Câu hỏi của Đức Phật: “Một hòn đá ném xuống sông thì nổi hay chìm?”
“Một hòn đá ném xuống sông thì nổi hay chìm?”. Từ một câu hỏi đơn giản, Đức Phật đã giảng cho chúng đệ tử những lời dạy vô cùng ý nghĩa về mối thiện duyên.
Trong điển tích Phật giáo có câu chuyện “Hòn đá sang sông”, kể rằng:
Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Một hôm Ngài cùng các đệ tử đi đến một con sông. Nước sông mênh mông, chảy xiết. Đức Phật cúi xuống nhặt một hòn đá khá to lên rồi quay lại hỏi các đệ tử:
“Các con hãy trả lời ta, hòn đá này ném xuống sông thì nổi hay chìm?”.
Vừa nói dứt lời thì Đưc Phật ném hòn đá xuống sông. Đương nhiên hòn đá đã bị chìm mất. Chúng đệ tử không hiểu ý thầy hỏi là thế nào, thầm nghĩ: “Đá ném xuống nước tất nhiên phải chìm rồi”.
Họ đồng thanh thưa: “Thưa Thế Tôn, đá chìm ạ”.
Đức Phật thở dài nói: “Ài! Hòn đá này thật là vô duyên”.
Nghe thầy than thở, đệ tử càng ngơ ngác suy nghĩ: “Đá ném xuống nước phải chìm, đấy là lẽ tự nhiên. Sao lại có hòn đá vô duyên hay hòn đá có duyên chứ?”.
Đức Phật chậm rãi nói: “Có hòn đá vuông mỗi chiều 3 thước, đặt xuống nước không những không chìm mà nó còn qua được bên kia khô ráo. Các ngươi có thể nói cho ta biết vì sao không?”.
Các đệ tử suy nghĩ một hồi lâu vẫn không tìm ra lời giải đáp, xin thầy giảng giải.
Đức Phật trả lời:
“Đơn giản quá, chẳng qua hòn đá ấy có thiện duyên. Đó là nhờ cái thuyền, đá đặt trong thuyền chở qua sông, rõ ràng không chìm mà cũng không ướt.
Con người ta cũng như vậy thôi, nếu ai gặp thiện duyên thì mọi việc tốt đẹp, sẽ trở thành người tốt. Nếu không sẽ chẳng làm nên trò trống gì, trở thành kẻ ác. Vậy nên con người ta sinh ra trên đời phải chọn thầy tốt mà học, chọn bạn tốt mà chơi, chọn điều tốt mà theo. Đấy chính là thiện duyên của con người vậy”.
Chúng đệ tử nghe Đức Phật giảng nói mới hiểu rõ đạo lý làm người nên ai nấy vui mừng khôn tả.
Khi rơi xuống dòng sông, hòn đá chỉ có thể chìm, cho dù nó chỉ nhỏ bằng một hạt sỏi. Tuy nhiên, dẫu là một tảng đá to lớn, thì nó vẫn có thể sang sông khô ráo nếu được ai đó đặt lên một chiếc thuyền.
Và điều đó là nhờ mối thiện duyên giữa hòn đá và chiếc thuyền cũng như với con người đặt nó lên chiếc thuyền kia. Có thể thấy, mối thiện duyên ấy đã làm nên những điều tưởng chừng không thể.
Trong lịch sử nhân loại, không thiếu các bậc vĩ nhân anh hùng khi chưa gặp thời, họ chỉ biết lui về ở ẩn, ngao du sơn thủy… cho đến ngày gặp được minh chủ, chính là gặp được thiện duyên của mình. Lúc đó họ như rồng gặp mây, thỏa chí mang tài mang đức ra giúp ích cho muôn dân muôn họ. Bởi vậy, có thể nói sự tỏa sáng tài năng của một người chính là kết quả của những mối lương duyên đã được an bài.
Vì thế nếu chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp, đạt một sự thành công nào đó, hãy hiểu rằng đó là nhờ những “thiện duyên” mà Thượng Đế đã ban tặng. Tư duy này không hề làm giảm bớt giá trị tự thân hay không thừa nhận những nỗ lực, cố gắng của con người, nó chỉ giúp chúng ta càng nhận thức đúng đắn, viên mãn hơn về nhân sinh.
Những “thiện duyên”, đó chính là chân lý, công bằng, là đạo đức nhân văn… của con người. Vậy nên, nếu có thể tìm gặp được những điều đó trong bạn bè tốt, trong những người hướng dẫn nhiệt tâm, hay trong một cuốn sách quý… thì cũng chính là chúng ta đã gặp được “thiện duyên” của mình vậy!
Và hơn hết, trong cuộc sống này, mỗi chúng ta hãy kết càng nhiều thiện duyên, và thực sự trân quý những mối thiện duyên này.
Bảo An sưu tầm