Thiếu nữ 16 tuổi xông vào tận quan tài cứu bé sơ sinh suýt bị chôn sống
Có thể nói, Y Byen chính là hình mẫu của người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu vô bờ. Ngay từ khi còn ở lứa tuổi học sinh, Y Byen đã dám vượt qua mọi lời dị nghị của dư luận, cô gái trẻ khi ấy đã nhận nuôi đứa con mà theo tục của người Bana phải bị xử tội chết mang về nuôi.
Thiếu nữ 16 tuổi chui vào quan tài cưu mang đứa trẻ sơ sinh suýt chết vì hủ tục
Năm 2004, Y Byen theo mẹ đi đổi gạo thì hay tin một người phụ nữ dân tộc không có điều kiện đã phải đẻ tại nhà và không may qua đời. Theo hủ tục của người Bana, đứa trẻ khi sinh ra phải chôn sống theo mẹ. Y Byen khi ấy vẫn còn là cô học sinh 16 tuổi nhưng đã dũng cảm thốt lên với mẹ rằng con muốn cứu đứa trẻ ấy.
“Mẹ tôi đồng ý. Thế là tôi và mẹ chạy tới xin đứa trẻ về nuôi. Tôi còn nhớ, lúc tôi vào nhà sản phụ, đứa bé bị đặt dưới quan tài, xác mẹ nó đặt lên trên. Tôi phải vào tận quan tài lôi đứa bé ra.
Sau khi tôi xin về, gia đình đó bỏ luôn đứa bé cho tôi, không liên hệ gì nữa. Họ nói, ai muốn lấy thì cứ lấy. Tôi nuôi đứa bé đó 16 năm nay, giờ cháu đã 16 tuổi.”
Cô đặt tên cho cậu bé là Y Song – nghĩa là “Món quà của Chúa Trời”. Ngoài thời gian đi học, cô bé tranh thủ đi móc mủ cao su, bắt cua, bắt ốc để trang trải học phí và mua sữa cho con. Lần đầu làm mẹ, Y Byen chưa từng sinh con bao giờ nên khá lúng túng, may mắn là có bố mẹ bên cạnh giúp đỡ và chỉ dạy nên dần dần Y Byen mới thành thạo hơn trong việc chăm con.
“Nếu gặp người khác thì người ta sẽ không chịu nổi đâu, nhà tôi lúc đó cũng khó khăn nghèo khổ lắm, vậy thì còn rước thêm cái khổ làm gì nữa. Nhưng bố mẹ tôi tuyệt vời lắm, bố mẹ tôi chỉ bảo rằng ‘của cải có thể cho nhau được nhưng con người thì không bao giờ kiếm ra được’, lúc đó cả gia đình cùng chung tay đi làm và tìm mọi cách để nuôi em bé.”
Nhưng đúng 1 tháng sau, gia đình Y Song lại đột ngột tìm đến Y Byen để xin được thăm em bé. Dù sao cũng máu mủ ruột rà, Y Byen vui vẻ để cho bố đứa trẻ được bồng con của mình.
“Ẵm sao mà chú ấy lại làm rớt em bé, xong bảo ‘Chú lỡ tay’. Đến đợt thứ hai cũng đến xin thăm và ẵm em bé, nhưng một lúc sau lại phát hiện chú ấy bế em bé đi ra phía sau chỗ cái giếng để nhảy xuống, may là khi ấy bố tôi phát hiện rồi kéo lên, xong ông ấy định đánh cho chú ấy một trận, nhưng tôi cản lại:
‘Bố ơi! mình không làm vậy được, mình phải nhờ pháp luật can thiệp’
Thế là gia đình chúng tôi quyết định kết nghĩa luôn, phía Y song cũng có bố, mà bên này cũng có gia đình tôi.”
Y Byen bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc đứa bé lần đầu gọi cô một tiếng mẹ, cô cảm thấy hạnh phúc đến rơi nước mắt. Cha của cô là chú Y Byơm cho biết, gia đình phải bán cả gà, heo để nuôi đứa bé ăn học tươm tất, dù khổ mấy đi chăng nữa, nhưng mọi người đều cam tâm tình nguyện.
“Con ơi! mẹ đây rồi!”
