Cảnh sát HK đưa tin không thống nhất, dấy lên nghi ngờ có người chết tại ga Prince Edward ngày 31/8
Có thông tin lan truyền rằng, đã có người biểu tình bị đánh chết trong “Vụ tấn công nhà ga Prince Edward ngày 31/8” tại Hồng Kông. Mặc dù cảnh sát Hồng Kông lên tiếng phủ nhận nhưng người dân Hồng Kông vẫn tiếp tục tưởng niệm những người bị chết trong vụ “Huyết án ngày 31/8”.
Một cuộc điều tra của truyền thông Hồng Kông phát hiện rằng, thông tin được tiết lộ bởi người bị bắt trong vụ việc ngày 31/8 không khớp với thông tin do cảnh sát công bố, và tuyên bố của cảnh sát về số người bị bắt và bị thương mỗi lần đều không thống nhất, thật khó để cho người dân có thể tin tưởng.
Theo báo cáo điều tra của trang FactWire ở Hồng Kông vào ngày 30/11, để làm sáng tỏ bí ẩn sự kiện nhà ga Prince Edward, sau ba tháng điều tra, đã phỏng vấn thành công 47 trong số 52 người bị bắt trong sự kiện ngày 31/8. Mặc dù chưa thể đưa ra kết luận về việc liệu có người tử vong ở trong nhà ga hay không, nhưng có những phát hiện quan trọng khác trong quá trình điều tra.
Báo cáo chỉ ra, dựa trên lời kể về trải nghiệm cá nhân của 47 người bị bắt, phát hiện rằng tối hôm đó một số người bị bắt trong nhà ga Prince Edward đã được đưa thẳng lên xe cảnh sát, trong khi phía cảnh sát lại nói rằng tất cả những người bị bắt đều được đưa lên chuyến tàu đặc biệt tới nhà ga Lai Chi Kok. Tờ FactWire đã truy vấn trong hơn một tháng nhưng phía cảnh sát vẫn không đưa ra con số chính xác về số người bị bắt.
Ngoài ra, cảnh sát trước đó đã tuyên bố bắt giữ 52 người tại nhà ga Prince Edward trong tối hôm đó, bao gồm 44 nam, 8 nữ, trong đó có 5 nam và 2 nữ bị thương và được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, sau cuộc điều tra kéo dài ba tháng của tờ FactWire, mỗi lần cảnh sát trả lời về số người bị bắt và bị thương lại khác nhau, điều này thật khó có thể tin được.
Nghi vấn chồng chất về việc có người chết tại nhà ga Prince Edward
Tối ngày 31/8, một lượng lớn cảnh sát Hồng Kông xông vào nhà ga Prince Edward, dùng dùi cui đánh và xịt hơi cay vào hành khách một cách không phân biệt. Trong toa xe, một số hành khách giơ tay cầu xin lòng thương xót, một số hành khách ôm nhau khóc lóc và hét lên trong sợ hãi. Trên sân ga, tiểu đội Tốc Long điên cuồng đuổi đánh thanh niên, khiến các hành khách xung quanh sợ hãi. Đôi lúc lại truyền ra tiếng hét phẫn nộ của các hành khách: “Cảnh sát là xã hội đen!”.
Sau cuộc tấn công tàn bạo của cảnh sát, một lượng lớn những đồ đạc như ba lô, quần áo và ô nằm rải rác trên toa tàu và sân ga, để lại một bầu không khí khủng bố và sợ hãi.
“Cuộc tấn công đẫm máu ngày 31/8 của cảnh sát” trở thành cảnh tượng bi thảm và khủng khiếp nhất kể từ khi bắt đầu phong trào phản đối dự luật dẫn độ cho đến nay. Chuyện gì đã xảy ra vào đêm đó? Có bao nhiêu người bị thương? Có bao nhiêu người chết? Vụ việc này đã trở thành tâm điểm của Hồng Kông và thế giới.
Sau vụ việc, công chúng đã đặt câu hỏi về cách xử lý bất thường của cảnh sát Hồng Kông đối với sự kiện nhà ga Prince Edward. Trước hết, tại sao cảnh sát đột nhiên dọn dẹp hiện trường và đuổi tất cả nhân viên bao gồm cả nhân viên cứu hộ và phóng viên? Một số lượng lớn người bị thương tại hiện trường, tuy nhiên cảnh sát lại ngăn không cho nhân viên cứu hộ tiến vào hỗ trợ mà lại chặn nhà ga Prince Edward trong hơn 30 giờ.
Đoạn video của tờ “Apple Daily” cho thấy, đêm hôm đó một thanh niên đã bị đánh bất tỉnh bởi bốn, năm nhân viên cảnh sát tại nhà ga Prince Edward. Cảnh sát ngay lập tức đóng cửa nhà ga và phóng viên cũng bị yêu cầu rời đi.
Tiếp theo, tại sao cảnh sát không trực tiếp đưa người bị thương từ ga Prince Edward tới bệnh viện, mà dùng tàu điện ngầm đưa người bị thương đến nhà ga Lai Chi Kok, kéo dài thời gian hơn 3 giờ đồng hồ?
