“Chết bởi Trung Quốc”: Cuốn sách khiến Tổng thống Trump thức tỉnh
Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm tác giả quyển sách “Chết bởi Trung Quốc” (Death By China) là giáo sư Peter Navarro làm cố vấn kinh tế cấp cao. Ông Trump cho biết bản thân ông đã nghiền ngẫm kỹ và rất thích quyển sách này.
Đó không phải là sự chỉ trích Trung Quốc, đó là sự thật
Chết dưới tay Trung Quốc. Đây là hiểm nguy rất thực mà giờ đây tất cả chúng ta phải đối mặt khi quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế sẽ sớm trở thành lớn nhất thế giới này đang nhanh chóng biến thành sát thủ tàn độc nhất hành tinh.
Về mặt an toàn của người tiêu dùng, các doanh nhân vô đạo đức Trung Quốc đang làm tràn ngập thị trường thế giới với một loạt sản phẩm, thực phẩm, dược phẩm không gây chết người nhưng lại cực kỳ có hại, gây ung thư, dễ gây cháy, độc.
• Về đồ dùng cho trẻ em, những sản phẩm nguy hiểm này có từ vòng tay, dây chuyền và đồ chơi chứa chì đến đồ ngủ dễ cháy, áo quần độc hại.
• Ở tiệm thuốc gần nhà hay trên mạng, bạn có thể tìm thấy tất cả cách thức “chữa trị” mà thực ra là giết người – từ viên aspirin nhiễm độc, Lipitor nhái, Viagra giả trộn với strychnine, đến thuốc heparin phá thận và vitamine chứa đầy độc tố arsen.
• Nếu thích chết do nổ, hỏa hoạn hay điện giật, bạn có thể chọn trong một đống thứ từ ổ cắm nối dài, quạt, đèn bẫy người, điều khiển từ xa quá nhiệt, điện thoại di động dễ nổ và máy nghe nhạc công suất lớn tự bốc cháy.
• Dĩ nhiên, nếu vừa đói vừa muốn tự tử, bạn luôn luôn có thể thưởng thức cá, trái cây, thịt hay rau nhập khẩu từ Trung Quốc ngấm ngon lành các kiểu kháng sinh bị cấm, vi khuẩn gây thối rữa, kim loại nặng, hay thuốc trừ sâu bất hợp pháp.
Ngay cả khi hàng nghìn người thực sự chết do sự tấn công dữ dội của sản phẩm rác rưởi và chất độc của Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ và công nhân của nó đang chịu đựng “cái chết không kém phần đau thương hơn của nền tảng sản xuất Mỹ.”
Trên mặt trận kinh tế này, nhãn hiệu quái đản “Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước” theo kiểu cộng sản của Trung Quốc đã hoàn toàn xé bỏ những nguyên tắc của cả thị trường tự do và thương mại tự do. Thay vào đó, “các nhà vô địch quốc gia” được nhà nước chống lưng của Trung Quốc đã triển khai một hỗn hợp vũ khí của chủ nghĩa con buôn và bảo hộ để lần lượt vặt hết việc làm này đến việc làm khác, từng bước một, khỏi những ngành công nghiệp của Mỹ.
“Vũ khí hủy diệt việc làm” của Trung Quốc bao gồm trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, giả mạo tràn lan sở hữu trí tuệ của Mỹ, bảo vệ môi trường lỏng lẻo một cách tệ hại, và sử dụng phổ biến lao động nô lệ. Tuy thế, trung tâm của chủ nghĩa con buôn Trung Quốc là việc tiền tệ bị thao túng một cách vô liêm sỉ, đã gây khó khăn rất lớn cho các nhà sản xuất Mỹ, kích thích điên cuồng xuất khẩu của Trung Quốc, và dẫn đến trái bom hẹn giờ thâm hụt thương mại Mỹ – Trung gần 1 tỉ USD 1 ngày.
Trong khi đó, “phí nhập cuộc” cho bất cứ công ty Mỹ nào muốn leo qua “Vạn Lý Trường Thành Bảo hộ” của Trung Quốc và bán hàng vào thị trường nước này không chỉ là giao nộp công nghệ của họ cho đối tác Trung Quốc, mà các công ty Mỹ còn phải chuyển cơ sở nghiên cứu và phát triển sang Trung Quốc. Theo cách đó, họ đã xuất khẩu “nguồn sữa mẹ” tạo ra việc làm tương lai của Mỹ cho đối thủ.
Cho đến nay, hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ đã bị biến mất trong sự nhạo báng thương mại tự do của Trung Quốc, còn chính công nhân áo xanh Mỹ cũng đã trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hãy xem xét những điều sau đây:
• Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2001 và hứa hẹn giả dối chấm dứt thực hiện chủ nghĩa con buôn và chủ nghĩa bảo hộ, các ngành may mặc, dệt và đồ gỗ của Mỹ đã thu nhỏ lại chỉ còn một nửa – riêng việc làm trong ngành dệt đã giảm 70%.
