Câu chuyện văn hóa và những điều cấm kị khi dùng đũa
Đũa là một vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người châu Á. Vì thế, việc dùng đũa đã trở thành nét văn hóa rất độc đáo của người phương Đông.
Trung Quốc
Từ xa xưa, đũa được những người dân bên sông Trường Giang gọi là “trợ” có nghĩa là “dừng lại”. Nhưng đối với những người thủy thủ đi trên tàu, “dừng lại” là một điều không may. Cho nên thay vì gọi “trợ”, họ lại gọi là “khoái” có nghĩa là nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ đó đến nay, người Trung Hoa gọi đôi đũa là “khoái” (筷).
Người Trung Quốc không dùng dao nĩa trong bữa ăn, bởi theo quan niệm của học thuyết Khổng Tử, đó là những vật dụng liên quan đến bạo lực và binh đao. Trong khi đó, đũa tượng trưng cho sự thanh cao và lòng nhân từ, đây cũng là hai nội dung chính của học thuyết Khổng Tử. Một lý do nữa không kém phần quan trọng là các món ăn của người Trung Quốc thích hợp với đũa hơn dao nĩa.
Do đó, đôi đũa đóng một vai trò quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Trung Hoa. Ở một số nơi, trong lễ cưới, gia đình chú rể tặng 2 đôi đũa và 2 cái bát cho đôi vợ chồng. Người ta cho rằng, nó thể hiện lời cầu chúc cho cô dâu chú rể không chỉ có cuộc sống hạnh phúc mà còn sớm sinh con đẻ cái vì “khoái” có nghĩa là “nhanh”.
Đặc biệt, trong đời sống hàng ngày của họ, người Trung Quốc cũng có những quan niệm thú vị trong việc dùng đũa.
Trước bữa ăn, đôi đũa được đặt trên bàn, bên cạnh chiếc bát, hai đầu đũa khép kín. Khi hoàn tất bữa ăn, người ăn sẽ đặt đôi đũa lên ngay giữa bát ăn, đầu đũa hướng về phía trước.
Một số hành động khiếm nhã nên tránh khi dùng đũa:
- Cầm đôi đũa trái đầu nhau.
- Dùng đũa để đánh lên bát, đĩa và bàn, điều này giống như cách làm của một người ăn xin.
- Cắm đôi đũa thẳng đứng trong chén hoặc đĩa thức ăn, điều này gợi tới một nghi thức trong lễ tang.
- Dùng đũa như một chiếc nĩa để cắm và lấy thức ăn, điều này thể hiện sự tham ăn.
- Tay cầm đũa nhưng lại do dự, phân vân khi gắp thức ăn.
- Gắp thức ăn lên bát rồi gắp trả trở lại đĩa, điều này thể hiện sự bất lịch sự.
- Dùng đũa xới thức ăn lên để tìm, điều này thể hiện thói quen xấu.
- Dùng đũa để chỉ trỏ người khác trong khi ăn.
- Gắp thức ăn cùng lúc với một người khác, điều này thể hiện sự vội vàng khi ăn.
- Dùng đũa để đẩy bát hoặc đĩa.
- Mút đũa.
- Để nước chấm, canh rơi xuống bàn khi gắp thức ăn.
- Dùng đũa như dao để cắt thức ăn. Khi cần, khách có thể dùng muỗng hoặc nhờ người mang dao đến.
- Dùng đũa để xỉa răng
- Dùng đũa còn dính thức ăn bên trên để gắp thức ăn khác.
- Gắp chỉ một loại thức ăn đối với món thập cẩm, điều này khiến người khác không có cơ hội thưởng thức món ấy
Điều không chỉ Trung Quốc mà một số nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam kỵ nhất là chống đũa vào bát cơm, vì người ta chỉ làm điều này trong nghi thức tang lễ (khi đơm cơm cúng cho người chết). Hơn nữa, điều này đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng chủ nhà hoặc những người lớn tuổi.
Sau khi ăn xong, khách và người trẻ tuổi phải đợi gia chủ hoặc người lớn tuổi đặt đũa xuống trước.