Sau vụ việc, một bác sĩ nắm được thông tin tiết lộ rằng, tối ngày 31/8, cảnh sát Hồng Kông đánh người tại nhà ga Prince Edward, khiến một vài người biểu tình bị chết, xác chết được bí mật gửi đến nhà xác bệnh viện.
Một y tá của Bệnh viện Caritas cho biết, cảnh sát đưa 10 người bị thương từ nhà ga Prince Edward đến bệnh viện vào tối hôm đó, sau đó chỉ còn 7 người, 3 người còn lại không biết tung tích. Cô nghi ngờ ba người này đã mất tích hoặc được đưa đến Tsim Sha Tsui giấu xác.
Hồ sơ của Sở cứu hỏa vào thời điểm đó cho thấy, số người bị thương đã thay đổi từ 10 thành 7, giảm 3 người bị thương nặng. Sở cứu hỏa sau đó đã giải thích rằng có thể là do tình hình hỗn loạn nên báo cáo bị chồng chéo.
Sau đó, Chủ nhiệm cộng đồng Kwun Tong Hồng Kông, kiêm thành viên Ban chấp hành trung ương Đảng Dân chủ Lương Dực Đình (Edith Leung) cũng tiết lộ, một thành viên cộng đồng làm việc trong nhà xác nói với cô rằng, tại nhà ga Prince Edward có sáu người chết vì gãy cổ, tất cả đều do cảnh sát vặn cổ một góc 90 độ từ phía sau.
Một nhân viên nghi là làm việc tại Bệnh viện Kwong Wah Hồng Kông phát biểu trên phương tiện truyền thông xã hội rằng, cảnh sát đã đánh chết người không phân biệt tại nhà ga Prince Edward vào ngày 31/ 8. Thi thể đặt tại nhà xác của Bệnh viện Kwong Wah, vậy mà phía cảnh sát vẫn đưa ra tuyên bố giả tạo khiến anh ta không thể chịu đựng được.
Trên diễn đàn LIHKG, có cư dân mạng đăng tải nội dung của một cuộc trò chuyện nhóm, nhân viên y tế nói rằng có trường hợp tử vong vào ngày 31/8. Ngày 1/9, nhiều nhân viên bệnh viện bắt đầu tĩnh tọa tập thể nhằm phản đối sự xuất hiện tràn lan của lực lượng cảnh sát. Cư dân mạng Hồng Kông tiết lộ, tin tức về người chết trong nhà ga Prince Edward đã lan truyền tới những nhân viên có thể nắm rõ nội tình trong giới y tế.
Ngày 1/9, người dân Hồng Kông tự phát tới đặt hoa tưởng niệm người chết tại nhà ga Prince Edward. Nhiều người Hồng Kông nói rằng, người thân và bạn bè của họ đã mất tích và mất liên lạc sau sự kiện ngày 31/8. Có người Hồng Kông nhấn mạnh: “Sống phải thấy người, chết phải thấy xác”.
Ngày 6/ 9, một phụ nữ đã thắp hương tưởng niệm tại nhà ga Prince Edward. Khi trả lời phỏng vấn tại hiện trường với phương tiện truyền thông nước ngoài, cô nói: “Một người bạn gái của tôi đã mất liên lạc trong đêm ngày 31/8. Vài ngày trước mẹ cô ấy đã đến cảnh sát đòi biết sự thật, nhưng cuối cùng cũng không biết đã đi đâu, mất tích rồi”.
Ba thanh niên khác nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) rằng: “Họ có hai người bạn đã mất liên lạc, mà gần như ngày nào họ cũng liên lạc với nhau. Nhưng sau ngày 31/8, những người bạn này đều không biết đã đi đâu, họ vẫn luôn tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, cho tới nay vẫn không rõ tung tích”.
Vào 3 giờ 42 phút sáng ngày 12/9, diễn đàn LIHKG Hồng Kông truyền tin rằng, ban quản lý tàu điện ngầm Hồng Kông đã chi tiền thuê đạo sĩ nhà tang lễ đến nhà ga Prince Edward làm lễ siêu thoát. Một cư dân mạng đã chuyển tiếp nội dung Telegram của “Dân gian ký giả hội công hải” (民间记者会公海) nói rằng, có một đạo sĩ áo đỏ cho biết, tối ngày 11/9, anh ta nhận được yêu cầu đến nhà ga Prince Edward làm lễ siêu thoát, việc này được trả tiền. Có nguồn tin nói rằng, một đạo sĩ đã đến hiện trường lúc 2 giờ đêm hôm đó.
Tin tức về việc có người bị đánh chết tại ga Prince Edward được lan truyền khắp Hồng Kông và nhận được sự chú ý của giới truyền thông. Cho đến nay, vào cuối mỗi tháng, người dân Hồng Kông đều tự động tới tưởng niệm những người tử vong tại nhà ga Prince Edward. Trong khi đó, hãng tàu điện ngầm Hồng Kông luôn từ chối tiết lộ video CCTV tại nhà ga Prince Edward tối hôm đó, khiến vụ việc càng trở nên khó hiểu hơn.
Minh Huy (Theo NTDTV)