Chính quyền Obama có thể cho phép trồng cần sa phục vụ nghiên cứu y học
Hôm 10/8, các quan chức giấu tên cho biết Chính quyền Obama đang có kế hoạch cấp phép trồng cần sa cho nhiều tổ chức, thúc đẩy nghiên cứu khoa học rộng rãi trên toàn quốc về các loại thuốc điều trị những bệnh như Parkinson, Alzheimer, viêm khớp mãn tính,…
Chính sách mới dự kiến sẽ tăng mạnh nguồn cung cấp cần sa sẵn có cho các nhà nghiên cứu. Trong bước tiến này, chính quyền Obama tiếp tục nới lỏng lập trường quốc gia về cần sa. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, ông xem độ nguy hiểm của cần sa không khác gì rượu, và Bộ Tư pháp đã không đứng về phía các tiểu bang để hợp pháp hóa nó.
Trong nhiều năm qua, chỉ Đại học Mississippi có thẩm quyền phát triển cần sa trong nghiên cứu y tế. Điều này đã giới hạn nguồn cung cấp cần sa hợp pháp cho mục đích nghiên cứu. Các nhà khoa học cho biết, họ thường phải đợi rất lâu, có thể lên đến nhiều năm mới có được kết quả, thậm chí một số trường hợp còn không có.
Tuy nhiên trong thời gian tới, Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) có thể sẽ cho phép các trường đại học khác trồng cần sa, 3 quan chức chính phủ cho biết nhưng yêu cầu giấu tên vì không có thẩm quyền thảo luận về nó. Chính sách mới sẽ sớm được công bố vào 18/8 trong Đăng ký liên bang, nguồn tin trên nói thêm.
Trong khi đó, 25 tiểu bang đã chấp thuận sử dụng cần sa cho y học trong danh sách trồng trọt có điều kiện. Những nghiên cứu dự phòng về phương pháp điều trị các bệnh như Parkinson, Crohn, hội chứng Tourette, Alzheimer, lupus và viêm khớp mãn tính,… đều rất ít, và chính sách mới có thể bắt đầu thay đổi điều đó.
“Nó sẽ tạo ra nguồn cung đa dạng hơn cho các nghiên cứu cần sa, nhưng quan trọng hơn, đó là sẽ phải cạnh tranh và người trồng có động lực hơn để đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu”, John Hudak – một thành viên cao cấp tại Viện Brookings co hay.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu trường đại học sẽ được cấp phép trồng cần sa, nhưng chính sách mới không áp đặt giới hạn số lượng người hội đủ điều kiện. Bất kỳ tổ chức nào có dự thảo nghiên cứu được phê duyệt và các biện pháp an ninh cần thiết về dự trữ các loại thuốc nguy hiểm đều có thể áp dụng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn phải có được phê chuẩn từ các cơ quan liên bang để tiến hành nghiên cứu cần sa trong y học, bao gồm DEA và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Các dự án được Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy tại Mỹ tài trợ cũng phải có sự cho phép này.
Nhưng những người ủng hộ chính sách cần sa, các chuyên gia và những nhà nghiên cứu dự đoán rằng, việc gia tăng số lượng tổ chức trồng cần sa sẽ có một tác động thực tế đáng kể. Vị thế độc quyền của Đại học Mississippi cũng là một rào cản.
“Rõ ràng đây là một trở ngại đáng kể làm hạn chế số nghiên cứu lâm sàng ở Mỹ“, Paul Armentano, Phó giám đốc tổ chức Quốc gia về vấn đề cải cách luật cần sa (NORML) cho biết. Các nhà nghiên cứu thường gặp khó khăn để có được một số loại cần sa, kể cả khi cần số lượng lớn THC (hợp chất hóa học chiết xuất từ cần sa), thành phần chính trong các loại thuốc được sử dụng rộng rãi.
Về sự độc quyền của Đại học Mississippi, ông Hudak thuộc Viện Brookings cho biết: “Nếu bạn là một nhà nghiên cứu và nghĩ rằng một sản phẩm với THC liều cao sẽ giúp được người bệnh ung thư đang đau đớn, thì bạn hết thời rồi. Bạn không thể đi kiếm cần sa THC liều cao giống như cách bạn mua nó tại khu chợ Colorado (nơi cần sa được hợp pháp hóa)“.
Hồi tháng 6, Tiến sĩ Steven W. Gust, trợ lý đặc biệt cho Giám đốc Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy tại Mỹ không đồng ý với những nhà phê bình nói rằng sự độc quyền đã làm gián đoạn nghiên cứu. “Trong quá khứ, NIDA đã có thể cung cấp cần sa cho mỗi dự án nghiên cứu tiêu chuẩn liên bang“, ông trả lời trong email phản hồi.
Tuy nhiên, việc thay đổi nguồn cung sẽ không nhất thiết dẫn đến sự bùng nổ về nghiên cứu cần sa. DEA đã quyết định giữ nguyên quan điểm không thay đổi Phụ lục 1 của bảng phân loại ma túy, tức là loại không có giá trị về mặt y tế. Điều này, đồng nghĩa với việc một số nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục đấu tranh để thuyết phục các cơ quan tài trợ ủng hộ dự án nghiên cứu về tác dụng cần sa của họ.
Đầu năm 2016, DEA đã gợi ý rằng có thể sẽ loại bỏ cần sa trong danh sách các loại thuốc nguy hiểm và hạn chế nhất vào cuối tháng 6, nhưng cơ quan này đã không làm như vậy.
Tiến sĩ Orrin Devinsky thuộc Trung tâm nghiên cứu các triệu chứng động kinh tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York nói rằng, ông đã “vô cùng thất vọng” vì DEA không làm như vậy. Các dữ liệu khoa học đều chứng minh rằng cần sa không nên bị liệt vào danh sách các loại thuốc nguy hiểm.
Chính quyền liên bang vẫn phân loại cần sa như một loại thuốc gây nghiện rất cao mà không có giá trị y tế trong 46 năm qua. DEA không cho biết khi nào sẽ trả lời 2 kiến nghị yêu cầu thay đổi chính sách đó, được nộp lần lượt vào năm 2009 và 2011.
Nhiều người khác lại đồng ý với việc DEA cho phép nhiều tổ chức trồng cần sa để nghiên cứu, nhưng vẫn không bỏ nó ra khỏi danh sách các loại thuốc nguy hiểm nhất.
“Họ đang ưu tiên cho khoa học, họ chỉ nhìn trên quan điểm đó“, Kevin A. Sabet, cựu cố vấn chính sách thuốc chính quyền Obama và chủ tịch tập đoàn Phương pháp Tiếp cận thông minh cho Cần sa. “Đó thật là một ngày tốt cho khoa học“.
Tân Dân, theo New York Times