Cải cách thuế: Món quà Giáng sinh ông Trump muốn dành tặng nước Mỹ
Ngày 16/11, Dự luật Thuế và Việc Làm đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Tổng thống Trump tin rằng Quốc hội sẽ giải quyết những bất đồng quan điểm về dự luật này và sớm gửi một dự luật thống nhất tới bàn làm việc của ông trước Giáng sinh.
Ngày 16/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật Thuế và Việc Làm. Trong khi đó, Ủy ban tài chính của Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản của dự luật, khác với phiên bản của Hạ viện ở một số điểm chính.
Mặc dù thời gian gấp gáp, Tổng thống Donald Trump vẫn cam kết thực hiện sớm cải cách thuế để làm món quà Giáng sinh dành tặng nhân dân Mỹ.
Theo dự kiến, Thượng viện sẽ bỏ phiếu cho dự luật sau Lễ Tạ ơn. Để cải cách thuế trở thành luật, các dự luật phải được nhất trí và ông tin tưởng rằng các viện sẽ giải quyết được sự bất đồng ý kiến.
Ông Trump nói trong một cuộc họp với nội các của ông vào ngày 20/11: “Chúng tôi sẽ dành cho nhân dân Mỹ một khoản giảm thuế khổng lồ vào dịp Giáng sinh. Hy vọng rằng, đó sẽ là một món quà Giáng Sinh lớn, đẹp và tuyệt vời”.
Theo Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, bất chấp những khác biệt, cả dự luật của Hạ Viện và dự luật của Thượng viện đều đạt được 3 mục tiêu chính của Tổng thống Trump. Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 17/11, ông Trump cho biết 3 mục tiêu không thể thay đổi này là: mức thuế doanh nghiệp là 20%, cắt giảm nhiều thuế cho tầng lớp trung lưu và luật thuế được đơn giản hóa.
Trọng tâm của cải cách thuế là: Cả hai dự luật đều giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%.
Một số đảng viên Đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại về các dự luật thuế. Thượng nghị sĩ Ron Johnson là thành viên Đảng Cộng hòa đầu tiên chống lại cả hai dự luật. Ông Ron cho rằng, cắt giảm thuế sẽ làm cho các tập đoàn lớn có ưu thế hơn các doanh nghiệp nhỏ.
Ngày 16/11, ông Ron nói với CNN: “Chúng ta đang bỏ rơi những doanh nghiệp không bị đánh thuế 2 lần (pass-through business). Và những doanh nghiệp này chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và sáng tạo trong nền kinh tế chúng ta”.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ được thành lập theo dạng pass-through entity, có nghĩa là thu nhập doanh nghiệp được tính theo bản khai thuế của chủ doanh nghiệp và bị đánh thuế theo thuế suất thu nhập cá nhân.
Pass-through business bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, và công ty cổ phần nhỏ. Theo luật thuế hiện nay, các công ty này đều bị đánh thuế theo mức thuế thu nhập cá nhân lên đến 39,6%. Các nhà phê bình nói rằng, quy định trong các dự luật thuế đối với pass-through business quá phức tạp vì thế rất khó giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, ông Hassett nói rằng, kiểm tra và tranh luận về các dự luật trong quá trình lập pháp là điều hợp lý và Tổng thống Trump cũng ủng hộ quy trình này được tiến hành theo trật tự như vậy.
Ông Hassett nói: “Tôi hy vọng mọi người, ngay cả các thành viên Đảng Dân chủ có thể bàn thảo và đưa ra kết luận có muốn bỏ phiếu cho dự luật hay không”.
Tăng trưởng kinh tế
Ông Hassett tin tưởng rằng cải cách thuế sẽ giúp Mỹ tăng trưởng kinh tế.
Ông nói: “Trong các mô hình kinh tế mà tôi từng thấy, thì đều sẽ tăng trưởng, dù là tăng trưởng nhiều hay đôi khi chỉ tăng trưởng một chút thôi ở những nền kinh kinh tế khép kín”.
“Bạn nhận được sự tăng trưởng tích cực từ việc (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp) này. Và sự tăng trưởng đó sẽ mang lại lợi ích cho người lao động”.
Theo báo cáo của The Heritage Foundation, một nhóm tư vấn của phe bảo thủ, dự luật của Hạ viện dự kiến sẽ làm tăng GDP trong dài hạn lên 2,6%, và dự luật của Thượng viện dự kiến sẽ làm tăng GDP lên 2,8%.
GDP tăng sẽ làm tăng thu nhập của các hộ gia đình ở Mỹ lên từ 4.000 – 4.400 USD/hộ.
Ông Trump chỉ trích luật thuế đang áp dụng đã đẩy các doanh nghiệp và việc làm trong nước ra nước ngoài. Các công ty Mỹ tránh thuế trong nước bằng cách tiến hành kinh doanh ở những nước có thuế thấp như Ireland chẳng hạn.
Nhiều năm qua, các tập đoàn của Mỹ đã giữ tiền ở chi nhánh nước ngoài để tránh bị đánh thuế cao. Ước tính, tổng số thu nhập tích lũy ở tất cả các ngành công nghiệp là hơn 2.500 tỷ USD.
Ông Hassett giải thích: “Nếu bạn xây dựng nhà máy ở Ireland thì sau đó bạn có thể bán sản phẩm trở lại Mỹ và khi bán lại Mỹ, sẽ làm tăng thâm hụt thương mại và không mang lại lợi ích gì cho người lao động Mỹ”.
“Điều Tổng thống Trump muốn làm là giảm thuế suất xuống 20% và xây dựng lan can để mọi người không thể chuyển nhượng… mọi thứ sang Ireland được nữa”.
Bạch Vân, theo Epoch Times