Câu chuyện dân gian thú vị: “Tiền bạc có mắt, ngũ cốc có mũi”
Thời xưa, người dân cho rằng tiền có mắt có thể nhận ra chủ nhân của mình, ngũ cốc có mũi có thể phân biệt được người cần kiệm. Câu nói “ Tiền có mắt, ngũ cốc có mũi” còn có một giai thoại lịch sử!
Trong sách “Nhĩ thực lục” do Nhạc Quân người nhà Thanh viết, có ghi chép lại một câu chuyện rất ly kỳ, kể rằng có một người nghèo, từ nhỏ gia cảnh khốn khó, tuy vậy lại rất lười biếng, hơn 20 tuổi vẫn không chịu đi làm.
Một hôm, có một người mặc áo xanh dẫn theo một người mặc áo trắng đến nhà người nghèo, nói với ông ta: “Chúng ta bị người ta giam cầm rất lâu rồi, may mắn trốn thoát, hôm nay đến đây nhờ cậy vào ngươi. Mấy hôm nữa, một vị huynh đệ khác cũng sẽ đến”. Vừa nói, bọn họ xông thẳng vào phòng ngủ của người nghèo.
Người nghèo rất ngạc nhiên, hoàn toàn không hiểu ý bọn họ là gì, vội vàng đuổi theo thì thấy trong phòng không một bóng người, chỉ thấy trên mặt đất có một đống đồ, đi vào xem thì phát hiện là bạc trắng và tiền đồng. Lúc này, người nghèo mới hiểu là thần Tài đang nói chuyện với mình.
Đúng như lời người áo xanh nói, vài ngày sau quả nhiên có một người áo vàng đến, sau khi vào phòng ngủ, chớp mắt cũng biến mất, trên nền nhà trống xuất hiện 100 dật vàng (chế độ thời Tần: 1 dật bằng 20 lượng). Trong một đêm, người nghèo phất lên nhanh chóng, trở thành người giàu có. Từ giờ chúng ta đổi cách xưng hô gọi ông ta là viên ngoại.
Viên ngoại thầm nghĩ, thần Tài vì không muốn bị giam cầm, nên chạy đến chỗ mình, chắc hẳn là mặc ý để mình sử dụng. Thế là ông ta dùng tiền tài để nạp thê thiếp, xây dựng phòng ốc xa hoa, mua ruộng đất. Nhà cửa cao sang, nô bộc thành đàn, khách khứa tứ phương kéo nhau mà đến; ra cửa không phải đi bộ, đã có kiệu khiêng còn có cả xe ngựa.
Mỗi lần ra ngoài là khua chiêng gõ trống, giống y hệt như quan to, quý tộc. Chớp mắt, viên ngoại trở thành người giàu có nhất thôn, bậc nhất một phương, cuộc sống xa xỉ của ông ta rất nhanh đã lan đến kinh thành.
Con trai của viên ngoại là kẻ phung phí của cải, cuộc sống của anh ta cũng hoang dâm xa hoa không kém gì cha mình. Anh ta ra lệnh cho người đem vàng cán thành vàng lá, rồi dùng mấy chục lá cờ lớn bọc lại.
Đợi đến khi nổi gió, hạ lệnh cho người hầu đứng trước gió mở ra khua cờ. Những tấm vàng lá bọc trong cờ theo gió tung bay, bỗng chốc bầu trời phủ kín màu vàng chói lọi. Việc này đã trở thành thói quen của con trai viên ngoại.
Hoặc là, anh ta lệnh cho người hầu đem tơ lụa phủ đầy trên mặt đất, dày đến mấy thốn, lại ra lệnh cho hàng chục tỳ nữ và tiểu thiếp nằm lên trên, còn anh ta dùng những đồ vật quý như vàng bạc châu báu, đứng từ xa ném vào họ; hoặc là trực tiếp đổ mấy thưng trân châu lên chồng lụa, để tỳ nữ và tiểu thiếp lên tranh cướp nhau, anh ta đứng một bên xem trò vui để tiêu khiển. Con trai của viên ngoại hoang dâm phung phí, làm những chuyện trái lễ nghi nhiều không kể xiết.
