“Canh bạc vắc xin viêm phổi Vũ Hán” và ký ức về bước đột phá lớn của Việt Nam khiến WHO không tin nổi

27/03/20, 11:37 Khoa học, Tri thức

Sản xuất vắc xin viêm phổi Vũ Hán sẽ có nhiều rủi ro. Nhưng chúng ta vẫn phải làm để nếu nay mai, dịch viêm phổi Vũ Hán có thoái trào hoặc biến mất, hoặc virus Corona có quay lại với chủng mới, thì ta vẫn có một công nghệ mới để sản xuất vắc xin.

Giáo sư Nguyễn Thu Vân. (Ảnh qua NTD Việt Nam)

1. Vì sao chỉ hơn 60 ngày, vắc xin viêm phổi Vũ Hán đã thử nghiệm trên người?

Trương Thu Hường: Là người từng trực tiếp nghiên cứu nhiều virus cúm, theo bà, nếu so sánh với H5N1, virus SARS-CoV-2 có độ độc tính mạnh hay yếu hơn?

GS Thu Vân: Virus cúm A/H5N1 và SARS-CoV-2 đều có độc tính rất cao. Mặc dù WHO thống kê tỷ lệ tử vong của H5N1 là 60%, viêm phổi Vũ Hán hiện tại đang ở mức 4,34% nhưng tôi nghĩ, 2 loại virus này tương đương nhau về mức độ nguy hiểm.

H5N1 là virus cúm có khả năng gây tổn thương phổi nặng nề nhưng rất hiếm khi lây trực tiếp từ người sang người, trong khi đó, SARS-CoV-2 lại rất dễ lây. Nhìn lại lịch sử y học nước ta, chưa từng có dịch bệnh nào lây lan rộng, nhanh và mạnh mẽ như viêm phổi Vũ Hán.

H5N1 (năm 2004-2005) hoặc SARS-2003… đều chỉ lây nhiễm trên một số bệnh nhân. Chúng ta có thể tập trung khoanh vùng và điều trị khỏi cho nhiều trường hợp, sớm ngăn chặn dịch bùng phát. H1N1 (2009) tuy lây lan nhiều nhưng lại là bệnh nhẹ, có thể dùng Tamiflu điều trị hiệu quả.

Nhưng hiện nay, bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lây lan trên khắp cả nước, khiến hàng chục nghìn người nghi nhiễm phải cách ly và hơn 100 ca nhiễm. Bệnh cũng có xu hướng ngày càng khó kiểm soát khi bủa vây xung quanh Việt Nam là một loạt các nước bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Chứng kiến nhiều lần dịch bệnh bùng phát, tôi đều thấy lo lắng cho cộng đồng và luôn tự hỏi, làm sao có thể sản xuất vắc xin thật nhanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng dịch của mọi người. Tiếc là, quá trình sản xuất vắc xin phải trải qua rất nhiều bước, không thể nhanh chóng có ngay được.

Trương Thu Hường: Nhưng hiện tại, khi đối đầu với dịch viêm phổi Vũ Hán, chẳng phải Mỹ và Trung Quốc đều rất nhanh (chỉ sau khoảng hơn 60 ngày) đã có vắc xin thử nghiệm trên người?

GS Thu Vân: Thời gian được rút ngắn như vậy là nhờ họ nhanh chóng tạo ra kháng nguyên dựa vào công nghệ gen mRNA. Vắc xin này rất an toàn do chỉ chứa một đoạn gen di truyền của virus được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, hoàn toàn không có khả năng gây bệnh cho người được tiêm.

Quá trình thử nghiệm vắc xin vẫn diễn ra theo đầy đủ các bước. Trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người, Mỹ và Trung Quốc đều đã thử nghiệm trên động vật để kiểm tra độ an toàn, độ độc tính, đánh giá tất cả các phản ứng của động vật với vắc xin và xác định khả năng đáp ứng miễn dịch trên động vật thí nghiệm. Khi đảm bảo đầy đủ tất cả yêu cầu trong phòng thí nghiệm mà trong chuyên ngành chúng tôi gọi là các thử nghiệm tiền lâm sàng, thì vắc xin mới được đưa ra thử nghiệm lâm sàng trên người sau khi được có sự chấp thuận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu Y Sinh học.

Thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ diễn ra qua 3 Giai đoạn. Giai đoạn 1, vắc xin được tiêm cho khoảng 20-30 người lớn khoẻ mạnh để kiểm tra tính an toàn của vắc xin trên người được tiêm; giai đoạn 2 khoảng 200-300 người; và giai đoạn 3 sẽ có khoảng 2000-3000 đối tượng đích tham gia thử nghiệm (những đối tượng nhạy cảm).

Vắc xin của Mỹ là loại tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Như vậy, sau hôm thử nghiệm 16/3, đến giữa tháng 4 tới đây, sẽ có thể đánh giá kết quả sơ bộ. Nếu đáp ứng tốt, họ có thể tiến hành luôn giai đoạn 2, và sau đó là giai đoạn 3.

Tuy nhiên, thứ mà các nhà khoa học sản xuất ra, trước khi pha chế chỉ có thể gọi là một loại hoạt chất. Để có thể gọi chính xác là vắc xin, nó còn phải trải qua thời gian dài thử nghiệm lâm sàng, ít nhất là trong vòng 18 tháng nữa (theo thông báo của phía Mỹ). Sau khi có kết quả lâm sàng, phải mất thêm thời gian chờ cấp phép từ FDA (cơ quan quản lý về Thuốc và thực phẩm của Mỹ). Quá trình xem xét và phê duyệt cũng không dễ chút nào.

Ở nước ta, sau khi làm xong các khâu rồi trình lên Bộ Y tế xem xét, phê duyệt, cấp phép sản xuất và thương mại hóa thì nhanh nhất cũng mất tới 1 năm. Cứ cho là Mỹ làm nhanh hơn thì cũng mất khoảng 6 tháng. Như vậy, khoảng 2 năm nữa, thế giới mới có thứ gọi là vắc xin viêm phổi Vũ Hán.

Rủi ro trong sản xuất vắc xin này rất lớn vì có thể, sau khoảng 2 năm khi vắc xin hoàn thành, dịch bệnh đã hết và thị trường không có nhu cầu. Virus chủng Corona khi xuất hiện trở lại có thể đã chuyển sang chủng khác. Thực tế, trong lịch sử y khoa, virus này đã có 7 chủng (HCoV-229E; HCoV-OC43; SARS-CoV; HCoV-NL63; HKU; MERS-CoV và SARS-Co-V2).

Nếu virus chỉ đột biến nhẹ, không thay đổi đến tính kháng nguyên, vắc xin vẫn có thể sử dụng được. Nhưng nếu xuất hiện chủng mới thì toàn bộ quy trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc xin sẽ phải làm lại từ đầu. Và vòng quay sẽ cứ như thế, khi vắc xin làm xong thì dịch bệnh có thể đã hết.

Canh bạc rủi ro lớn đến vậy nên đó là lý do vì sao, nhiều hãng dược phẩm lớn, mặc dù rất giàu nhưng sẽ không bao giờ bỏ tiền ra làm vắc xin cho những loại dịch bệnh như viêm phổi Vũ Hán hay SARS, MERS… trừ khi Chính phủ Mỹ hoặc các tổ chức khác tài trợ tiền.

2. Khi có vắc xin, tiêm cho ai trước: Người già, trẻ em hay quân đội, cảnh sát, nhân viên y tế?

Trương Thu Hường: Rủi ro lớn có phải là lý do chính, khiến Mỹ nhiều năm trước đã quyết định tài trợ cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất vắc xin H5N1 thay vì giao cho công ty nước họ trực tiếp thực hiện?

GS Thu Vân: Hồi trước, khi chúng tôi nghiên cứu làm vắc xin H5N1, Mỹ đã tài trợ Vabiotech 1 triệu USD. Họ cũng nói rõ ràng: vì muốn bảo vệ người dân nước mình, Chính phủ Mỹ phải tài trợ tiền cho các nước khác nghiên cứu, sản xuất vắc xin, để tránh dịch bệnh từ bên ngoài lan tới nước Mỹ.

Vào thời điểm đỉnh dịch H5N1, tổ chức WHO họp ở Geneva, các nước cũng nêu rõ quan điểm, nước nào phải tự lo vắc xin cho nước đó. Vì khi dịch bệnh xảy ra trên quy mô toàn cầu, quốc gia nào cũng phải lo chống dịch.

