thông Đại lục đã bị phản tác dụng.
Gần đây, các cơ quan liên quan của ĐCSTQ đã kêu gọi người dân “ngăn chặn lãng phí lương thực”. Ba cơ quan của ĐCSTQ, bao gồm “Ban Văn minh Thủ đô” vào ngày 18/8 đã đưa ra sáng kiến “ngăn cấm ăn uống lãng phí, thực hiện phong trào vét sạch đĩa”. Vì vậy, phóng viên của tờ “Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh” (Beijing Youth Daily) đã ngầm đến điều tra một số nhà hàng.
Một phóng viên của tờ báo này đã đến quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh vào tối ngày 19/8, để quan sát một nhà hàng được lựa chọn ngẫu nhiên ở “Lộc Cảng tiểu trấn”. Vào 7 giờ tối, có ba người ở chiếc bàn bên cạnh cửa sổ rời đi sau khi ăn xong, trên bàn có bốn món ăn, vẫn còn lại một phần ba và chưa đóng gói mang đi.
Người phóng viên này lại đến một cửa hàng cá nướng ở Trung tâm mua sắm Hội Tụ, quận Đại Hưng, thành phố Bắc Kinh, thấy hai cô gái chỉ ăn xong một mặt cá, mặt còn lại chưa hề động vào, trên vỉ nướng còn rất nhiều đồ ăn kèm, cũng không đóng gói mang đi. “Những tiểu cô nương đi mua sắm như thế này thường không đóng gói và cảm thấy việc ôm chúng là một trở ngại”. Người phục vụ nói.
Người phóng viên lại tìm đến một nhà hàng lẩu HaiDiLao Hotpot, thì thấy hai nam thanh niên mỗi người chuẩn bị 3 chiếc bát với nhiều gia vị khác nhau, tổng cộng có 6 chiếc bát được mang về bàn. “Thanh niên ra ngoài tìm đối tượng phải có chút thể diện, mời đi ăn mà không thừa lại chút nào thì sợ người ta nói bủn xỉn”. Người phục vụ nói, thức ăn thừa thường thấy nhất trong quán là gia vị và rau củ quả.
Ngày 26/8, tờ báo đã đưa ra một bài phản ánh nội dung bên trên. Từ các bức hình được đăng trong bài có thể thấy, thức ăn mà các bạn trẻ để lại không hề quá nhiều.
Sau khi chuyến điều tra ngầm này được đăng lên, hàng vạn cư dân mạng đã đăng lời bình luận, chủ đề này đột nhiên được tìm kiếm rất nhiều trên mạng.
Tuy nhiên, những lời nhận xét hầu hết lại là chỉ trích bài báo, nhận xét nổi bật đầu tiên ở đó là câu hỏi của của một cư dân mạng rằng, “Một số món lẩu là phải được ăn với các loại nước chấm khác nhau, không phải sao?” Nhận xét này nhận được gần 30.000 lượt thích.
Mọi người có lẽ đều có kinh nghiệm, thông thường khi đến một quán lẩu, người phục vụ sẽ cho bạn một loại nước chấm nhỏ cho một số món ăn đặc biệt nào đó, ví dụ như nước chấm đặc biệt cho món chả tôm.
“Tôi ủng hộ việc giảm lãng phí thức ăn, nhưng soi mói đến cả những bát gia vị, không bằng mọi người đừng đi ăn tiệm nữa, để ngành ẩm thực phá sản đi.”
“Hy vọng phóng viên này sau khi ăn xong sẽ uống hết bát gia vị, tốt nhất là uống cạn cả nồi nước lẩu nữa. Trong đó đầy ớt với mỡ, tiếc biết bao.”
“Các phóng viên báo đài sao không làm việc chính sự giống như thế, ngầm đi điều tra tham nhũng? Xem có ai dùng tiền công quỹ ăn uống hay không.”
Cũng có cư dân mạng chế giễu, “phóng viên đi nhìn trộm khách hàng ăn ba bát gia vị, viết bản thảo và xuất bản, sau đó chuyển lên nhiều mạng xã hội khác nhau, còn làm tăng lượt tìm kiếm, kiểu chuyện bé xé ra to này không phải là lãng phí sự chú ý của dư luận hay sao? Tôi e rằng nó còn là một sự lãng phí lớn hơn, phải không?”
Ngày 11/8, ông Tập Cận Bình nêu ra hiện tượng lãng phí thức ăn ở Trung Quốc đại lục gây xôn xao dư luận, yêu cầu tăng cường pháp luật, tăng cường giám sát để ngăn cấm hành vi lãng phí thức ăn. Ngày hôm sau, Cục Dự trữ Vật tư và Lương thực của ĐCSTQ công bố số liệu, cho biết việc thu mua tích trữ lúa mì ở các khu vực sản xuất chính đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi Tập Cận Bình ban hành chỉ thị, chính quyền các cấp của ĐCSTQ liên tiếp ban hành một loạt hành động kỳ quặc. Vũ Hán, Hồ Bắc đã đi đầu trong việc đưa ra “Chế độ đặt món N-1”, quy định rằng nhiều người đi ăn, sẽ dựa vào số đầu người để trừ đi một món ăn. Sau đó, các hiệp hội ăn uống ở Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Tô và những nơi khác cũng đưa ra sáng kiến tương tự. Liêu Ninh đã đề xuất “Chế độ đặt món N-2”, tức là 10 người đi ăn, chỉ có thể gọi món cho 8 người.
Một nhà hàng ở Trường Sa để khách hàng đo cân nặng trước khi vào nhà hàng, sau khi đo xong, khách hàng chỉ có thể gọi món theo tỷ lệ calo mà nhà hàng đề xuất, không biết người gầy có đủ điều kiện đi ăn không nữa; Một nhà hàng ở Tây An đã trực tiếp lấy lượng thức ăn thích hợp để đánh giá người phục vụ, nếu khách hàng ăn thừa, sẽ trừ điểm thành tích của người phục vụ.
Những tin tức tương tự không nhận được khen ngợi mà còn dấy lên sự chỉ trích của đông đảo cư dân mạng: Làm quá mức cần thiết như vậy có thật sự tốt không?
Minh Huy (Theo Epoch Times)