Cay mắt hình ảnh người cha đi chiếc dép tổ ong màu cháo lòng, đếm từng tờ dặn con ráng học
Mới đây tấm ảnh có tên “Ráng học nghe” đăng tải trên một diễn đàn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bỗng nhiên nổi tiếng vì có hình ảnh của một người cha đang đếm từng tờ tiền đưa con trai trong ngày đầu nhập học.
Tấm ảnh ghi lại hình ảnh một người cha với đôi dép tổ ong vàng đậm, đang cẩn thận đếm lại từng tờ tiền trên tay. Trong khi đứng bên cạnh là cậu con trai với đôi dép nhựa mới tinh đang mải miết với chiếc điện thoại.
Nguyễn Sang, người chụp tấm hình này cho hay, hôm đó anh đứng trên lầu nhìn xuống thì tình cờ thấy khoảnh khắc này nên chụp lại. Sau đó, anh đăng lên trang cá nhân của mình hai tấm hình. Trong đó, có một tấm hình người cha đang đếm tiền, còn một tấm hình thì dường như ông đang nhét cái gì đấy vào túi quần con trai.
Anh bảo: “Ông bố đếm từng nghìn bạc lẻ đút túi cho đứa con trai với lời thì thầm gì đó chắc là ‘ráng học nghe con’. Ngày đầu nhập học của con là vậy đó”.
Bức ảnh được đăng lên vô tình lại đúng dịp lễ Vu Lan nên càng trở nên nổi tiếng và nhận được nhiều sự chú ý. Ai cũng để lại những lời chúc, lời gửi gắm tới hai cha con tân sinh viên, nhất là người con với lời chúc hãy học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ: “Hình đẹp lắm, hai cha con cũng thật đẹp. Chúc em trai học tốt không phụ lòng cha mẹ, còn chúc người cha có sức khoẻ để gắng lo cho con học hành”.
Nhìn hình ảnh nhiều người cho rằng, có lẽ sau khi làm thủ tục nhập học cho con, người cha này đang kiểm tra lại còn bao nhiêu tiền, đưa con ở lại thành phố chi tiêu trước khi ông về quê.
PGS. Đỗ Văn Dũng, cũng chính là người thầy hiệu trưởng hiện tại của cậu sinh viên. Trong những ngày đầu khai trường, thầy cũng đã chứng kiến không ít những cảnh tượng gây xúc động như vậy.
Trong đó có một câu chuyện thầy vô tình chứng kiến vào lúc 5h20 sáng 13/8. Khi thầy bước vào trường, thì bắt gặp hai mẹ con từ vùng U Minh, tỉnh Kiên Giang lên nhập học. Người mẹ còn trẻ nhưng lam lũ, chắc do lấy chồng sớm nên “lời ru thêm buồn”!
Cô con gái đầu là tân sinh viên của trường mà bé xíu, nhỏ con như học sinh lớp 8 trên thành phố. Trò chuyện một hồi thầy mới thấy thương ơi là thương. Vì để có tiền cho con ăn học, nên người mẹ đã bán hết nửa phần lúa ở nhà .
“Chị bảo lên từ chiều hôm trước nên 2 mẹ con phải tốn 300 ngàn thuê nhà trọ ngủ qua đêm, một số tiền không nhỏ đối với người miệt quê”, thầy Dũng bồi hồi nhớ lại.
Thật ra vẫn còn nhiều lắm lắm những câu chuyện của các bạn sinh viên ngày đầu bước vào Đại học như vậy. Nó không như ta hồi bé đi học mẫu giáo khóc lóc đòi bố mẹ. Lần này bố mẹ lại là người bịn rịn tiễn con lần đầu bước chân vào hành trình cuộc đời.
Ngẫm lại chỉ là chúng ta không để ý mà thôi, những hình ảnh như câu chuyện ông bố, hay bà mẹ trên thật ra chẳng hiếm. Nhìn lại, hầu như trong chúng ta ai cũng đã từng không ít lần trong đời được bố mẹ dúi vào tay cho những tờ tiền một cách hào phóng, rồi lại nghe những câu nói dối quen thuộc như “con cứ cầm đi, bố mẹ có tiền rồi”, hay “cần gì cứ nói bố mẹ lo được hết”… mấy ai biết được đằng sau những lời ấy bố mẹ đối với bản thân lại chắt chiu từng đồng.
Nhất là những bạn sinh viên xa nhà, những năm đầu đi học còn bỡ ngỡ, tiền học phí, tiền sinh hoạt hằng ngày đều phải xin bố mẹ chu cấp. Ấy thế mà chẳng bao giờ có ai nghe bố mẹ than thở một lời nào mà chỉ vui vẻ dặn con phải ráng học. Mà nếu có hỏi bố mẹ có điều ước gì không, có chăng đó chỉ là mong con thành tài, có cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Chúc Di (t/h)