Câu chuyện lập nghiệp của giám đốc đánh giày
Chúng tôi là công ty đánh giày lớn nhất châu Phi,” ông chủ của công ty đánh giày Lere Mgayiya chia sẻ đầy tự hào. “Tại Johannesburg, trung bình một ngày chúng tôi đánh được 350 đôi giày, và hơn 120 đôi khác tại sân bay Cape Town”. Hiện công ty đánh giày Lere có 45 công nhân viên, hoạt động tại 3 sân bay lớn nhất Nam Phi với doanh thu hàng năm lên tới 227.000 USD. Nhưng để có được thành công ngày hôm nay, vị doanh nhân này đã phải đối mặt với nhiều thất bại trong cuộc sống để có thể sở hữu một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ.
Khởi nghiệp chông gai Trước khi trở thành “vua đánh giày” tại Nam Phi, Mgayiya đã có một thời gian làm trong ngành hàng không với ước muốn từ nhỏ là trở thành một phi công. Tuy nhiên, khi đã có cơ hội để hoàn thành ước mơ thuở ấu thơ thì anh lại chần chừ và cuối cùng khước từ. Anh chợt nhận ra đó không phải là công việc sẽ gắn bó với bản thân suốt đời. Sau khi bỏ việc, Mgayiya làm việc vận chuyển gia súc, gia cầm cho công việc kinh doanh của gia đình. Song anh lại tiếp tục thất nghiệp vì muốn việc làm ăn của gia đình khấm khá hơn bằng cách mạo hiểm vay nợ để đầu tư lớn.
Không từ bỏ giấc mộng kinh doanh, Mgayiya bắt đầu buôn trứng. Có sẵn mối quan hệ khăng khít với các chủ trang trại khi còn là người vận chuyển, anh thiết lập các mối làm ăn, giao trứng của họ cho nhà bếp Quốc hội Nam Phi. Sau một thời gian, Mgayiya bắt đầu chán nản với công việc buôn bán vất vả mà chỉ thu lợi nhuận 6 USD/hộp trứng. May mắn đến với Mgayiya khi anh tham dự một chương trình truyền hình thực tế dành cho các doanh nhân trẻ. Giám đốc marketing của hãng giải khát Red Bull thích ý tưởng quảng cáo mà Mgayiya trình bày trong cuộc thi. Và anh đã “rinh” về 3.100 USD tiền thưởng của chương trình. Mgayiya dồn hết số tiền này đầu tư vào một công ty môi trường đô thị nhưng một lần nữa, thành công lại không mỉm cười với anh. Tất cả những lần thất bại trong kinh doanh đều mang lại cho Mgayiya những bài học kinh nghiệm quý báu. Một lần nữa quyết tâm lập nghiệp, Mgayiya chọn thử thách trong nghề đánh giày, bắt đầu từ sân bay Cape Town. Tháng 11/2002, anh nộp đơn xin thuê mặt bằng trong sân bay để mở dịch vụ đánh giày, nhưng đến tận tháng 9/2003, đơn mới được chấp thuận. Năm đó, anh đã phải bán ô tô, tủ lạnh, làm lễ tân trong 3 tháng, đi xin ăn và vay tiền để có thể trang trải cuộc sống thường nhật. Ngày đầu tiên bắt đầu công việc đánh giày, vì không có đủ tiền để đầu tư trang thiết bị, chiếc ghế của anh dành cho khách hàng bị thiếu mất bàn để chân, anh đã phải để giày lên đùi để đánh bóng. Trong giai đoạn đầu, Mgayiya và một nhân viên nữa phải còng lưng đánh giày từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối mới được về nghỉ ngơi. Tuy vất vả nhưng công ty của anh đã có những vị khách riêng cho mình. Công việc làm ăn ngày càng tiến triển và chỉ sau 4 tháng, số nhân viên làm việc đã lên tới 5 người.