Nếu Việt Nam không tự sản xuất được vắc xin thì không thể trông đợi sự cứu giúp từ bên ngoài. Thông tin thử nghiệm vắc xin của Mỹ hay Trung Quốc tuy rất đáng mừng, nhưng có lẽ cũng không đủ để người Việt Nam vui mừng trọn vẹn.

Đó là lý do chính khiến vì sao, đứng trước một canh bạc rủi ro – đầu tư lớn về nhân lực, vật lực để sản xuất vắc xin viêm phổi Vũ Hán với công nghệ cao – Vabiotech vẫn quyết định phải tự nghiên cứu sản xuất. Tôi nghĩ đây là vì một chiến lược an ninh sức khỏe quốc gia.

Dù nay mai, dịch viêm phổi Vũ Hán có thoái trào, hoặc biến mất thì chúng ta vẫn có một công nghệ để sản xuất vắc xin. Khi nó quay lại, với tính chất thay đổi hoặc như thế nào đó, chưa thể nói trước được, Việt Nam đã có trong tay một vũ khí để chống chọi. Vắc xin sẽ được chế tạo nhanh hơn vì mình đã có sẵn qui trình công nghệ.

Trương Thu Hường: Chịu trách nhiệm cao nhất trong dự án nghiên cứu, sản xuất vắc xin H5N1, bà có thể nhắc lại một chút về tình hình căng thẳng lúc đó ở nước ta?

GS Thu Vân: Dịch cúm A/H5N1 trước đây kéo dài khá lâu, từ 2003 đến 2005, không thể dập tắt ngay được. Trong khoảng 2003 đến gần hết năm 2005, nước ta có 42/92 trường hợp tử vong, nhiều gia đình có 2-3 người bị bệnh cùng lúc.

Lúc đó, tôi ở trong nhóm tư vấn của Tổ chức Y tế thế giới và phải ra nước ngoài họp rất nhiều. Các kịch bản đều được đưa ra. Ngay cả giả thuyết, nếu sản xuất được vắc xin nhưng số lượng hạn chế thì nên ưu tiên cho ai, cũng được đem ra thảo luận.

Hồi đó, tôi nghĩ đơn giản là nếu có vắc xin, sẽ phải ưu tiên người già, trẻ em – những đối tượng dễ bị tổn thương. Nhưng các chuyên gia WHO lại cho rằng, trước tiên phải tiêm vắc xin cho những người bảo vệ đất nước: quân đội, các nhà quản lý đất nước, cảnh sát, đội ngũ nhân viên y tế, cứu hỏa, cứu hộ… Vì nếu không có các lực lượng này, đất nước không thể bình ổn, dịch bệnh cũng không thể dập tắt.

Những cuộc thảo luận như thế liên tục diễn ra rất sôi nổi. Các chuyên gia đã nghĩ đến vô vàn tình huống nhưng rồi kịch bản, có một dịch bệnh sẽ bùng phát toàn cầu như viêm phổi Vũ Hán hiện nay, trải qua 15-16 năm, không may đã trở thành sự thật.

3. “Đây là bước đột phá lớn trong y học thế giới nhưng lại được Việt Nam thực hiện”

Trương Thu Hường: Ngoài áp lực vì dịch bệnh, những người như bà có phải chịu đựng áp lực nào khác khi nghiên cứu vắc xin?

GS Thu Vân: Quá trình nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 rất đáng nhớ vì đó là lần đầu tiên, tiên trên thế giới có vắc xin cúm được sản xuất trên công nghệ nuôi cấy trên tế bào. Đây là bước đột phá lớn trong y học thế giới nhưng lại được Việt Nam thực hiện. Nhiều nhà báo, chuyên gia WHO đã không thể tin được, một đất nước nghèo nàn như chúng ta lại có thể làm được điều đó.

Rất nhiều nhà báo, phóng viên của RT, CNN, BBC, và cả WHO đã đến Vabiotech tìm tôi để phỏng vấn. Tôi phải từ chối rất nhiều người vì không ít phóng viên luôn có mục đích nhấn mạnh vào vị thế yếu kém của Việt Nam. Số khác lại tỏ ra nghi ngờ: một nước có điều kiện cơ sở vật chất kém như Việt Nam mà sản xuất vắc xin với công nghệ hoàn toàn mới như vậy, có nguy hiểm gì không? Bởi vì trước đây, dù làm nhiều vắc xin nhưng các vắc xin khác của Việt Nam hầu hết đều có nguyên liệu, công nghệ được chuyển giao từ các công ty nước ngoài.

