Căn cứ quân sự Mỹ tại Kenya bị phiến quân tập kích, 3 người thiệt mạng
Rạng sáng 5/1, nhóm phiến quân al-Shabaab, thân với tổ chức khủng bố al-Qaeda đã tập kích căn cứ Simba của Mỹ tại Kenya khiến 3 người thiệt mạng và nhiều khí tài quân sự bị phá hủy, theo The Guardian.
Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ (AFRICOM) cho biết, ngoài 1 binh sĩ và 2 nhà thầu làm việc cho Lầu Năm Góc thiệt mạng trong cuộc tập kích vào căn cứ Simba, 2 lính Mỹ khác cũng bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng.
Nhà chức trách địa phương không công bố thương vong của lực lượng quân đội Kenya, nhưng khẳng định binh sĩ 2 nước đã phối hợp đẩy lùi đợt tập kích và tiêu diệt ít nhất 8 tay súng của nhóm phiến quân al-Shabaab.
“Cuộc tấn công sử dụng vũ khí bộ binh và súng cối. Lực lượng phòng thủ đã vô hiệu hóa các tay súng sau khi chúng xâm nhập vành đai bảo vệ. Báo cáo cho thấy ít nhất 6 máy bay do các nhà thầu dân sự vận hành đã bị hư hại“, AFRICOM thông báo.
Theo AFRICOM, nhóm phiến quân thân al-Qaeda này đã sử dụng xe bom tự sát để chọc vào vành đai phòng thủ căn cứ Simba, sau đó các tay súng tràn vào căn cứ và phá hủy nhiều phương tiện quân sự.
Căn cứ Simba nằm cách biên giới Kenya-Somalia khoảng 100 km. Có chưa đến 100 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại căn cứ này. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của al-Shabab vào lực lượng Mỹ ở Kenya.
Được biết, al-Shabab là nhóm phiến quân có liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Trong thời gian gần đây, nhóm này đã tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công vào Kenya, bao gồm nhiều vụ tập kích các xe buýt chở khách lưu thông trong khu vực gần biên giới Somalia.
Hồi tuần trước, nhóm này đã thực hiện vụ đánh bom tại một ngã tư sầm uất ở thủ đô Mogadishu của Somalia, giết chết ít nhất 80 thường dân. Cách đây gần một năm, al-Shabab cũng đã tổ chức cuộc tấn công vào một khách sạn và khu tòa nhà văn phòng ở thủ đô Nairobi của Kenya khiến ít nhất 21 thường dân thiệt mạng.
Al-Shabab kiểm soát hầu hết các vùng nông thôn miền nam và miền trung Somalia và thường xuyên tập kích thành phố Mogadishu của nước này. Nhóm phiến quân cũng đang tìm cách áp đặt luật Hồi giáo cực đoan và tìm cách trục xuất quân đội nước ngoài ra khỏi đất nước Somalia. Bao gồm 500 binh sĩ Mỹ và khoảng 20.000 quân liên minh châu Phi, chủ yếu đến từ Kenya, Ethiopia và Uganda.
Phần lớn khoản tài trợ của nhóm phiến quân đến từ tiền bảo kê các khu vực chúng chiếm đóng: Các nông dân và doanh nghiệp phải trả cho nhóm này hàng chục triệu USD mỗi năm hoặc bị đe dọa mạng sống nếu không chịu trả tiền.
Trong nhiều năm qua, quân đội Hoa Kỳ và chính phủ Somalia đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhắm vào phiến quân al-Shabab. Kể từ năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “nới lỏng” quân đội Hoa Kỳ đóng ở Somalia, cho phép tấn công vũ lực nhiều hơn vào phiến quân. Kể từ đó, quân đội Hoa Kỳ đã gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và thực hiện tổng cộng 63 cuộc tập kích vào năm 2019, giết chết hàng trăm tay súng al-Shabab, theo The Washington Post.
Thiện Thành (t/h)