Cán bộ, công chức vẫn đổ về lễ hội?
TT – Khoảng 2.900 thư mời tham dự lễ hội Yên Tử và lễ hội đền Trần 2015 được gửi đến cán bộ, công chức…
Đây là một con số đáng suy nghĩ trong bối cảnh Thủ tướng đã có công điện lưu ý ngay trước Tết Nguyên đán về việc cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính. Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 1 đến 6-3, tức từ 11 đến 16 tháng giêng. Thời gian khai ấn diễn ra đêm 14 tháng giêng và thời gian phát ấn bắt đầu từ 6g sáng rằm tháng giêng đến 20 âm lịch. Riêng lễ hội Yên Tử đã khai hội từ ngày 28-2 với sự có mặt của nhiều xe công về dự hội…
Lễ hội đền Trần 2015: mời khoảng 1.000 đại biểu Xung quanh danh sách khách mời tham dự lễ hội đền Trần năm nay, sáng 2-3, bà Cao Thị Tính – phó chủ tịch UBND TP. Nam Định, trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần 2015 – khẳng định: “Ban tổ chức không mời đồng chí nào bên trung ương về, còn đồng chí nào về thì ban tổ chức sẽ đón tiếp. Không năm nào ban tổ chức chúng tôi gửi danh sách khách mời về đâu cả. Tuy không biết có khoảng bao nhiêu khách mời sẽ về dự lễ hội đền Trần, nhưng ban tổ chức vẫn có phương án để đón tiếp các đại biểu chu đáo”. Tuy nhiên buổi sáng cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh, chủ tịch UBND phường Lộc Vượng, TP Nam Định (địa phương trực tiếp tham gia tổ chức lễ hội đền Trần), lại cho biết theo danh sách khách mời của Ban chỉ đạo lễ hội TP Nam Định thì có khoảng 1000 đại biểu được mời. “Trong đó, một phần giấy mời được gửi đến các bộ, ban ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; một phần giấy mời được gửi đến lãnh đạo các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên…; một phần giấy mời khác được gửi đến các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trong tỉnh Nam Định” – ông Trần Văn Minh nói. Ông còn nói rõ hơn ban tổ chức đã phân công: các đại biểu trung ương về sẽ do UBND tỉnh, TP đón tiếp, còn đại biểu từ các địa phương lân cận, tỉnh bạn sẽ do địa phương tiếp đón. Ông nói thêm mấy ngày qua đã có khá nhiều đại biểu công chức nhà nước đến dâng hương tại đền Trần. Ngoài ra theo ông Minh, về số lượng ấn được phát ra trong năm nay, ban tổ chức đã chuẩn bị số ấn tối đa, đáp ứng cơ bản đầy đủ cho du khách thập phương. Khi được hỏi về công điện của Thủ tướng Chính phủ, ông Minh trả lời: “Vấn đề Thủ tướng nêu, ở góc độ địa phương chúng tôi cũng không nắm được sâu đâu, vì danh sách này là do tỉnh mời. Bên địa phương phường chỉ phát giấy mời!”. Lễ hội Yên Tử: xe đưa đại biểu về dự đông ngoài dự kiến Trong ngày khai hội Yên Tử (28-2), hàng loạt xe biển xanh của các tỉnh thành đã đổ về di tích Yên Tử. Bãi đỗ xe mà ban tổ chức bố trí cho các đại biểu chật cứng, xe biển xanh nối đuôi xếp hàng dài ra khu vực ngoài, nhiều xe biển xanh không có phù hiệu đại biểu cũng đỗ rải rác khắp các bãi xe đậu ở khu vực đường vào lễ hội. Bà Lê Anh Thúy – phó văn phòng HĐND – UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), người phụ trách giấy mời đại biểu dự lễ hội Yên Tử – cho biết ban tổ chức lễ hội đã phát ra hơn 1.900 giấy mời đến lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo một số tỉnh thành… Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị gần 500 phù hiệu là bảng giấy màu đỏ ghi “xe đại biểu hội xuân Yên Tử 2015” để phát cho các ôtô chở đại biểu về dự lễ hội. Số lượng phù hiệu không đủ để phát cho các xe vì số lượng xe đưa đại biểu về dự lễ hội đông ngoài dự kiến. “Gần 500 phù hiệu phát hết từ chiều tối 27-2, sáng hôm sau nhiều xe về sớm nhưng không có phù hiệu. Nhiều xe đại biểu cũng phải đỗ ở khu vực ngoài vì bãi đỗ xe hết chỗ” – bà Thúy nói. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đức Yêm – trưởng ban quản lý khu di tích rừng quốc gia Yên Tử, phó trưởng ban tổ chức lễ hội Yên Tử 2015 – cho biết trong ngày khai hội, ban tổ chức mời đại biểu trung ương, lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh thành, huyện thị có mối quan hệ thân thiết đến dự. Tuy nhiên phía ban tổ chức không yêu cầu đại biểu đi xe biển xanh hay xe biển trắng mà phương tiện là do họ tự bố trí. Khi nghe nhắc về công điện của Thủ tướng, ông Yêm giải thích: “Chúng tôi không làm ngược lại công điện của Thủ tướng. Lễ hội năm nay tổ chức vào thứ bảy là ngày nghỉ nên các đại biểu dễ bố trí công việc. Lễ hội do mình tổ chức, mình mời nên phải trân trọng họ”. Theo ông Yêm: “Đại biểu đến chúng tôi phát phù hiệu cho xe, thẻ cho đại biểu là chuyện bình thường. Các đại biểu đi ôtô gì thì chúng tôi không kiểm soát hết được, không thể thống kê bao nhiêu biển xanh, biển trắng được vì đại biểu đi phương tiện nào là việc của họ”. Ông Yêm cho biết thêm từ các năm trước, lễ hội không tổ chức vào ngày nghỉ nhưng ban tổ chức vẫn mời đại biểu của các địa phương khác có mối quan hệ thân tình về dự. “Đây là lễ hội lớn, quy mô quốc gia chứ không phải của riêng TP Uông Bí nên khi tổ chức thì phải mời đại biểu, còn đi được hay không là việc của họ, không hề bị ép buộc phải đến” – ông Yêm nói.
V.V.TUÂN – THÂN HOÀNG
|
Theo Tuổi Trẻ