Vắc xin H5N1 là chủng Việt Nam hoàn toàn tự chế, có sự hợp tác với Mỹ và Nhật Bản.

Trương Thu Hường: Thật bất ngờ là WHO lại có nhiều nghi ngờ về năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam tới vậy vì rõ ràng, chúng ta đang nằm trong top 40 nước có khả năng nghiên cứu, sản xuất vắc xin đứng đầu thế giới?

GS Thu Vân: Để có được vị thế ngày hôm nay, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu thử thách, bao nhiêu nỗ lực, nhiều lần đứng trước nguy cơ bị WHO yêu cầu dẹp bỏ việc sản xuất vắc xin do Việt Nam tự nghiên cứu phản triển. Trong khi đó, với điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nước ta cũng đã sản xuất được rất nhiều loại vắcxin.

Tôi nhớ những năm 1959 -1960, bệnh bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn tại các tỉnh phía Bắc nước ta với khoảng 17.000 bệnh nhi, trong đó hơn 500 cháu tử vong. Mỗi năm có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời. Tỷ lệ mắc lên tới 126,44/100.000 dân. GS Hoàng Thủy Nguyên lúc đó đã đầu tư rất nhiều công sức để sản xuất vắc xin bại liệt dạng uống nghiên cứu phát triển trên tế bào thận khỉ.

Những năm đầu, cơ sở sản xuất của viện vẫn còn khá thô sơ, không đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices). Các chuyên gia WHO khi vào đây xem xét đã một mực yêu cầu Việt Nam ngừng sản xuất vắc xin bại liệt. GS Hoàng Thủy Nguyên và GS Đặng Đức Trạch phải dùng uy tín đứng ra bảo vệ trước Bộ Y tế và tổ chức WHO. Nhưng vấn đề chính, vẫn là phải chứng minh, vắc xin của nước ta sản xuất đảm bảo chất lượng và có thể sử dụng được.

Lúc đó, GS Hoàng Thủy Nguyên, được sự hỗ trợ của Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương ở Manila, đã giao cho tôi mang vắc xin bại liệt do Viện sản xuất sang Nhật Bản để kiểm tra. Người Nhật tuy rất nhiệt tình nhưng họ cũng rất nguyên tắc. Nếu mang một mẫu lạ vào phòng thí nghiệm bên đó, họ không bao giờ làm, thậm chí nếu không thông báo trước mà xách tay sang, họ sẽ yêu cầu phải hủy ngay tức thì.

Khi tôi xách tay vắc xin sang theo lịch hẹn, họ hướng dẫn cho tôi tự kiểm tra còn các chuyên gia Nhật Bản thì giám sát. Khi làm theo hướng dẫn của họ, kết quả vắc xin Việt Nam rất tốt và các chuyên gia Nhật Bản đã đồng ý và kết luận rằng vắc xin bại liệt này đáp ứng mọi yêu cầu qui định để sử dụng cho người. Chúng tôi dùng kết quả đó, báo cáo lại với Bộ Y tế và WHO. Cuối cùng, họ cũng phải chịu công nhận vắc xin bại liệt của Việt Nam.

Nhờ có vắc xin bại liệt do Việt Nam sản xuất mà năm 2000, nước ta đã thanh toán được bệnh bại liệt sau nhiều năm dịch bệnh này hoành hành.

4. Những cuộc đấu trí căng thẳng với WHO

Trương Thu Hường: Theo bà, điều gì là mấu chốt khiến WHO không tin Việt Nam có thể sản xuất được vắc xin?

GS Thu Vân: Nhiều năm trước, những cuộc đấu trí rất căng thẳng với WHO khiến tôi từng nghĩ, với uy tín rất lớn, GS Hoàng Thủy Nguyên có thể bảo vệ công trình vắc xin bại liệt như vậy nhưng đổi lại là tôi, sau này sẽ phải làm gì để làm được tương tự? Và tôi cũng tự hỏi, vì sao một tổ chức Y tế toàn cầu như WHO dường như lại không tin rằng Việt Nam tự chủ vắc xin?

