Chàng trai “hô biến” đất sét thành món ăn miền Tây y như thật
Từ những cục đất sét bình thường vô tri vô giác, anh Nguyễn Tấn Đạt (TP.HCM), đã dùng đôi tay khéo léo của mình để sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo về đặc sản miền Tây như: mắm cá linh, đuông dừa, cá lóc nướng, cua đồng… giống hệt như thật.
Anh Nguyễn Tấn Đạt cho biết, ý tưởng bắt nguồn từ việc nhìn thấy miền Tây trong thời gian gần đây đang chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn, lũ không về nên hải sản cũng không về theo. Nhiều nơi bà con chủ yếu sống bằng nghề hải sản không làm ăn được, từ đó các món đặc trưng của miền Tây cũng bắt đầu vắng bóng.
Mặc dù không phải người con miền Tây, nhưng Đạt đã yêu mến miền Tây từ những lần đi du ngoạn. Anh thường mang máy ảnh đi khắp nơi để tìm hiểu và khám phá về con người ở các vùng miền, và miền Tây đối với anh cũng không còn xa lạ gì nữa.
Chính vì thế Đạt quyết định sẽ làm một bộ sưu tập mang tên ‘Góc miền Tây’ để giữ trọn những ký ức và hình ảnh đẹp của nơi này. Đồng thời mang hình ảnh ẩm thực và nghệ thuật đất sét Việt đến khắp thế giới.
“Mình nghĩ về hình ảnh con cá, nhưng dừng lại ở đó thì quá đơn điệu nên đã chia thành nhiều loại khác nhau, chủ yếu là về món ăn và cảnh vật miền Tây sông nước. Mình nhớ những bụi dừa nước, những trưa hè bắt cá be mương, và còn cả những con người cơ cực bán đất bỏ quê, đi thành phố làm lập nghiệp. Mình muốn truyền tải thông điệp về miền Tây, muốn mọi người biết đến mảnh đất này và trân quý nó, qua Góc miền Tây của mình”, Đạt tâm sự.
Nhưng có một điều khiến Đạt băn khoăn nhất, chính là làm sao để có thể thổi hồn và những câu chuyện vào sản phẩm chứ không đơn giản là chỉ đẹp.
“Khó khăn nhất chính là làm sao để đưa được cái hồn dân tộc vào từng sản phẩm. Thay vì một tác phẩm đẹp nhưng vô hồn, mình chọn làm những sản phẩm gợi nhớ về miền Tây, về quê hương thân thuộc, có những loài cá rất đẹp, nhưng mình lại thích những chú cá đồng như cá lóc, cá trê, lươn, lịch… đó là những hình ảnh bình dị gợi nhớ về tuổi thơ và dân tộc, là những điều đáng nhớ và đáng được trân trọng”.
Phác thảo xong ý tưởng trong đầu, thế là chỉ trong 1 tháng, ‘Góc miền Tây’ của Đạt đã tạo ra hơn 30 tác phẩm, tái hiện lại các món đặc sản như mắm cá linh, đuông dừa, cá chiên xù, cá lóc đồng nướng, cá khô, cá lóc nướng trui, cá nàng hai, tôm chua…
Ngoài ra, còn có cả hình ảnh lưới cá, những giỏ cá bống, giỏ cua vẫn còn lấm lem bùn đất… Rồi đến hình ảnh những khu rừng tràm, rừng đước với những con cá thòi lòi ngoi lên bờ…
Nhìn những thành phẩm giống hệt như thật, khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thích thú. Thậm chí nhiều du khách nước ngoài cũng bị thu hút bởi những tác phẩm của anh, và nhiều đơn hàng đã được đem đi xuất khẩu ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Anh cũng tiết lộ thêm một chút về kinh nghiệm nặn đất của mình rằng, để có được một tác phẩm có hồn nhất, điều kiện tiên quyết là phải hiểu lý tính của loại đất sét mình đang dùng. Tùy loại đất sẽ có nhiều cách tạo hiệu ứng khác nhau như ngâm nước, đốt, xoa cồn, phun sơn, cán mỏng…
“Trong quá trình làm, mình nghiên cứu nhiều chất liệu, rồi nghĩ tại sao không dùng đến đất sét. Đất sét hiện nay thì lại có rất nhiều loại như đất sét Nhật, đất sét Thái… nhưng chúng đều rất đắt. Sau đó mình phát hiện ra là đất sét Việt Nam chất lượng hơn nhiều. Vì nó dai hơn, rẻ hơn và không độc hại…”, anh Đạt chia sẻ.
Ngoài ra, phối màu cũng đặc biệt quan trọng, vì đây là bước để khẳng định sản phẩm đó có giống thật hay không, nên anh phải mất một thời gian khá dài để tìm cách pha màu cho đúng với ý định muốn thể hiện trong tác phẩm.
Ví như da cá thì phải phối màu ngọc trai và màu xám xanh trên lưng, đúng thời gian thích hợp, dùng que tạo từng vẩy cá mỏng trên thân, sau đó tạo phần đốm lườn cá.
Công đoạn xếp cá cũng phải thật nhẹ nhàng lúc đất chưa khô, vì đất khi còn mềm sẽ dễ bị méo mó.
Keo epoxy cũng là công cụ thường xuyên được sử dụng trong quá trình tạo hình sản phẩm. Ví dụ như thường sử dụng để làm mặt nước, hoặc nếu là nước mắm thì cần pha thêm màu vàng để giống với màu nước mắm thật v.v
Bên cạnh việc muốn lưu giữ kỷ niệm miền Tây, anh Đạt cũng muốn kết nối với cộng đồng đất sét Việt, nhằm khẳng định vị thế của đất sét Việt trên thị trường quốc tế, chứ không phải núp bóng dưới cái tên “Nghệ thuật đất sét Nhật Bản”.
“Nếu tương lai có đơn vị yêu cầu, mình sẽ kết hợp với nhiều nghệ nhân khác, và cả những làng nghề truyền thống Việt Nam như mây tre đan để làm những dự án lớn và có hướng đi cho tập thể”, Đạt hào hứng chia sẻ.
Anh cũng cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết mà mình có được cho những ai thích làm nghề này.
Chúc Di (t/h)