Đến năm 2015 duyên phận lại tiếp tục đưa Y Byen đến với đứa trẻ thứ 2 sau một chuyến đi hát trở về, Y Byen nghe có người bảo một đứa trẻ sinh non bị ai đó vứt ở nghĩa trang. Bản năng người mẹ trong cô lại trỗi dậy, Y Byen gọi ngay cho bố “con muốn nhận con về nuôi”
Không đắn đo gì, người cha già lập tức đồng ý. Chú Y Byơm khuôn mặt hiền từ pha lẫn chút khắc khổ, ông nhớ lại: “Ôi mừng lắm, tôi bảo nó cứ mang con về nuôi đi, vì có muốn không nuôi cũng không được, mình là người sống nhân đạo, tôi thương người lắm.”
Tức tốc, Y Byen đến ngay nghĩa trang gặp con, vừa nhìn thấy YByen đứa bé liền òa khóc nức nở, đôi tay nhỏ bé đột nhiên nắm lấy Y Byen níu kéo như thể đã chờ đợi cô từ lâu lắm rồi, cô gái trẻ khi ấy xúc động thì thầm với đứa bé rằng: “Con ơi! mẹ đây rồi!”
Đứa con thứ 2 này được đặt tên là Y Sơn, nghĩa là ngọn núi của dân làng.
Những ngày đầu nhận nuôi hai đứa trẻ, gia đình Y Byen nghèo đến mức không có cơm mà ăn. Tuy nhiên, vì thương những đứa trẻ vừa sinh ra đã thiệt thòi mà cô cố gắng. Đến nay, cha mẹ cô đã già yếu, chỉ làm nông và dệt thổ cẩm sống qua ngày. Riêng Y Byen, nhờ sở hữu chất giọng mạnh mẽ, hào sảng của núi rừng nên có cơ hội công tác trong vai trò ca sĩ tại Đoàn văn công Đam San, thành phố Pleiku. Mỗi tháng, thu nhập của Y Byen ở khoảng 3 – 4 triệu đồng, chỉ đủ trang trải những chi phí cơ bản cho gia đình 5 người.
“Nhiều người trong làng khi ấy họ xúc phạm tôi, xúc phạm cả gia đình tôi, họ bảo ‘khổ rồi còn nuôi làm gì nữa’ nhưng càng như thế tôi lại càng cố gắng hơn nữa”.
Nhớ đến bố mẹ, Y Byen bật khóc:
“Bố mẹ tôi chưa một lần than thở, nhưng tôi biết, họ đã khổ rất là nhiều. Nhiều lúc ra đường người ta xì xầm nói gái chưa chồng mà 2 đứa con, nhưng tôi không suy nghĩ gì cả, tôi cũng không hiểu sao mình có thể giỏi được đến mức như thế, tôi chỉ biết là mình đã cứu được 2 mạng người, và bố mẹ tôi cũng rất ủng hộ tôi và hiểu tôi.”
Hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc cho 2 đứa con không ruột rà máu mủ
Ở độ tuổi như Y Byen, những cô gái dân tộc khác đã yên bề gia thất cùng đàn con thơ. Mặc dù sở hữu nhan sắc dễ nhìn, cùng nụ cười tỏa nắng, giọng hát đầy nội lực, hẳn Y Byen phải có rất nhiều người theo đuổi. Tuy vậy, cô chỉ mong có sức khỏe, làm việc chăm chỉ để nuôi con mà chẳng màng hạnh phúc riêng. Y Byen còn sợ rằng, khi đã lập gia đình khó có người chồng nào đủ vị tha để yêu thương hết lòng hai đứa con nuôi của mình.
Đồng suy nghĩ với con gái, chú Y Byơm cũng tâm sự: “Kiếm chồng phải biết thương con của y Byen, nếu đa số chỉ thương mẹ mà còn đứa con thì không thương thì tôi cũng buồn lắm, tôi không muốn Y Byen bỏ rơi con nó.”
Cũng là phận con gái, nhiều khi đi hát cho các show diễn đám cưới, nhìn thấy cô dâu hạnh phúc trong bộ váy trắng mà Y Byen cũng từng chạnh lòng, cũng mong mỏi, nhưng những suy nghĩ ấy chỉ có thể thoáng qua, ngẫm nghĩ đến 2 đứa con thơ ở nhà, cô gái trẻ dường như quên luôn cả bản thân mình.