• Những ngành quan trọng khác như hóa chất, giấy, thép và lốp xe cũng bị bao vây tương tự, trong khi đó việc làm trong ngành sản xuất máy tính và điện tử công nghệ cao của cũng đã giảm hơn 40%.
Khi đã mất hết việc làm này đến việc làm khác, nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục nhầm lẫn gắn sản xuất Trung Quốc với những sản phẩm rẻ tiền, phẩm cấp thấp như giày dép và đồ chơi. Nhưng thực ra, Trung Quốc đang tiến lên trong “chuỗi giá trị” và thành công trong việc chiếm lấy thị phần của nhiều ngành thu nhập tốt nhất của Mỹ – từ ô tô và hàng không vũ trụ đến thiết bị y tế tiên tiến.
Với sự hỗ trợ to lớn của chính phủ, các công ty Trung Quốc đang ráo riết lũng đoạn các thị trường được gọi là ngành “xanh” như ô tô điện, năng lượng mặt trời, và năng lượng gió. Hiển nhiên, đó chính là những ngành các chính khách Mỹ rất thích rêu rao như là các nguồn mới tạo ra việc làm tốt nhất của Mỹ.
Chẳng hạn, trên mặt trận năng lượng gió, Trung Quốc hiện nay dẫn đầu thế giới về sản xuất tua-bin gió, và thật mỉa mai trong cả chủ nghĩa bảo hộ. Vì ngay cả khi các công ty được nhà nước trợ cấp của Trung Quốc làm tràn ngập thị trường thế giới với tua-bin của họ, các nhà sản xuất nước ngoài như General Electric đóng tại Mỹ, Gamesa của Tây ban nha, và Suzlon của Ấn Độ bị cấm đấu thầu các dự án ở Trung Quốc do chính sách “Chỉ mua hàng Trung Quốc”.
Một trong những hậu quả nguy hiểm nhất từ sự nổi lên của Trung Quốc như là “công xưởng” không thể tranh chấp của thế giới là sự phàm ăn ngày càng tham lam năng lượng và nguyên liệu của Trái Đất. Để nuôi cỗ máy sản xuất của mình, Trung Quốc phải tiêu dùng một nửa xi-măng, gần một nửa lượng thép, một phần ba đồng, và một phần ba nhôm của thế giới.
Hơn nữa, vào năm 2035, nhu cầu dầu của chỉ riêng Trung Quốc sẽ vượt tổng sản lượng dầu hiện nay của toàn thế giới.
Đây là thói phàm ăn chết người. Vì để hỗ trợ cho thói phàm ăn này, các viên chức chính quyền Trung Quốc đã leo lên chiếc chiếu thực dân đẫm máu ngồi cùng các nhà độc tài sát nhân và các chế độ tàn bạo khắp thế giới. Để làm điều đó, các viên chức chính phủ và nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiến hành lạm dụng một cách thô bỉ nhất chính sách ngoại giao của Liên Hợp Quốc (LHQ) mà thế giới từng thấy.
Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có thể phủ quyết bất cứ biện pháp trừng phạt nào họ muốn. Trong gần một thập kỷ nay, những nhà ngoại giao cao cấp Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết của Trung Quốc để mối lái một loạt các giao dịch “đổi máu lấy dầu” và “cưỡng đoạt lấy nguyên liệu”. Hãy xem xét các thực tế sau:
• Để đổi lấy dầu của Sudan, những con buôn có quyền phủ quyết Trung Quốc đã ngăn Liên Hợp Quốc can thiệp vào nạn diệt chủng ở Darfur – thậm chí khi lực lượng quân sự Janjaweed tàn bạo sử dụng vũ khí Trung Quốc để cưỡng hiếp hàng ngàn phụ nữ và giết chết 300.000 người dân Sudan vô tội.
• Những con buôn có quyền phủ quyết Trung Quốc cũng ngăn Liên Hợp Quốc trừng phạt Iran và vị tổng thống bài Do Thái, trúng cử nhờ gian lận, để được tiếp cận các mỏ khí thiên nhiên lớn nhất thế giới. Hành vi này đã mở toang cánh cửa cho phổ biến hạt nhân ở Trung Đông. Nó cũng làm tăng cao khả năng tấn công hạt nhân vào Israel và làm tăng đáng kể nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay các phần tử thánh chiến chống Mỹ.