Sau này khi nhìn lại, tôi nhận ra, với các chuyên gia đến từ những nước có điều kiện cơ sở vật chất vô cùng hiện đại, đã quen nhìn thấy cơ sở sản xuất vắc xin tân tiến, thì khi tới Việt Nam và thấy cơ sở nghèo nàn, lạc hậu như vậy, họ cũng không dễ tin tưởng ngay.

Nhưng không chỉ có WHO thiếu tin tưởng chúng ta. Người thầy ở Nhật Bản mà tôi rất kính trọng (người đầu tiên dạy tôi làm văcxin như thế nào – vắc xin viêm gan B từ huyết tương người) cũng đã từng có lúc không nhất trí với cách tiếp cận kỹ thuật của tôi, vì nó trái với kỹ thuật thầy đã dạy khi triển khai sản xuất thử nghiệm vắc xin này tại Việt Nam trong điều kiện nước mình không cho phép áp dụng được kỹ thuật của thầy, và nếu không thay đổi, cải tiến thì chúng ta sẽ không bao giờ có được vắcxin viêm gan B.

Thầy đi học ở Mỹ về và chính là người đã làm ra vắc xin viêm gan B từ huyết tương người cho đất nước Nhật Bản sử dụng trong nhiều năm trước khi có vắc xin viêm gan B Tái tổ hợp thay thế. Thầy chỉ bảo cho tôi rất tận tình, sai chỗ nào là phê bình luôn chỗ ấy. Từ việc rửa chai lọ sao cho sạch sẽ, đến cách chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm, thầy đều cầm tay chỉ việc, trực tiếp dạy.

Nhưng có một lần, thầy giận tôi vì trái quan điểm, đến nỗi một chuyên gia ở WHO phải đứng ra giảng hòa. Lý do của lần giận ấy là vì ở Nhật, khi sản xuất vắc xin viêm gan B, họ thường chọn những người cho huyết tương có hiệu giá kháng nguyên bề mặt rất cao. Nhưng ở Việt Nam, việc thu thập huyết tương khá khó khăn và hiệu giá ở người Việt lại không cao. Nếu áp dụng đúng nguyên tắc của thầy, chỉ chọn huyết tương có hiệu giá đậm đặc từ 4+ (theo kỹ thuật khuếch tán trên gel) trở lên mới dùng, thì ở Việt Nam không có mẫu nào đáp ứng được.

Vậy là tôi phải chọn công nghệ khác là ELISA (kỹ thuật miễn dịch gắn men), có thể tóm bắt được nhiều hạt kháng nguyên hơn. Chính vì điều này mà tôi và thầy tranh luận đến nỗi thầy cáu, không nói chuyện với tôi. Sau này, chứng kiến kết quả tốt của chúng tôi, nên thầy cũng dần nguôi ngoai.

Ngẫm lại nhiều năm trước, chúng tôi nghiên cứu vắc xin trong điều kiện hết sức thô sơ, chẳng có gì gọi là hiện đại cả. Khi được Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) trao giải cho công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin viêm gan B từ huyết tương người, nhiều người trong nhóm nghiên cứu đã nói vui rằng, có lẽ chúng tôi phải thu thập tất cả những dụng cụ phòng thí nghiệm sử dụng nghiên cứu lúc bấy giờ, rất đơn giản… để trưng bày triển lãm. Vì từ nhiều năm trước, từ những dụng cụ thô sơ như thế mà Việt Nam cũng có thể cho ra được vắc xin chất lượng, khiến thế giới phải công nhận như vậy.

Tôi thấy bây giờ, y học hiện đại lắm rồi nhưng chất lượng vắc xin cũng chỉ như vậy: vẫn luôn đạt tiêu chuẩn khiến thế giới nể trọng.

5. “Nếu vắc xin có vấn đề gì, chúng tôi là người đầu tiên đi tù”

Trương Thu Hường: Khi nghiên cứu sản xuất bất cứ loại vắc xin nào, bà luôn là người tiêm thử đầu tiên. Đây có phải là một nguyên tắc cá nhân?

GS Thu Vân: Tôi nghiên cứu virus và làm vắc xin nhiều năm, nên không ngại chuyện trở thành người thử nghiệm số 0 một cách không chính thức (vì theo quy định, người nghiên cứu sản xuất không được tham gia thử nghiệm). Không chỉ có tôi mà mọi người làm trong nhóm cũng đều tiêm thử.

Độc tính của virus chỉ tồn tại khi virus còn sống. Còn công nghệ sản xuất vắc xin đã loại bỏ độc tính của virus. Hiện tại, công nghệ mRNA sẽ giúp vắc xin không tồn tại virus mà chỉ chứa một đoạn gen của virus được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Còn vắc xin trước đây, ví dụ như H5N1 được sản xuất theo công nghệ di truyền ngược: giữ được tính kháng nguyên và loại bỏ phần gây độc của virus. Hiện nay, đây vẫn được coi là công nghệ hiện đại.

Tại sao tôi luôn thử trước? Chắc có lẽ vì tôi luôn lo lắng, loại vắc xin mà mình và đồng nghiệp làm ra, khi thử nghiệm trên người sẽ cho kết quả thế nào? Kể cả khi đã tiêm thử và có kết quả rất tốt trên động vật thì cơ chế phản ứng của cơ thể người vẫn rất khác và không có gì chắc chắn cả. Lúc đó, tôi thường không lo an toàn tính mạng, sức khỏe mà chỉ lo vắc xin có đáp ứng miễn dịch hay không. Vì chỉ khi đáp ứng miễn dịch, vắc xin mới bảo vệ người được tiêm khỏi virus.

Trương Thu Hường: Nếu vắc xin luôn an toàn như vậy thì trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, điều gì thường khiến bà lo lắng nhất?

GS Thu Vân: Là những người trong nghề, chúng tôi hiểu rất rõ, vắc xin không thể gây nguy hại tới tính mạng. Nhưng chẳng may, bệnh nhân xảy ra rủi ro gì sau khi tiêm vắc xin thì chúng tôi lại rất dễ bị oan và nỗi oan này cũng không dễ dàng giải thích được.

Trước đây, khi tôi còn là Giám đốc Vabiotech, vẫn thường nói với mọi người: “Chúng ta nghiên cứu vắc xin vì mục đích tốt đẹp cho cộng đồng nhưng lỡ không may xảy ra vấn đề gì thì chính tôi và các bạn, sẽ phải là những người đi tù đầu tiên”, Vậy nên vấn đề tuân thủ một cách nghiêm ngặt các bước trong qui trình sản xuất là đặc biệt quan trọng, không được sai sót

Chúng tôi luôn xác định sẵn tư tưởng như vậy. Bất cứ lúc nào, rủi ro cũng có thể xảy ra vì vắcxin là tiêm đại trà cho cộng đồng và phản ứng cơ thể của mỗi người là khác nhau. Nếu các nhà chức trách không tìm được nguyên nhân các sự cố xảy ra trong quá trình triển khai tiêm chủng thì dư luận vẫn luôn cho rằng, lỗi là của nhà sản xuất vắc xin.

6. Số phận trong xó tủ của vắc xin H5N1

Trương Thu Hường: Là người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất vắc xin H5N1 nhưng sau đó lại không thể thương mại hóa sản phẩm này, bà cảm thấy thế nào?

GS Thu Vân: Nhóm bắt đầu nghiên cứu vắc xin H5N1 từ năm 2004-2005 và đến khoảng 2008-2009 thì hoàn thành thử nghiệm lâm sàng nhưng sau đó, H5N1 chỉ xảy ra với gia cầm. Công ty quyết định, tạm thời xếp lại dự án, không nghĩ đến chuyện sản xuất thương mại nữa.

Tuy nhiên, hồ sơ vắc xin H5N1 đã chuẩn bị xong, sẵn sàng khi có dịch, sẽ đem ra đăng ký và sản xuất được luôn. Không chỉ có Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng như vậy: luôn có vắc xin để dùng khi thị trường có nhu cầu.

Nếu nói về vấn đề kinh doanh, có thể coi vắc xin H5N1 đã không hiệu quả vì chúng tôi bỏ ra rất nhiều công sức nhưng không có nguồn thu về.

