Cảnh sát HK vì muốn lấy video từ camera hành trình mà đánh đập chủ xe, bắt uống nước từ nhà vệ sinh
Trong nửa năm qua, các video từ camera giám sát và camera hành trình của ô tô thường trở thành mục tiêu tìm kiếm của người dân và cảnh sát Hồng Kông. Gần đây, một người tên A Cường (biệt hiệu) đã bị cảnh sát mời lên để lấy video từ camera hành trình trên xe của anh. Vì không đạt được mục đích mà cảnh sát đã giam giữ anh hơn 10 tiếng đồng hồ, còn đánh đập và ép anh phải uống nước từ nhà vệ sinh.
Theo tờ “Apple Daily” Hồng Kông, A Cường đã lái xe vào khu vực biểu tình vào một đêm cuối tháng 8/2019. “Một nhóm cảnh sát chống bạo động đã chặn đầu xe của tôi, tôi phải quay đầu xe để đi theo hướng ngược lại. Sau khi quay xe, phía đầu xe thì bị người biểu tình chặn kín, đuôi xe bị cảnh sát bủa vây, hai bên đối đầu với nhau”.
Sau khi cảnh sát chống bạo động xua đuổi đám đông, anh liền lái xe rời đi. Thật bất ngờ, hôm sau cảnh sát Hồng Kông lại gọi điện hẹn gặp, và muốn lấy video từ camera hành trình để “theo dõi người biểu tình bị bỏ lại bên đường”. Vào ngày hẹn gặp, A Cường đã giải thích với cảnh sát Hồng Kông rằng vì bộ nhớ camera của chiếc xe hạn chế, các video chưa được lưu sẽ bị xóa vì bị “ghi đè” lên, do đó không có đoạn video liên quan đến người biểu tình.
Sau khi ở đồn cảnh sát 2 tiếng, A Cường được bố trí cùng những người bị bắt khác lên xe buýt để đi đến trung tâm giam giữ San Uk Ling. Cảnh sát ban đầu từ chối để anh gọi luật sư và sau đó yêu cầu anh tự mình gọi bằng điện thoại di động. A Cường mất cảnh giác, vừa mở khóa điện thoại bằng Face ID thì bị cảnh sát cướp mất điện thoại.
A Cường chất vấn: “Các anh lại có thể làm như vậy sao?”. Người cảnh sát liền mỉa mai: “Không có camera quan sát ở đây, tôi thích làm gì thì làm”.
A Cường nói rằng, cảnh sát đã gửi hơn một trăm tin nhắn tương tự đến các địa chỉ liên lạc trên WhatsApp của anh, để mọi người đưa ra các bằng chứng về việc A Cường đã tham gia mít-tinh bất hợp pháp.
“Rất may là mỗi tin nhắn mà hắn ta gửi đi giọng điệu quá nhẹ nhàng, bạn tôi cảm thấy không giống tôi lắm, hỏi thêm 1 -2 câu lại thấy sai sai, nên một số bạn bè biết rằng tôi đã bị giả mạo. Hắn ta (cảnh sát viên) đã yêu cầu tôi đăng nhập vào nhóm WhatsApp, thỉnh thoảng lại dùng tay chân đấm đá vào người tôi, tôi nói: ‘Tôi không muốn làm việc cùng với anh'”.
Tại San Uk Ling, A Cường yêu cầu được ăn uống. Cảnh sát đã cho anh bánh mì và nước trong nhà vệ sinh. Vì quá đói nên anh đã ăn hết sạch, cuối cùng anh bị giam 10 giờ mới được phóng thích vô điều kiện.
A Cường rất bất mãn, nói rằng anh không tham gia biểu tình hay bị bắt tại hiện trường, không ngờ lại bị đối xử như vậy. “Trong sáu tháng qua, mọi người phẫn nộ cũng là có lý do cả, bạn bị cáo buộc là tụ tập phi pháp, bị đánh đập điên cuồng, bạn nói xem bạn có chịu được không?”.
Luật sư chỉ trích cảnh sát đe dọa và sách nhiễu người khác
Benson, một luật sư đã tham gia vào các vụ án hình sự trong nhiều năm nói: “Cảnh sát nói rằng họ nghi ngờ là hợp lý, nhưng không có gì bảo đảm cho sự nghi ngờ đó của họ. Nếu có lệnh khám xét do tòa án ban hành, thì họ có thể lấy video điều tra theo đúng quy định pháp luật”.
Benson cũng chỉ ra rằng, cảnh sát không thể giả định rằng chủ sở hữu xe đã xóa video sau khi biết nội dung của video, như vậy là có suy nghĩ xấu xa. “Tài sản của tôi, tôi muốn thì tôi có thể xóa video của mình đi; không được gán tội cho bất kỳ ai, đặc biệt là cảnh sát khu vực đem những suy nghĩ trong đầu để ‘chụp mũ’ cho người khác, thật là nguy hiểm”.
Benson chỉ trích rằng, cảnh sát đã không thực hiện một vụ bắt giữ chính thức, dùng cách đe dọa khủng bố để có được video từ chủ xe, chủ xe phản kháng liền nhốt vào San Uk Ling. “Nếu bất cứ ai biến việc bắt giữ thành vũ khí để bắt người khác phục tùng, vậy thì còn gì là bắt giữ nữa? Bắt giữ đã biến chất thành một cuộc giam cầm phi pháp”. Ông nhắc nhở chủ xe sở hữu video rằng, trừ khi có lệnh khám xét của tòa án, không ai có trách nhiệm phải phối hợp với điều tra của cảnh sát.
Cảnh sát Hồng kông thi hành pháp luật bất công bất nghĩa, trong vòng hơn nửa năm qua, nhiều người sau khi bị bắt giữ đã “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi để tìm video làm chứng cứ minh oan cho mình. Benson nói: “Hệ thống tư pháp mà chúng ta tôn trọng trong quá khứ, hệ thống dựa vào sự chấp pháp chân thành của cảnh sát, nhưng chế độ này đã sụp đổ kể từ cách mạng ‘Ô dù’ năm 2014”.
Benson chỉ ra rằng, phía thẩm phán rất thụ động và chỉ có thể đưa ra phán quyết dựa trên thông tin có trong tay, nhưng việc truy tố hiện tại chỉ giới hạn trong việc tìm kiếm và điều tra bằng chứng của cảnh sát. “Tôi đồng ý rằng nền pháp trị ‘đã chết’, hệ thống pháp trị vốn đã căng thẳng như đang mắc bệnh ung thư, chính quyền và cảnh sát Đặc khu Hồng Kông lại bị thêm một khối nhọt hôi thối”.
Minh Huy (Theo Secretchina)