Các nhà lập pháp Mỹ đề cử giải Nobel Hòa bình cho toàn bộ người biểu tình Hồng Kông
Một nhóm lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp nổi tiếng của Mỹ đã đề cử giải Nobel Hòa bình cho những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Động thái này có thể khiến Trung Quốc tức giận giữa lúc tình hình hai nước vẫn đang căng thẳng.
Trong lá thư gửi Ủy ban Giải thưởng Hòa bình Nobel ngày 5/2, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Dân chủ James P. McGitas, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Vấn đề Trung Quốc, đã đề nghị trao giải thưởng cho toàn bộ phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông thời gian qua.
Giải thưởng này sẽ tôn vinh hàng triệu người Hồng Kông, “những người đã dám mạo hiểm cả sinh mạng, sức khỏe, công việc và học tập để đấu tranh cho một tương lai Hồng Kông tốt đẹp hơn”, bức thư viết.
Bức thư được gửi cho Ủy ban Nobel trong thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi Bắc Kinh đang phải vật lộn để ngăn chặn đợt bùng phát dịch virus corona đang lan nhanh trên khắp thế giới và có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế nước này.
Động thái này được cho là chắc chắn sẽ thu hút sự chỉ trích từ Bắc Kinh, nơi từng đổ lỗi cho các thế lực nước ngoài đã đứng sau xúi giục các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Dưới đây là nguyên văn bức thư:
“Kính gửi Chủ tịch Reiss-Andersen và các thành viên Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình.
Chúng tôi, những thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ ký tên dưới đây trân trọng đề cử trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 cho những người biểu tình trong phong trào dân chủ Hồng Kông, nhằm ghi nhận những nỗ lực của họ trong việc bảo vệ quyền tự trị, nhân quyền và luật pháp Hồng Kông vốn được đảm bảo trong tuyên bố chung Trung Anh và Luật Cơ bản Hồng Kông.
Phong trào dân chủ Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho thế giới khi vô số người dân thường xuyên mạo hiểm tính mạng, sức khỏe, công việc và học tập để kêu gọi một tương lai tốt hơn cho Hồng Kông. Họ đã thể hiện lòng dũng cảm, khả năng lãnh đạo phi thường và cam kết không lay chuyển cho một Hồng Kông tự do, dân chủ vốn giương cao luật pháp và các quyền tự do cơ bản của con người.
Vào tháng 3/2019, một loạt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn đã nổ ra ở Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ. Dự luật này có thể khiến bất cứ ai ở Hồng Kông có nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, nơi ghi nhận nhiều trường hợp giam giữ tùy tiện, thiếu thủ tục tố tụng, tra tấn và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác. Cuộc biểu tình vào ngày 16/6/2019 với sự có mặt của hơn 2 triệu người trong tổng số khoảng 7,5 triệu người Hồng Kông đã trở thành một trong những cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử.
Những người biểu tình đại diện cho nhiều giai tầng trong xã hội Hồng Kông, bao gồm – sinh viên, trẻ em, người về hưu, phụ nữ, giáo viên, tiếp viên hàng không, nhân viên ngân hàng, luật sư, nhân viên xã hội, doanh nhân, chuyên gia y tế, nhân viên sân bay, lao động nhập cư và công chức. Toàn bộ thành phố đang tham gia vào một phong trào vừa độc đáo vừa truyền cảm hứng về quy mô, phạm vi cũng như sự sáng tạo. Những người biểu tình rất khôn ngoan, họ đã sử dụng các phương thức ôn hòa và sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, chiếu tia laser và kết tay nhau trên khắp Hồng Kông.
Phong trào dân chủ đưa ra 5 yêu cầu hợp lý cho chính phủ Hồng Kông, bao gồm: 1) rút dự luật dẫn độ; 2) tiến hành một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát lạm dụng bạo lực, 3) phóng thích tất cả những người biểu tình bị bắt, 4) rút lại việc cáo buộc những người biểu tình là nổi loạn, 5) sử dụng quyền bầu cử phổ thông để bầu trưởng đặc khu và các thành viên hội đồng lập pháp.
[Tuy nhiên], thay vì thực hiện các biện pháp đối thoại và đàm phán chính trị, chính phủ Hồng Kông đã đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, đồng thời sử dụng vũ lực quá mức và không cần thiết, trái với Bộ quy tắc ứng xử của Liên hợp quốc đối với các quan chức thực thi pháp luật và Các Nguyên tắc cơ bản về sử dụng vũ lực và vũ khí dành cho nhân viên thực thi pháp luật. Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra về những vụ việc này. Mỹ và Anh đều đã đình chỉ việc bán thiết bị kiểm soát đám đông cho cảnh sát Hồng Kông.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều tổ chức và cá nhân đã đứng ra yêu cầu các quyền tự do cho Hồng Kông, và phong trào hiện nay cũng không ngoại lệ. Phong trào dân chủ năm qua đã được tổ chức rất ấn tượng và chặt chẽ, nhưng đáng chú ý nhất là không có người lãnh đạo và rất linh hoạt. Vì lý do này, thay vì nêu bật một cá nhân hoặc tổ chức riêng biệt, chúng tôi muốn đề cử giải Nobel Hòa Bình cho cả phong trào dân chủ Hồng Kông. Giải thưởng này sẽ tôn vinh hàng triệu người Hồng Kông, những con người bản lĩnh và quyết tâm đã truyền cảm hứng đến cho thế giới.
Chúng tôi đánh giá cao việc Ủy ban Nobel sẵn sàng trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba vào năm 2010. Sự giam cầm bất công đối với ông Lưu và cuối cùng là cái chết của ông là một lời nhắc nhở nghiêm túc về sự hy sinh của nhiều người Trung Quốc đã dám lên tiếng vì quyền con người.
Chúng tôi hy vọng Ủy ban Nobel sẽ tiếp tục vinh danh những người đang đấu tranh cho hòa bình và nhân quyền ở Trung Quốc, và chúng tôi tin rằng phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông trên cả xứng đáng được công nhận trong năm nay”.
Thùy Linh (t/h)