Nhưng nếu xét về mặt khoa học thì đó vẫn là thành công. Việt Nam đã có vắc xin, xây dựng được quy trình sản xuất để sau này nếu có dịch, sẵn sàng đưa ra theo nhu cầu của cộng đồng. Hoặc cùng quy trình đó, nếu có xảy ra dịch với chủng khác thì cũng có thể áp dụng và làm theo rất nhanh.

Với tôi, sản xuất vắc xin chính là vì bảo vệ cộng đồng chứ không phải vì mục đích thương mại. Cho nên thành công về mặt khoa học đã được xem là thành công rất lớn rồi. Hơn nữa, dịch bệnh không xảy ra, chẳng phải vẫn tốt hơn sao!

Trương Thu Hường: Bà từng nói, phải mất tới 9-10 năm mới đánh giá được hiệu quả của vắc xin. Vì sao lại như vậy? Với vắc xin viêm phổi Vũ Hán, bà dự đoán gì về tính hiệu quả của vắc xin này?

GS Thu Vân: Quá trình sản xuất vắc xin (không theo công nghệ gen) sẽ phải trải qua nhiều bước: Nuôi cấy tế bào, nuôi cấy virus, gặt virus, tinh chế, tinh khiết, bất hoạt, pha chế… Từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, thường mất khoảng 2 tháng để sản xuất, sau đó là kiểm định mất 2-3 tháng. Nếu có kết quả tiền lâm sàng tốt trên động vật sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người.

Sau pha 3 thử nghiệm lâm sàng, vắc xin có thể được cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực của vắc xin để nghiên cứu sâu và cải thiện tốt hơn. Quá trình đánh giá hiệu quả rất lâu vì nhiều lý do.

Đối với vắc xin viêm phổi Vũ Hán, trên thế giới đến nay, chưa có loại vắc xin nào sản xuất theo công nghệ gen được cấp phép. Cho nên, khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin viêm phổi Vũ Hán đến nay, vẫn còn là một dấu hỏi. Còn muốn biết tính hiệu quả của một loại vắc xin, như tôi nói, sẽ cần một thời gian khá dài.

7. “Chúng ta không thể trông chờ vào vắc xin của nước ngoài”

Trương Thu Hường: Câu hỏi cuối cùng, xin đề cập đến vấn đề nóng nhất: Liệu Việt Nam có cửa nào trong cuộc chạy đua chế tạo vắc xin viêm phổi Vũ Hán?

GS Thu Vân: Như tôi đã nói, vắc xin sản xuất theo công nghệ cao (mRNA) như viêm phổi Vũ Hán sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực, nhưng Việt Nam sẽ hợp tác với Anh với một cách tiếp cận công nghệ khác và vẫn phải nghiên cứu chủ động sản xuất vì an ninh sức khỏe quốc gia. Trong những đợt dịch bệnh như hiện nay, phương thức bảo vệ cộng đồng tốt nhất, rộng rãi, hiệu quả nhất chính là vắc xin.

Khi dịch bệnh xảy ra trên quy mô toàn cầu, nếu Việt Nam không tự sản xuất được vắc xin thì không có nước nào cho, bởi vì quốc gia nào cũng phải lo chống dịch. Lấy ví dụ, nếu bây giờ có vắc xin viêm phổi Vũ Hán, thế giới có 7 tỷ người thì liệu 7 tỷ người đó có đi tiêm vắc xin phòng dịch không? Vắc xin của Mỹ có 2 liều, tính ra phải sản xuất 14 tỷ liều mới đủ cho cả nhân loại. Một con số khủng khiếp như thế thì không một nước nào có thể sản xuất đủ!

Cho nên, chúng ta không thể trông chờ vào vắc xin của nước ngoài mà vẫn cần phải tìm cách nghiên cứu, sản xuất, tự chủ nguồn vắc xin: tự chủ về chất lượng, số lượng và cả giá thành của vắc xin.

Như tôi đã nói, sản xuất vắc xin viêm phổi Vũ Hán sẽ có nhiều rủi ro. Nhưng chúng ta vẫn phải làm để nếu nay mai, dịch viêm phổi Vũ Hán có thoái trào, hoặc biến mất hoặc virus Corona có quay lại với chủng mới, thì ta vẫn có một công nghệ mới để sản xuất vắc xin.

Trương Thu Hường: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Theo Soha

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

x