“Nhìn thấy các con là mình thương lắm, người mẹ sinh ra các con đã không thương các con rồi, mình nhận nuôi mà còn không thương nữa thì ai thương… Nhiều lúc tôi quên cả bản thân mình, thấy các con mà đau thì tôi chỉ ước mình đau thay các con. Các con đau ít thôi, con đau một thì mẹ đau gấp ngàn lần…”
Dù khó khăn là thế nhưng cô gái trẻ vẫn chưa bao giờ hối hận, thậm chí Y Byen vẫn sẵn sàng nhận thêm đứa trẻ nữa về nuôi nếu một lần nữa có thêm đứa trẻ nào có duyên với mình. Tuy nhiên, Y Byen chỉ lo sợ rằng, bản thân cô khi ấy không biết còn sức khỏe hay không nữa.
Chú Y Byơm, người cha luôn sẵn sàng đồng hành cùng con gái cũng quả quyết: “Nếu tôi còn khả năng, thì 5, 6 đứa nữa tôi vẫn nuôi, tới đâu thì tới…”
Quyết định tham gia truyền hình để truyền tải thông điệp
Câu chuyện về Y Byen mãi cho đến năm 2018 khi cô tham gia chương trình truyền hình “Hát mãi ước mơ” thì mới có nhiều người hơn biết đến. Cô gái trẻ thông qua chương trình hy vọng có thể mang câu chuyện của mình cho nhiều người biết hơn nữa. Y Byen kêu gọi đồng bào Bana hãy xóa bỏ hủ tục vì những đứa trẻ đâu có tội tình gì.
Cô mong sau này, những đứa trẻ đã kém may mắn khi lọt lòng vì mẹ qua đời, sẽ được những người thân còn lại trong gia đình thương yêu, đùm bọc. Vì đối với chúng mất mẹ đã là nỗi mất mát lớn nhất cuộc đời rồi, vậy nên hãy cho chúng được sống…
Gần đây nhất là năm 2019, Y Byen lại một lần nữa xuất hiện trước sóng truyền hình trong tập 14 chương trình “Người bí ẩn”. Câu chuyện về cô lại và 2 đứa con nuôi lại lần nữa được nhắc lên trước sự xúc động của nhiều người tham gia chương trình. Ai nấy đều không cầm được nước mắt và khâm phục trước nghị lực mạnh mẽ của Y Byen và chúc phúc cho cô cùng những đứa trẻ.
Cậu nhóc Y Song khi này cũng đã là cậu trai 16 tuổi tràn đầy tình cảm, ngoan ngoãn và lễ phép. Y Song bật khóc và gửi lời cảm ơn tới mẹ: “Con ở với mẹ Y Byen và ông
bà ngoại vui lắm. Con cám ơn ông bà ngoại đã nuôi con và em lớn lên. Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ đã nuôi con. Mẹ phải sống vui mẹ nhé”.
Người mẹ trẻ đôi mắt đỏ hoe chân thành nhìn con âu yếm bảo: “Tôi vẫn cho con trai biết bố mẹ ruột của nó và để tùy con. Nếu con lớn lên mà muốn về bên gia đình cũ thì tôi vẫn đồng ý”.
Đôi chút về hủ tục rùng rợn của người Bana
Được biết, theo hủ tục của người Bana, đứa trẻ nào chẳng may mẹ qua đời mà vẫn còn bú thì sẽ bị xử tội chết, bằng cách để đói khát, sau đó mang đi chôn cùng với người mẹ, hoặc có thể mang đứa bé ra bãi tha ma để cho chết mòn hay thú dữ ăn thịt. Theo nhiều người trong vùng, tập tục này đã có từ rất lâu và người Bana quan niệm nếu không để cháu bé theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát, hồn ma ấy đeo bám đứa trẻ và bắt nó đi theo.
Hơn thế nữa, đứa bé không có bàn tay mẹ chăm sóc sẽ gây phiền toái cho cha, anh, chị, em trong gia đình. Chính vì thế, đứa trẻ phải theo mẹ càng sớm càng tốt, khi ấy linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát và người sống cũng không phải bận lòng.
Ngoài ra, những cô gái nào lỡ “ăn phải trái cấm” trước hôn nhân phải tự tay bóp chết đứa con mình vừa sinh ra. Nếu người mẹ không thể giết con thì anh em dòng họ của cô sẽ… giúp.
Người Bana ở đây quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Hơn nữa, nếu người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này thì sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.
Hay nếu người phụ nữ sinh con ra mà không phải con của người chồng hiện tại thì đứa trẻ cũng sẽ bị dẫm đạp đến chết trước sự chứng kiến của vợ và những người trong làng.
Chúc Di (t/h)