Một hôm, cha của viên ngoại đi du ngoạn, thấy trong đống phân ở trên đường có dính mấy hạt ngũ cốc, liền ngạc nhiên nói: “Những hạt ngũ cốc này người nông dân phải vất vả trồng ba mùa vụ mới có được, là lương thực không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, sao lại vứt chúng ở chỗ bẩn thỉu như vậy?”. Vì thế ra lệnh cho người hầu nhặt chỗ ngũ cốc đó lại, dùng nước rửa sạch.
Người cha vừa về đến nhà, thấy viên ngoại từ phía trước đi tới nói: “Buổi trưa, có mấy người mặc y phục rất đẹp, lần lần từ trong phòng ngủ đi ra ngoài nói với con: ‘Nhà ngươi xua đuổi chúng ta, hôm nay chúng ta sẽ đến Nhan Thường gia ở thôn tây’.
Bọn họ nói xong, liền lững thững đi ra cửa. Con kiểm tra của cải trong phòng, toàn bộ đã biến mất. Còn nhìn thấy hàng vạn con muỗi màu vàng từ kho lương bay ra, chớp mắt đã rợp trời. Con thấy chúng đều bay theo hướng tây, còn kho lương thì lại không còn một hạt nào”.
Trong chốc lát, bọn họ từ những kẻ giàu có lại trở nên bần cùng. Hai cha con ngồi bệt trên đất, ngẩng đầu nhìn trời kêu than.
Tục ngữ nói: “Từ cuộc sống tiết kiệm, giản dị chuyển sang cuộc sống xa hoa giàu có thì dễ dàng đơn giản, nhưng đã có sống cuộc sống xa hoa giàu có rồi mà chuyển về cuộc sống tiết kiệm thì khá khó khăn”.
Con trai của viên ngoại đã quen với cuộc sống xa hoa dâm dật, chốc lát gia cảnh thay đổi,anh ta rất khó để trở về cuộc sống cần kiệm.
Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi, họ bán hết ruộng đất lấy tiền, cuối cùng miệng ăn núi lở, người nhà viên ngoại lần lượt chết hết, con trai của ông ta chán nản vì khốn khó, ăn mặc đói rét, chết trong khe rãnh.
Sau khi viên ngoại và con trai của ông ta chết, chỉ còn cha của viên ngoại còn sống. Một hôm, cha của viên ngoại nằm mơ, trong mơ thấy có người nói với ông: “Ta là thần Ngũ cốc, cảm tạ ngươi ngày xưa đã cứu ta từ nơi ô uế. Ta một lòng ghi nhớ ân đức này. Từ ngày mai trở đi, ta sẽ cung cấp lương thực cho ngươi, coi như là báo đáp”.
Hôm sau, hàng vạn con muỗi màu vàng bay về, hóa thành ngũ cốc. Sau khi cha của viên ngoại ăn hết, muỗi vàng lại bay đến, cho đến khi cha của viên ngoại mất.
Của cải sinh ra giữa trời đất, vốn dĩ là để cho con người dùng, nhưng sử dụng nhất định phải tiết chế, đồng thời tiêu pha phải hợp lý, mới tránh được sai lầm.
Những kẻ phá gia chi tử ăn chơi trác táng, nhờ được âm đức tổ tiên phù hộ, kế thừa hàng vạn mẫu ruộng và nhà cao cửa rộng, chỉ cần phẩy tay một cái, theo cái phẩy tay đó là tiêu tốn gia sản bằng 10 hộ gia đình bình thường. Hành động như vậy giống như việc nhìn thấy thần Tài đến, nhưng lại cầm rìu xua đuổi thần đi.
Một số người lại như “thần giữ của”, đến cha của mình đến mượn cái cày cái cuốc, mẹ mình đến mượn chổi, cũng đều từ chối. Tham của keo kiệt như vậy, thì giống như giam cầm thần Tài lại!
Vì thế, người tiêu pha tiền tài vô độ, chỉ quan tâm đến thú tiêu khiển của bản thân, là kẻ bất nhân. Còn những người tham tiền tài chỉ biết giữ khư khư cho mình, không bố thí giúp đỡ người khác, là kẻ bất trí. Bất nhân bất trí, thì sao có thể làm người?
“Tiền có mắt, ngũ cốc có mũi, bay đi bay lại vô định”, câu chuyện kể trên là lời giải thích rất thi vị cho ý nghĩa của câu nói này.
Nhật Hạ biên dịch
Xem thêm: