Cập nhật diễn biến đợt không kích Syria của Mỹ và đồng minh
Mỹ và các đồng minh Ả Rập đã triển khai đợt không kích đầu tiên ở Syria hôm Thứ Ba (23/9), tiêu diệt hàng loạt chiến binh Hồi giáo và thành viên của nhóm ly khai thuộc al Qaeda.
Việc các nước liên minh tham dự vào cuộc nội chiến kéo dài 3 năm tại nước này đã mở ra một mặt trận mới chống lại lực lượng cực đoan.
Trong một dấu hiệu chuyển biến đáng khích lệ từ các đồng minh Trung Đông, cuộc tấn công diễn ra không vấp phải sự phản đối mà thậm chí còn được Tổng thống Syria là Bashar al-Assad ngầm tán thành.
Bộ Tư lệnh Mỹ cho biết Bahrain, Jordan, Qatar, Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã cùng tham gia hoặc hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống ISIS. Đây đều là các quốc gia đối nghịch với Assad nhưng giờ lại khiếp sợ các chiến binh Hồi giáo vốn nổi lên từ cuộc đảo chính chống Assad do chính họ hậu thuẫn.
Máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình Tomahawk tấn công vào “các chiến binh, căn cứ huấn luyện, cơ quan đầu não, trạm điều hành, kho chứa, trung tâm tài chính, phương tiện vận chuyển vũ trang và xe tải”, Bộ Tư lệnh Mỹ cho biết.
Washington cũng thông báo, lực lượng Mỹ đã đơn độc triển khai 8 cuộc không kích vào các khu vực khác của Syria để tiêu diệt “Nhóm Khorasan”, một nhánh của al Qaeda nguy hiểm không kém gì ISIS theo như đánh giá của giới chức Mỹ.
Cơ quan Giám sát Nhân quyền tại Syria cho biết, ít nhất 70 chiến binh hồi giáo đã thiệt mạng trong các cuộc không kích tấn công vào hơn 50 mục tiêu tại các tỉnh Raqqa, Deir al-Zor, và Hasakah miền đông nước này.
Cơ quan này cũng đưa tin, ít nhất 50 chiến binh và 8 thường dân thiệt mạng trong đợt tấn công nhắm vào chi nhánh của al Qaeda ở Syria, nhóm Nusra Front ở phía bắc tỉnh Aleppo và Idlib. Theo nhóm quan sát viên, hầu hết các chiến binh Nusra Front thiệt mạng đều không phải là người Syria.
Các cuộc không kích khẳng định hùng hồn lời hứa tiêu diệt ISIS của Tổng thống Barack Obama. Vấn đề tiếp theo là xem xét hiệu quả của đợt tấn công này, nơi mà Mỹ không có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của đồng minh để chiến đấu trên mặt đất.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Washington và đồng minh Ả Rập sẽ tiến hành một chiến dịch không kích liên tiếp với tốc độ tấn công phụ thuộc vào thời gian xác định mục tiêu phù hợp.
“Kẻ thù chung”
Trong một diễn biến cho thấy sự trỗi dậy của ISIS đã làm lu mờ những ranh giới xung đột tại Trung Đông, chính quyền Syria cho biết đã được Washington thông báo nhiều giờ trước đợt không kích trong một bức thư từ Ngoại trưởng John Kerry gửi qua người đồng nhiệm Iraq.
Phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Syria đã không chỉ trích chiến dịch này. Theo đó, Damascus sẽ tiếp tục tấn công ISIS và sẵn sàng hợp tác với bất kỳ kế hoạch quốc tế chống khủng bố nào.
Cách đây chỉ một năm, Washington dự định đánh bom chính phủ Syria để trừng phạt việc nước này sử dụng vũ khí hóa học. Kế hoạch bị hủy bỏ vào phút chót.
Trên đài truyền hình quốc gia Syria, một chuyên gia phân tích là Ali al-Ahmad cho rằng, các cuộc không kích không có dấu hiệu gây hấn do chính quyền đã được báo trước về kế hoạch này: “Điều này không có nghĩa chúng ta là một phần của liên minh. Nhưng chúng ta có kẻ thù chung”.
Theo tin từ một cư dân tại Raqqa, đầu não của ISIS ở miền đông Syria, người dân đang chạy trốn khỏi khu vực bị ném bom. Nhà nước Hồi giáo thề sẽ trả thù Mỹ.
“Những cuộc tấn công này sẽ được đáp trả”, một chiến binh ISIS tuyên bố và đổ lỗi cho dòng tộc cai trị Ả Rập Saudi vì đã để cuộc không kích diễn ra.