Việt Nam
Khắp nơi, trên đất nước Việt Nam, đâu đâu người ta cũng ăn cơm bằng đũa. Lâu dần, ăn cơm dùng đũa không còn là một thói quen cố hữu hàng ngày, mà đã trở thành một nếp sinh hoạt, thể hiện lối ứng xử mang tính nhân văn sâu sắc.
Đôi đũa tre là một vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của tất cả các gia đình người Việt. Trong đời sống dân gian, đôi đũa được xuất hiện nhiều trong ca dao tục ngữ.
Người Việt cũng có các quan niệm về đũa tương tự người Trung Quốc. Khi ăn cơm, người miền Bắc thường có thói quen so đũa đều, rồi chia từng đôi đũa cho mọi thành viên khác. Nếu ai vô tình nhận được đôi đũa lệch thường có cảm giác không vui, giống như mình bị người khác xem thường.
Phong cách ăn uống lịch sự nhất là gắp thức ăn vừa đủ vào bát rồi mới ăn, khi nào hết thức ăn thì gắp tiếp.
Thêm vào đó, họ còn tránh việc trao đũa cho nhau, mà chỉ đặt đũa lên bàn chứ không đưa tới tay người khác. Đưa thẳng như vậy sẽ có thể gây xích mích. Họ còn tránh việc vừa cầm đũa vừa chan canh vào cơm.
Theo tập quán của người Việt, khi cô dâu về nhà chồng hay chú rể về nhà bố mẹ vợ sẽ được ưu tiên dành quyền chia đũa cho mọi người rồi mời ông bà, cha mẹ, anh chị em dùng bữa. Đối với người miền Nam, khi ngồi vào bàn ăn, người lớn tuổi hơn sẽ cầm đũa trước và chủ sẽ cầm đũa lên trước khách. Điều này thể hiện gia đình có tôn ti trật tự.
Nhật Bản
Người Nhật có những quan niệm đặc biệt trong cách dùng đũa.
So với đũa Trung Quốc, Việt Nam… đũa Nhật Bản làm bằng gỗ, ngắn và dễ sử dụng hơn. Theo Richard Bowring, một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nhật Bản: “Đũa Trung Quốc dài và hơi to quá nên khó sử dụng”.
Do đó, quan niệm dùng đũa của người Nhật còn liên quan đến chiều dài đôi đũa. Đũa của chồng dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn của con cái, đũa của anh dài hơn đũa của em. Điều này ngược lại với thời xưa, bậc đế vương dùng đũa ngắn, cấp bậc càng thấp dùng đũa càng dài.
Dưới con mắt người Nhật, đôi đũa có giá trị hơn khi nó trở thành chủ đề thẩm mỹ học gắn nhiều với phong tục, tập quán. Ở Nhật Bản, một món ăn truyền thống, nổi tiếng là món Sashimi sẽ dễ bị hỏng nếu như người Nhật sử dụng các dụng cụ ăn bằng kim loại như dao, nĩa… theo kiểu người phương Tây.
Trên bàn ăn, người Nhật dùng một đôi đũa chung để gắp thức ăn vào bát của riêng mình. Nếu không có đôi đũa chung, họ phải trở đầu đũa ăn của mình để gắp thức ăn sau đó trở lại đầu đũa cũ để ăn. Đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh mà còn gần với phong tục: trong tang lễ Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương người đã khuất sau khi hỏa táng và truyền cho nhau.
Ngoài ra, họ còn tránh dùng đũa gắp thức ăn đã bị rơi. Điều thú vị hơn cả là người đi cắm trại, nhất thiết không được quên tục lệ: đũa dùng xong phải bẻ đôi để tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm điều xấu ác.
Hàn Quốc
Người Hàn Quốc thích dùng đũa bằng kim loại
Người Hàn lại “chuộng” dùng đũa bằng kim loại như nhôm hoặc inốc. Họ không thích dùng đũa bằng tre, gỗ như người Hoa, người Việt và người Nhật vì nó nhẹ quá. Họ dùng muỗng để ăn cơm và dùng đũa để gắp thức ăn.
Bàn về văn hoá dùng đũa để thấy rằng không chỉ đơn thuần là việc ăn sao cho ngon, nấu món ăn sao cho hợp khẩu vị mà còn tìm hiểu cái yếu tố làm tăng giá trị của nền ẩm thực Á đông.
Theo quantridulich, Vision Times