Thành công tại sân bay Cape Town đã làm thỏa nguyện tham vọng kinh doanh của Mgayiya. Sau một năm hành nghề, anh đã thiết lập được mối liên hệ với giới phụ trách các sân bay tại Nam Phi. Họ đánh giá cao ý tưởng của Mgayiya và hỗ trợ anh mở rộng thị trường. Hiện tại, công ty đánh giày của Mgayiya đã mở rộng quy mô với 45 nhân viên chia nhau làm việc tại 3 sân bay sầm uất nhất Nam Phi. “Tôi mua được nhà riêng, lấy vợ và gửi con gái đến trường học tư, tất cả là nhờ công việc đánh giày này”, Mgayiya mỉm cười đầy tự hào. Đối với những doanh nhân trẻ, Mgayiya khuyên họ phải tin tưởng vào chính khả năng của bản thân mình. “Mọi thứ không phải lúc nào cũng thuận lợi, nếu như chần chừ không bắt đầu thì bạn sẽ chẳng đi tới đâu cả”. Hiện Mgayiya đang tìm kiếm đối tác làm ăn tại Angola, Kenya, Nigeria và Anh. Bài học làm giàu Mgayiya đã học được rất nhiều điều kể từ khi phát triển sự nghiệp đánh giày. Một người đánh giày cũng cần có đầu óc, kiến thức để cải thiện công việc của mình. Sau khi bối rối vì không thể trả lời câu hỏi của một khách hàng về sự kiện trong bản tin thường nhật, Mgayiya biết là mình cần phải trau dồi kiến thức. Đọc sách báo đã mang đến cho anh những ý tưởng và chiến lược kinh doanh mà trước đây anh chưa từng biết đến. Bên cạnh đó, Mgayiya thừa nhận việc cập nhật kiến thức cũng giúp ích trực tiếp cho công việc đánh giày của anh. Nhiều khách hàng khi mỏi mệt vì thời gian chờ đợi quá lâu tại sân bay, ắt hẳn họ rất cần một người để chuyện trò. Chính vì vậy, những nhân viên đánh giày tại công ty của Mgayiya đều phải cập nhật tin tức, kiến thức đời sống để có thể giao tiếp và tương tác với khách hàng. Bên cạnh đó, các nhân viên của Mgayiya cũng đều phải học bài bản các kỹ năng đánh giày một cách chuyên nghiệp. Họ được đào tạo làm thế nào để khách hàng cảm thấy hài lòng nhất về đôi giày sáng bóng của mình. Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng đánh giày chỉ là công việc dành cho tầng lớp lao động với trình độ thấp. Tuy thực trạng đó đang hiện hữu tại khắp các nẻo đường trên toàn thế giới, song vẫn có nhiều người đã mạo hiểm đầu tư để gây dựng sự nghiệp đánh giày theo hướng bứt phá như Mgayiya. Từ hình thức đánh giày đường phố đơn thuần ban đầu, nhiều doanh nhân đã quyết định mở các cửa hàng đánh bóng và sửa chữa giày chuyên nghiệp trên những con phố tài chính – nơi tập trung đông đảo các nhân viên văn phòng luôn muốn mình xuất hiện hoàn hảo trước mặt đối tác. Cậu bé Dickinson, 19 tuổi, người Mỹ, là một trong những người triển khai dịch vụ đánh giày chuyên nghiệp theo hướng như vậy. Sau giờ lên lớp, Dickinson đi đánh giày và cho biết công việc này đem đến cho cậu nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết. Dickinson học được cách tìm kiếm thị trường việc làm, tìm hiểu nơi nào sẽ tập trung khách và có thể dễ dàng mời họ đánh giày. Cậu cũng tìm hiểu nhiều kỹ thuật mới để cải thiện chất lượng dịch vụ của mình. Tất cả đều là chiến lược được Dickinson đúc kết hàng ngày để chuẩn bị cho “đấu trường” kinh doanh trong tương lai. Hồng Hạnh |
Theo Báo Tin tức