Cuộc không kích diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Obama tham gia Đại hội đồng LHQ ở New York trong nỗ lực huy động thêm nhiều quốc gia hỗ trợ chống ISIS.
Tham gia vào nội chiến
Đợt không kích đẩy Mỹ lần đầu tiên tham gia vào nội chiến kéo dài 3 năm tại Syria, khởi phát từ những cuộc biểu tình dân chủ mang tên “Mùa xuân Ả Rập”, sau đó biến thành xung đột sắc tộc với 200.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản, hình thành lực lượng chính quy được các quốc gia lân cận hậu thuẫn.
Quân đội Syria tăng cường tấn công các phiến quân trong Thứ Ba (23/9), không ngừng nã đạn và không kích ISIS tại miền nam tỉnh Deraa và vùng ngoại ô Damacus, cũng như tỉnh Raqqa và Idlib, các quan sát viên đưa tin.
Phiến quân và lực lượng nòng cốt chiến đấu ở phía bắc thành phố Aleppo. Trước đó, quân đội Mỹ đã đột kích vào hang ổ phiến quân Hồi giáo tại Iraq, nơi được Washington hậu thuẫn.
Chính phủ Iraq đến giờ vẫn chưa sẵn sàng dùng quân để hỗ trợ đánh ISIS tai Syria.
Washington cho biết sẽ không phối hợp hành động chống ISIS với chính phủ Assad. Các chiến binh ISIS được trang bị vũ khí của Mỹ sau khi tiến vào Iraq. Nhóm này cũng chiến đấu chống lại dòng Hồi giáo Sunny đối nghịch ở Syria, chính phủ do người Shi’ite đứng đầu tại Iraq và lực lượng người Kurd tại vùng giáp ranh biên giới hai nước.
Trong những ngày gần đây, ISIS đã chiếm đóng các ngôi làng người Kurd gần biên giới Thổ Nhĩ Kì, khiến gần 140.000 người phải bỏ chạy qua biên giới. Liên Hiệp Quốc ước tính, số lượng tị nạn có thể lên tới 400.000 người.
Lực lượng đối lập tại Syria được phương Tây hậu thuẫn và nhóm người Kurd tại Syria đang chiến đấu với cả Assad và ISIS. Họ hoan nghênh đợt không kích và mong muốn được thêm viện trợ.Các mục tiêu không kích có thành phố Raqqa, cơ quan đầu não của chiến binh Hồi giáo, những người tuyên bố thành lập đế chế Hồi giáo trải dài từ Aleppo thuộc Syria qua thung lũng các con sông Tigris và Euphrates đến ngoại ô Baghdad.
“Ngay sau đợt không kích lúc sáng sớm, dân ồ ạt chạy trốn khỏi Raqqa. Mọi người đều hướng đến các vùng quê”, theo lời một cư dân kể lại. Tòa nhà hành chính hai tầng trong thành phố trúng phải 4 quả tên lửa với kỹ thuật ném bom chính xác đến nỗi các tòa gần đó không hề hấn gì, người dân trên cho biết. Cũng theo người này, hàng trăm chiến binh hiện diện trên các con phố kiểm sát giao thông và an ninh hiện đã biến mất.
Sự hiện diện then chốt của Ả Rập, đồng minh quen thuộc vắng bóng
Sự hiện diện của các đồng minh Ả Rập trong cuộc tấn công rất quan trọng cho mức tín nhiệm của Mỹ trong chiến dịch do nước này đứng đầu. Được Jordan và chế độ quân chủ vùng Vịnh hậu thuẫn, Washington có sự ủng hộ từ các quốc gia dòng Sunny hiện đối đầu với Assad.
Không có đồng minh phương Tây truyền thống nào của Washington tham gia chiến dịch tại Syria.
Anh đã sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan thập kỷ trước cho biết, vẫn còn đang cân nhắc.
Pháp chỉ tham gia vào cuộc chiến chống ISIS tại Iraq chứ không tại Syria với lý do hạn chế về pháp lý.
Đồng minh Thổ Nhĩ Kì thuộc NATO từ chối gửi quân tham chiến dù rất cảnh giác trước ISIS, nhưng lại lo sợ các chiến binh người Kurd cũng như phản đối bất cứ hành động nào trợ giúp Assad.
Mối quan hệ giữa Nga là đồng minh của Assad và Washington đang ở mức tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Nước này cho biết, bất kì cuộc không kích nào tại Syria đều là bất hợp pháp vì không có sự chấp thuận của Assad hay bỏ phiếu thông qua tại Hội đồng Bảo an LHQ, mà trong đó Moscow có quyền phủ quyết.
Video hình ảnh về cuộc không kích của Mỹ:
Hàn Mai, Bùi Hương – Theo Reuters