Sự lạm dụng của Trung Quốc đối với sứ mạng gìn giữ hòa bình của LHQ không còn là những sự cố riêng lẻ. Có thể nói rằng, chúng là một phần của chiến lược “tiến ra ngoài”, biến Trung Quốc từ một quốc gia từng theo chủ nghĩa biệt lập thành một đế quốc thực dân bành trướng lớn nhất thế giới. Đây là sự mỉa mai không nhỏ cho một quốc gia ban đầu được xây dựng trên những nguyên tắc Mác-xít chống thực dân, và từng là nạn nhân đau khổ của Đế quốc Anh và cuộc chiến tranh thuốc phiện trên đất Trung Quốc.
Khắp châu Phi, châu Á, và Mỹ Latin sân sau của Mỹ, nhãn hiệu chủ nghĩa thực dân thế kỷ 21 của riêng Trung Quốc luôn bắt đầu với sự mặc cả hiểm ác này: những khoản cho vay hậu hĩnh, lãi suất thấp để xây dựng hạ tầng đổi lấy nguyên liệu và sự xâm nhập thị trường nội địa.
Dĩ nhiên, một khi đất nước đó cắn phải miếng mồi thực dân này, thay vì dùng lao động tại chỗ, Trung Quốc sẽ mang đến đội quân kỹ sư và công nhân khổng lồ để xây dựng đường cao tốc, đường sắt, cảng và hệ thống viễn thông. Hạ tầng này cả về nghĩa đen và nghĩa bóng mở đường khai thác và vận chuyển nguyên vật liệu. Sau đó gỗ của Cameroon, ma-giê của Congo, thạch cao của Djibouti, mangan của Gabon, uran của Malawi, titan của Mozambique, mo-lyp-đen của Niger, thiếc của Rwanda, và bạc của Zambia quay trở lại các công xưởng của Trung Quốc ở các thành phố như Trùng Khánh, Đông Quan, và Thẩm Quyến. Tiếp theo, như cú đánh kết liễu cuối cùng của chủ nghĩa thực dân, Trung Quốc sẽ bán lại thành phẩm của họ vào thị trường các nước này – xóa bỏ các ngành tại chỗ, đẩy cao tỉ lệ thất nghiệp, và đẩy các thuộc địa mới lún sâu hơn nữa vào đói nghèo.
Tự vũ trang tận răng
Ngay khi Trung Quốc phát triển bằng cái giá mà tất cả các nước còn lại trên thế giới phải trả, họ cũng dùng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của mình tài trợ cho một trong những sự tăng cường quân sự nhanh và toàn diện nhất mà thế giới từng chứng kiến. Theo cách này, doanh nhân Mỹ sẽ bán dây thừng dùng để treo cổ chính hắn, mỗi “đô-la Walmart” người Mỹ hiện nay chi tiêu vào những thứ nhập khẩu rẻ tiền giả tạo của Trung Quốc vừa là khoản ứng trước cho tình trạng thất nghiệp vừa là khoản tài trợ bổ sung cho một Trung Quốc vũ trang nhanh chóng. Đây chỉ là một vài điểm mà cỗ máy chiến tranh khoa trương đó đang định hình:
• Hải quân và không quân mới được hiện đại hóa có tất cả mọi thứ từ tàu ngầm hạt nhân tàng hình và máy bay phản lực chiến đấu với thiết kế mới nhất của Nga đến tên lửa đạn đạo có thể nhắm chính xác các tàu sân bay Mỹ trên các đại dương.
• “Lầu năm góc” của Trung Quốc tự tin phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến – trong đó nhiều thứ do tin tặc và gián điệp ăn cắp thông tin– để bắn hạ vệ tinh, hệ thống GPS, và tấn công bằng đầu đạn hạt nhân vào sâu trung tâm nước Mỹ.
• Không giống như quân đội Mỹ đã kiệt sức và giờ đây dàn mỏng do các cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc – quân đội lớn nhất thế giới – có cả lực lượng vượt trội và tính sẵn sàng chiến đấu để áp đảo lực lượng của Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, hay Việt Nam và vẫn còn quá đủ bộ binh để nghiền nát Taliban và giữ gìn hòa bình ở Baghdad nếu nó quan tâm đến.
• Cánh “diều hâu chiến tranh” của quân đội Trung Quốc thậm chí chuẩn bị khả năng ném bom hạt nhân từ vũ trụ mà hầu như không để lại dấu vết. Những vũ khí hạt nhân vũ trụ này đến đúng mục tiêu chỉ trong vài phút ngắn ngủi, quá nhanh và lặng lẽ để đối phó.
Dĩ nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất nên e ngại sự nổi lên của kẻ gây hấn châu Á mới và hùng mạnh này. Những láng giềng ngày càng lo lắng giờ đây đối mặt với nguy cơ tăng lên nhanh chóng từ một kẻ bá quyền châu Á đang lên với chính sách đe dọa chiến tranh và bắt nạt trong các vấn đề từ tiếp cận các tuyến vận tải biển đến tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài.